Ông Nguyễn Văn Chiến, thương binh 2/4, chiến sĩ tiểu đoàn 269, nâng niu tấm ảnh đen trắng chụp đồng đội trong trận đánh vào Tân Sơn Nhất - Ảnh: TỰ TRUNG
Hàng rào kẽm gai bảy, tám lớp; lô cốt phòng bị ngày đêm; địa hình trống trải không chỗ ẩn náu. Súng, pháo trước mặt, xe tăng sau lưng, trực thăng trên đầu. Hàng ngàn chiến sĩ trẻ đã tiến vào mặt trận như thế, tiến lên trước các vòng quét đèn pha, trước những làn đạn tứ phía.
Người đi trước ngã xuống, người phía sau tiến lên. Không một ai lùi bước.
Tất cả đồng đội của chúng tôi đã chiến đấu đến khi hết đạn và hết cả máu. Mỗi người là một tấm gương, xứng đáng là một anh hùng...
Ông VŨ CHÍ THÀNH
Chiến đấu đến khi hết đạn và hết cả máu
Ông Bùi Hồng Hà, chiến sĩ tiểu đoàn 16, hiện sống ở TP.HCM, nhớ lại: "Chúng tôi được giao nhiệm vụ xung kích, cắt hàng rào, diệt lô cốt để mở đường vào sân bay. Cam go ngay từ bước đầu tiên.
Lô cốt góc tây nam hỏa lực rất mạnh, chúng tôi bắn hết 20 quả cối 82 nhưng chưa trúng đích. Tổ xung kích bò đến gần bắn thêm mấy quả B40 nhưng đạn trọng liên bên trong vẫn bay ra như vãi trấu. Từng người một ngã xuống trong tầm đạn.
Đến lượt tổ bộc phá tiếp cận. Đạn càng rát hơn. Lợi dụng lúc nòng súng quay sang bên, một anh, sau này chúng tôi biết tên anh là Đồ - quân địa phương, ôm trái bộc phá đã châm ngòi lao thẳng vào lỗ châu mai.
Bộc phá nổ. Lô cốt đầu cầu sập. Sự hi sinh anh dũng của anh châm thêm lửa trong lòng chúng tôi. Các đại đội lập tức tiến qua vòng rào".
Ông Vũ Chí Thành, chiến sĩ tiểu đoàn 16, hiện sống ở Lộc Giang, Long An, cho biết: "Chúng tôi vào trận vui như đi chơi tết, nhưng đều xác định hi sinh là điều sẵn sàng, nhất là với mục tiêu lớn như Tân Sơn Nhứt.
Anh em thống nhất với nhau: nếu bị thương vào chân, hãy nằm lại trận địa tiếp tục chiến đấu; nếu bị thương mà chân còn đi được, khi hết sức chiến đấu hãy cố gắng tự đi về tuyến sau.
Tất cả đồng đội của chúng tôi đã chiến đấu đến khi hết đạn và hết cả máu. Mỗi người là một tấm gương, xứng đáng là một anh hùng".
Theo ông Thành, tiểu đoàn 16 năm ấy có quân số 550 người. Ước tính hơn 380 người đã nằm lại bên trong lẫn bên ngoài vòng rào sân bay.
Ông Ngô Công Chiến, chiến sĩ tiểu đoàn 267, hiện sống tại Bình Thủy, Cần Thơ, kể: "Là chiến sĩ thông tin nên tôi đi sát tiểu đoàn trưởng là anh Ninh Văn Liễu, một người lính miền Bắc kỳ cựu từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ binh tiến lên trước, chúng tôi tiến phía sau.
Trời sáng dần là lúc chúng tôi không còn màn đêm bảo vệ, trực thăng bắt đầu cất lên, sà xuống xả đạn, xung quanh là những bãi cỏ, bãi rau, đất trống mênh mông. Đạn rát quá, không kịp đào công sự, nhìn quanh tôi chợt thấy một cái giếng cạn, có lẽ của người dân trữ nước tưới rau.
Tôi nói với anh Liễu: "Anh nhảy xuống đây tạm đã". Nói rồi hai anh em cùng nhảy vào đó. Anh Liễu tiếp tục dùng bộ đàm để chỉ huy. Một lát tôi nghe thấy một tiếng nổ bên tai mình rồi không biết gì nữa...".
"Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trên bãi cỏ, xung quanh là những anh em và cả tiểu đoàn trưởng của tôi đã hi sinh. Cái giếng cạn bị đạn bắn từ máy bay, anh Liễu hi sinh tại chỗ, còn tôi thì máu phun ra hai bên tai. Lôi chúng tôi từ dưới hố lên mặt đất, đồng đội không ngờ tôi còn sống".
Huy hiệu cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại đội 3 tiểu đoàn 269
Trong số những người còn lại của tiểu đoàn 269 đến hôm nay, không có ai thuộc đại đội 3, đại đội 150 người tham gia tiến công Tân Sơn Nhất.
Ông Nguyễn Văn Chiến, thương binh 2/4, thuộc tiểu đoàn này, hiện sống ở Đức Huệ, Long An, đưa chúng tôi xem tấm ảnh đen trắng chụp một chàng trai trẻ: "Đây, bạn thân nhất của tôi. Đơn vị gọi tôi là Chiến "đen", còn nó là Chiến "trắng". Cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai, nhiều cô gái thương lắm.
Chiến dịch Mậu Thân đại đội tôi được phân công khu vực Phú Lâm, cả đợt 1 và 2. Chiến "trắng" cùng đại đội 3 dự trận Tân Sơn Nhất. Từ đó chúng tôi không còn được gặp nhau".
Ông Huỳnh Cương Quyết - nguyên là chiến sĩ cứu thương tiểu đoàn 269, hiện sống tại Tân An, Long An - kể: "Tôi gia nhập tiểu đoàn 269 từ ngày mới thành lập ở Bến Tre, làm cứu thương ở trung đội 2, đại đội 2.
Tiểu đoàn lúc đầu chỉ có hai đại đội bộ binh đã dần lớn mạnh, có thêm các đại đội thông tin, đặc công, pháo... Cuối năm 1966 tôi đi học lớp y tá, rồi được rút về đội phẫu thuật quân khu.
Chiến dịch Mậu Thân diễn ra, trạm phẫu thuật của chúng tôi đóng tại Đức Hòa. Tại đây anh em thương binh đưa về rất đông.
Bom pháo đổ đến ác liệt, các hầm phẫu thuật được tấn giữ bằng ván gỗ tháo ra từ giường, tủ của bà con vẫn trụ vững, bác sĩ, y tá làm việc túi bụi ngày đêm.
Tôi gặp lại những đồng đội 269 của mình. Một anh bị nhiều mảnh đạn găm vào đầu, nằm hôn mê tưởng đã hi sinh. Tôi cố gắng làm theo những chỉ dẫn của bác sĩ: mở rộng vết thương, rút mảnh đạn, bơm nước truyền vào từ từ để máu bầm và những mảnh não chết trôi ra.
Ngày nay không tưởng tượng ra được cách điều trị như vậy, nhưng trong chiến tranh chúng tôi làm những gì có thể và đôi khi phép lạ cũng đến. Mười mấy ngày sau anh ấy đi được, nói được".
Sau đợt 1, 2 Mậu Thân, tiểu đoàn 269 họp lại chưa đầy 100 người. Có rất nhiều đợt bổ sung quân cho các tiểu đoàn 16, 267, 269 nhưng rồi các cuộc giao tranh ác liệt làm tiêu hao dần.
Duy trì được đến năm 1970, sang năm 1971 cả ba tiểu đoàn buộc phải xóa phiên hiệu, hợp nhất thành trung đoàn nhẹ 1696.
"Nếu mày còn về được..."
Ông Ngô Công Chiến
Ông Ngô Công Chiến: "Một cảnh chứng kiến làm tôi nhớ mãi: một cậu bị thương vào bụng, ruột lòi ra ngoài. Cậu ấy gạt tay người bạn thân cùng quê nhất quyết đòi cõng bạn ra phía sau: "Tao không qua khỏi đâu. Nếu mày còn về được, sau này nhớ sang thăm mẹ tao. Tụi mày ráng sống khỏe nhé".
Cậu kia trầm giọng trả lời: "Ừ, mày cũng ráng chết khỏe nhé".
Tiểu đoàn 267 của chúng tôi có 1.200 người, sau trận đánh Tân Sơn Nhất còn chưa đầy 200. Hầu hết những người đã nằm xuống đều là những chàng trai trẻ, chưa có gia đình, chưa có cả người yêu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận