26/09/2020 07:57 GMT+7

Anh tài xế xe công nghệ vào giảng đường ở tuổi 35

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Ở cái tuổi không còn trẻ, anh Võ Đức Tâm (35 tuổi, tài xế Grab) lại nung nấu quyết tâm vào giảng đường. Anh muốn thoát nghèo, làm chủ cuộc đời mình thay vì mỗi ngày mòn mỏi đợi chờ những cuốc xe ôm...

Anh tài xế xe công nghệ vào giảng đường ở tuổi 35 - Ảnh 1.

Anh Võ Đức Tâm sau 3 năm gắn bó với công việc chạy xe Grab nay quyết tâm vào giảng đường để thay đổi cuộc đời mình - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Tháng 10 tới đây, anh sẽ trở thành tân sinh viên ngành kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM).

Không bao giờ là muộn để bắt đầu

Hơn 19h tối, anh Tâm trở về căn nhà trọ nhỏ xíu nằm sâu trong một xóm trọ tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Anh cho biết mình ở chung với một người bạn cũng chạy Grab, thuê hơn 1,3 triệu đồng/tháng.

Căn phòng này đã gắn bó với anh hơn 3 năm qua, cũng là ngần ấy thời gian anh lên Sài Gòn mưu sinh và gắn cuộc đời mình với những cuốc xe.

Tâm sinh ra trong gia đình đông con ở Vĩnh Long. Căn nhà dưới quê của gia đình chỉ có cái nền, mái và tường vá víu tạm bợ làm chỗ che mưa nắng. Học hết lớp 12 anh đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền mưu sinh, từ bảo vệ, giữ xe, phụ bán hàng, giao hàng... nhưng số tiền kiếm được chẳng đủ lo cho cuộc sống. 

Anh có một người chị khuyết tật không thể lao động được, sống với chị từ nhỏ nên anh rất thương chị. Cha mẹ mất đi, anh lên TP.HCM chạy Grab với mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn để gửi về quê lo cho chị.

Thời gian đầu chạy xe, chịu khó một chút anh Tâm cũng kiếm được tiền nhưng càng ngày mọi thứ càng khó khăn, nhất là trong đại dịch COVID-19 vừa qua anh cảm nhận rõ sự thê thảm của thất nghiệp. 

'Những ngày thành phố cách ly, đường phố vắng tanh, không ai đặt xe. Quán xá đóng cửa, cũng không ai đặt đồ ăn. Lúc ấy cuộc sống rất vất vả, không có tiền nhưng vẫn phải sống' - chàng thanh niên có gương mặt hiền lành nhớ lại.

Trải qua những ngày dịch, Tâm đã suy nghĩ rất nhiều về tương lai và cuộc đời của mình. Anh chưa có vợ con nhưng chị gái cần anh lo. Nếu cứ tiếp tục "lông bông" thế này, đến khi sức khỏe không còn thì sẽ làm sao? 

Hằng đêm anh đều trằn trọc, trăn trở. Rồi những lần đậu xe trước cổng trường đại học chờ sinh viên, những cuốc xe được nghe các bạn sinh viên kể về chuyện học hành, anh đã suy nghĩ rất nhiều.

'Mình quyết tâm phải đi học, phải vào giảng đường để học lấy cái nghề một cách bài bản. Có cái nghề trong tay, cuộc đời sẽ thay đổi, tương lai sẽ rộng mở. 35 tuổi không phải là muộn, nhưng sẽ là muộn nếu ngày mai vẫn chưa bắt đầu' - Tâm chia sẻ. Và anh đã trúng tuyển vào Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng.

Có cái nghề để tương lai rộng mở

Hồi tháng 6 Tâm đến trường nộp hồ sơ, lúc đó trường yêu cầu phải đóng học phí. Tiền học phí và các khoản khác trong học kỳ đầu tiên gần 6 triệu đồng nhưng trong túi anh chỉ có khoảng 4 triệu - số tiền anh đã để dành gần nửa năm.

'Khi mình có ý định đi học, ngoài tiền đóng phòng trọ, gửi về quê cho chị một chút, ăn uống chi tiêu tiết kiệm hết mức để dành tiền đi học. 

Thế nhưng đúng lúc ấy có dịch, tiền không kiếm được lấy đâu để dành. Không đủ tiền, mình về mượn bạn bè mỗi người một ít để đóng đủ 6 triệu, sau đó mình chạy xe trả dần' - vừa nói anh Tâm vừa lấy biên lai đóng tiền và giấy thông báo trúng tuyển mà ánh mắt ngập tràn hạnh phúc vì sắp được đến trường.

Những người bạn chạy Grab với anh biết anh có ý định đi học đều cản: 'Thôi ông ơi, ông già rồi học chi nữa, học không nổi đâu'. Bạn nói gì kệ bạn, Tâm đã quyết tâm rồi, dù biết chặng đường phía trước chẳng hề dễ dàng.

Anh Tâm chia sẻ cả ngày hôm nay anh chạy xe từ sáng đến 20h kiếm được hơn 200.000 đồng, chưa trừ tiền xăng, tiền phần trăm đóng cho Grab. Chương trình học của anh kéo dài ba năm, hằng ngày học nguyên ngày: sáng lý thuyết, chiều thực hành. Do đó anh chỉ còn cách chuyển sang chạy ban đêm để kiếm tiền, chưa kể vào năm học bài vở nhiều anh cần phải có thời gian học bài.

Trước mắt là con đường lắm chông gai nhưng anh bảo bây giờ không còn đường lùi, và anh sẽ dồn sức trong ba năm tới vì một cuộc sống tốt hơn. 

Anh Tâm chia sẻ lý do chọn học ngành kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí vì bây giờ các gia đình hầu như đều có các thiết bị như tủ lạnh, máy lạnh..., do đó anh dễ dàng kiếm được việc làm. 

Ra trường lúc 38 tuổi cũng không còn độ tuổi tuyển dụng của các công ty nên anh sẽ hướng đến xin làm trong các cửa hàng. Ngay từ bây giờ, để có thể thành người giỏi nghề, anh Tâm sẽ cố gắng rèn luyện tay nghề bằng cách đến cửa hàng sửa chữa đồ điện lạnh của một người cháu họ xin thực hành thêm.

'Ước mơ của mình là mở một tiệm điện lạnh, sau này có muốn về quê để tiện chăm sóc chị mình cũng có thể làm được. Chỉ cần có cái nghề trong tay, cuộc sống sẽ đổi' - Tâm luôn tin tưởng vào điều đó.

1.000 suất học bổng đang chờ các tân sinh viên

Cùng sự chung sức, đồng lòng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm, chương trình Tiếp sức đến trường với thông điệp "Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ" trong 17 năm qua đã chắp cánh ước mơ cho hàng vạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tự tin chạm tay vào ngưỡng cửa giảng đường đại học.

Dự kiến có khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên trúng tuyển đại học, cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt ở năm học 2020-2021. Đăng ký hồ sơ phỏng vấn trực tuyến trước ngày 15-10-2020 tại .

Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học giỏi, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời, qua email: [email protected] hoặc điện thoại: 0283.997.3838.

Ngay bây giờ, bạn đọc có thể đồng hành với báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn có thêm niềm tin, chỗ dựa để thêm phần vững bước.

Kinh phí ủng hộ chương trình mời quý nhà hảo tâm, doanh nghiệp, bạn đọc đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.

Ngoài ra, bạn đọc có thể chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

CÔNG TRIỆU

Nghị lực, tình yêu thương và sự sẻ chia: khập khiễng vào giảng đường Nghị lực, tình yêu thương và sự sẻ chia: khập khiễng vào giảng đường

TTO - Hôm nay 28-9, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Tiền Giang, Bến Tre, CLB "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" 2019 cho 86 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp