Linda gặp Paul McCartney tại Luân Đôn vào năm 1967 tại một câu lạc bộ đêm. Họ gặp lại nhau vài ngày sau đó trong buổi ra mắt album thứ 8 của The Beatles mang tên Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band. Cặp đôi kết hôn vào tháng 3-1969, có 4 người con và vô cùng gắn bó cho đến khi căn bệnh ung thư vú tước đi sinh mạng Linda vào năm 1998. |
Linda McCartney được biết đến không chỉ vì bà là vợ của nam ca sĩ nhóm The Beatles Paul McCartney mà còn nhờ loạt ảnh chụp các nghệ sĩ chứa đầy cảm xúc, cái tâm và tài của một nữ nhiếp ảnh gia.
Linda Eastman McCartney sinh năm 1941 tại New York và lớn lên ở vùng ngoại ô Westchester. Từ những năm 1960 đến 1990, bà đã chụp hàng loạt ảnh ghi lại cảnh sinh hoạt, biểu diễn của các nghệ sĩ nhạc rock.
Niềm đam mê dành cho âm nhạc đã truyền cảm hứng cho sự nghiệp nhiếp ảnh của Linda, giúp bà bền bỉ theo chân các nghệ sĩ nhạc rock trong suốt gần 30 năm.
Paul McCartney, thành viên kết hôn muộn nhất nhóm The Beatles, chụp ảnh cùng cô dâu Linda Eastman |
Nhiều người nhầm tưởng Linda có mối quan hệ với gia tộc George Eastman, nổi tiếng với thương hiệu phim Kodak. Tuy nhiên, Linda chỉ sinh ra trong một gia đình có người cha mang hai dòng máu Do Thái – Nga. Sau khi nhập cư sang Mỹ, cha Linda đổi tên từ Leopold Vail Epstein sang Lee Eastman.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Linda chuyển về sinh sống tại vùng Arizona, nơi cô được một người bạn khuyến khích theo học môn lịch sử nghệ thuật tại Trung tâm nghệ thuật Tucson do nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hazel Archer giảng dạy.
Archer sau đó giới thiệu Linda với những đồng nghiệp tài năng khác như Walker Evan, Dorothea Lange, Ansel Adams và bảo cô hãy “đi mượn máy ảnh, mua một cuộn phim và chụp hình”.
“Cô ấy truyền cảm hứng cho tôi trở thành một nhiếp ảnh gia, vì những bức ảnh cô cho tôi xem rất khác so với các ảnh thời trang. Chúng là những bức ảnh của cuộc sống, của con người, của nỗi buồn, của sự đói kém, của tự nhiên, tất cả - và tôi yêu chúng”, Linda lúc sinh thời từng chia sẻ.
Quay lại Manhattan (New York), niềm đam mê của Linda dành cho nhiếp ảnh bắt đầu khi cô làm tiếp tân tại tạp chí Town and Country.
Cô đến tham dự buổi tiệc của nhóm nhạc lừng danh Rolling Stone và chụp ảnh họ. Sự kiện này cũng khởi đầu cho sự nghiệp chụp ảnh của Linda trong những năm 1960.
Paul McCartney trông như đang bay khi lặn xuống một hồ bơi trong chuyến đi nghỉ mát ở Jamaica năm 1971. Lấy cảm hứng từ cảm giác bay lượn, Paul sáng tác ca khúc “Bluebird” với sự hỗ trợ của Linda và nhạc sĩ Denny Laine |
Cho đến nay, những tác phẩm ấy vẫn còn vẹn nguyên và được xuất bản trong quyển “Linda McCartney: Life in Photographs” (tạm dịch: Linda McCartney: Cuộc đời qua những bức ảnh).
“Nhiếp ảnh gia nào là người có tầm ảnh hưởng lớn đã chụp các bức ảnh cho làng nhạc rock trong những năm 1960? Tôi nghĩ không ai có các tác phẩm vừa đầy đủ, vừa ghi lại những khoảnh khắc quan trọng ngoài Linda”, Paul McCartney đã viết như thế về người vợ quá cố.
Ảnh chụp Steve McQueen và Ali McGraw ở Jamaica vào năm 1973. Ali là người vợ thứ hai của Steve. Họ yêu nhau khi đóng cặp trong phim The Getaway (1972). Khi đó, Ali cũng thủ vai là vợ Steve. Cặp đôi kết hôn năm 1973 nhưng chỉ sống cùng nhau trong 5 năm. McQueen không muốn vợ mình tiếp tục đóng phim, sau đó phản bội Ali. |
Linda gặp gỡ và chụp ảnh nhóm Rolling Stones lần đầu khi cô tham dự buổi tiệc quảng bá album của nhóm năm 1966. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu trong sự nghiệp nhiếp ảnh của Linda |
Paul, Linda và các con rất yêu ngôi nhà của gia đình McCartney tại Scotland. Paul mua lại nông trại nhỏ sau khi nhóm The Beatles tan rã năm 1970. Nơi này giúp Paul tránh xa chất gây nghiện và các cuộc tụ tập ở các hộp đêm, vốn diễn ra mạnh mẽ tại Luân Đôn trong thời điểm ấy. Cuộc sống giản đơn cũng truyền cảm hứng cho Paul viết ca khúc The Long and Winding Road |
Ảnh chụp nhóm The Beatles tại Luân Đôn năm 1968, một năm sau khi Linda và Paul gặp nhau lần đầu. Đây cũng là năm đầu tiên cửa hàng Apple Boutique do The Beatles đầu tư mở cửa tại Luân Đôn. Paul miêu tả đây là “nơi đẹp đẽ mà những người đẹp có thể mua đồ đẹp”. Tuy nhiên, cửa hàng đóng cửa ngay trong năm đó |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận