20/06/2018 14:44 GMT+7

Ảnh hưởng của độ cao tới tim mạch

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Sự hiểu biết về khả năng thích nghi cũng như những tai biến có thể gặp phải trong điều kiện ở độ cao là hết sức cần thiết, đặc biệt với các đối tượng đã có bệnh lý tim mạch.

Ảnh hưởng của độ cao tới tim mạch - Ảnh 1.

Người leo núi phải trang bị bình oxy để thờ và quần áo đủ ấm. Ảnh cnn.com

Để phân loại mức độ của độ cao, người ta chia ra làm 3 mức độ khác nhau:

- Độ cao nhẹ: dưới 1.500m

- Độ cao trung bình: từ 1.500 đến 4.000m.

- Độ cao lớn: trên 4.000m.

Sự thích nghi với độ cao

Sự thích nghi của cơ thể với độ cao bắt đầu xuất hiện khi ở độ cao >1.500m so với mực nước biển. Đối với những người khỏe mạnh, khi lên cao trong vòng 6 đến 8 giờ đầu sẽ có sự tăng nhẹ cung lượng tim và cung lượng thở để đảm bảo duy trì sự cung cấp oxy cho các cơ quan sống. Giai đoạn đầu tiên khi lên cao, cung lượng tim sẽ tăng khoảng 20-30%; có hiện tượng giãn mạch tổ chức, tăng nhẹ áp lực động mạch phổi do nồng độ oxy phế nang bị giảm. 

Tăng tạo hồng cầu và lượng huyết sắc tố chứa trong hồng cầu, tăng từ 20 - 30% thể tích máu; các tế bào cơ tim tăng khả năng sử dụng oxy. Đây chính là yếu tố rất quan trọng cần chú ý đối với các đối tượng đã có các bệnh lý tim mạch. Những người được sinh ra ở độ cao trên 5.000m do sự thích nghi nên có tỷ lệ đường kính lồng ngực so với cơ thể tăng hơn so với người sinh ra ở vùng đồng bằng, thất phải phát triển để đáp ứng và duy trì một áp lực động mạch phổi cao.

Một điểm cần hết sức lưu ý là các cơ chế thích nghi không phải tồn tại vĩnh viễn. Nếu người đã thích nghi với độ cao trở về sống ở vùng đồng bằng trong thời gian dài, thì khi quay lại vùng cao, sẽ cần phải có một thời gian đủ để thích nghi lại.

Khi áp lực riêng phần của oxy giảm dưới 40mmHg, xảy ra hiện tượng giãn chọn lọc của động mạch não và động mạch vành; trạng thái giảm nồng độ khí CO2 của không khí trên độ cao sẽ kích thích các thụ cảm thể hóa học của động mạch, gây nên co mạch và tăng sức cản ngoại biên; tăng sức co bóp của tim và thông khí phổi. Kết quả dẫn đến sự tái phân phối máu của tổ chức; đảm bảo ưu tiên phân phối máu cho các cơ quan sống quan trọng như não, thận và tim. Tuy nhiên nếu áp lực riêng phần oxy giảm quá nhiều (dưới 20mmHg) sẽ vượt quá cơ chế thích ứng của tổ chức, lúc đó sẽ xảy ra các rối loạn nặng.

Đối với những người khỏe mạnh, tới độ cao 2.000m vẫn không xảy ra biến đổi của hệ thống hô hấp và tuần hoàn. Tới 2.500m có sự giảm nhẹ độ bão hòa oxy xuống (khoảng 93%), sự giảm nhẹ này đủ để kích thích các thụ thể hóa học gây tăng thông khí phổi (tăng 65% ở độ cao 5.000m). Đồng thời với tăng thông khí phổi là tăng cung lượng tim khoảng 25% so với giá trị cơ sở song song với co mạch ngoại biên và tăng áp lực động mạch phổi.

Bắt đầu ở độ cao 3.000m sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ như cảm giác mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và giảm nhẹ trí nhớ. Các triệu chứng sẽ càng rõ rệt và nặng nề hơn ở độ cao lớn hơn và ở độ cao 7.000m sẽ xuất hiện rối loạn ý thức và khởi đầu hôn mê. Sự tăng thông khí phổi kéo dài sẽ gây nên mất nước kết hợp với tăng lượng huyết sắc tố làm cho máu trở nên cô đặc hơn, tăng độ quánh, kết quả là tăng nguy cơ bị huyết khối. Sự tăng áp lực động mạch phổi cũng gây nên tăng gánh nặng thất phải, hậu quả là phì đại và giãn thất phải.

Khi thực hiện các gắng sức nhẹ (tương đương cường độ khoảng 80W) ở độ cao 1.500m nhịp tim sẽ tăng cao hơn 50% so với gắng sức tương tự ở độ cao bằng 0. Cường độ gắng sức của những người không được rèn luyện chỉ thực hiện được 1/2 ở độ cao 3.000m, người có rèn luyện thực hiện được 2/3 và những người sinh ra trên vùng cao có thể thực hiện được 90% mức gắng sức so với gắng sức trong điều kiện cơ sở.

Các tai biến do độ cao và cách phòng ngừa

Mệt mỏi cấp tính do độ cao: Gồm các triệu chứng rối loạn về hô hấp, thần kinh như đau đầu kéo dài, tăng tần số thở, khó thở; có thể xuất hiện phù khu trú ở mặt hoặc tận cùng của chi, đái ít. Các triệu chứng này thường xảy ra sau 6 giờ khi lên độ cao 2.500 đến 3.000m và ở những người chưa được rèn luyện. Việc phòng ngừa tai biến này chủ yếu là cần có thời gian đầy đủ để cơ thể thích nghi một cách từ từ với tình trạng thiếu oxy trên cao; chỉ nên tăng dần độ cao từ 300-500m mỗi ngày (ví dụ 1 tuần đối với độ cao 5.000m); với các đối tượng hút thuốc lá, nên ngừng hút vài ngày trước khi lên độ cao.

Phù phổi do độ cao: Do 2 quá trình bất thường xảy ra cùng lúc; đó là tăng áp lực động mạch phổi kết hợp với tăng tính thấm của mao mạch phế nang; áp lực động mạch phổi còn tăng cao hơn khi gắng sức, lạnh hay sự xuất hiện các cục huyết khối vi mạch. Tần suất xuất hiện tai biến này rất thay đổi, đặc biệt cao ở người sống vùng đồng bằng được đưa lên cao quá nhanh, không có quá trình thích nghi, trái ngược hẳn lại với những người được sinh ra trên vùng cao. Nhìn chung, tần suất gặp tai biến này khoảng 0,01% ở độ cao 3.000m, tăng lên khoảng 0,25% ở độ cao 4.000m. Thời gian xuất hiện triệu chứng đầu tiên khoảng 2,5 ngày ở độ cao trung bình và ngay ngày đầu tiên, thậm chí chỉ vài giờ ở độ cao lớn. 

Triệu chứng khởi đầu hay gặp là ho khan (90% các trường hợp); ít khi có kèm theo khạc đờm hay khạc ra bọt màu hồng. Khó thở liên tục, nặng lên khi gắng sức nhẹ. Hồi hộp đánh trống ngực (52% các bệnh nhân). Đau đầu gặp ở 84% các trường hợp. Ngoài ra, hầu hết các bệnh nhân đều có dấu hiệu khác như chán ăn, buồn nôn và nôn, mất ngủ kéo dài. Nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Các yếu tố thuận lợi cho sự xuất hiện của tai biến này là lên cao quá nhanh; lạnh (nhất là mùa đông); gắng sức (đặc biệt gắng sức lớn).

Việc dự phòng trước hết đòi hỏi sự hiểu biết đầy đủ các quá trình diễn biến cũng như nguy cơ có thể xảy ra trên độ cao. Cần tuân thủ chặt chẽ các qui định khi lên cao, tránh vội vã hấp tấp, nhất là với các đối tượng trẻ. Với những người đã có tiền sử khó thích nghi với độ cao, cần uống thuốc lợi tiểu loại acetazolamide đơn thuần hoặc kết hợp với nifedipin theo chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ.

Ngoài 2 tai biến trên, có thể gặp một số tai biến khác về thần kinh như:

- Phù não do độ cao: Là giai đoạn nặng hơn của mệt mỏi do độ cao với các biểu hiện đau đầu dữ dội, không giảm khi uống aspirin, kèm theo buồn nôn và nôn; rối loạn tính tình và suy sụp khả năng nhận định phán xét. Nếu nặng thêm sẽ biểu hiện rối loạn vận động, ảo giác, mất định hướng thời gian và không gian; song thị và rối loạn vận động ngôn ngữ. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê, suy thở và chết trong vòng vài tiếng. Việc điều trị đòi hỏi phải đưa người bệnh xuống thấp càng nhanh càng tốt (xuống độ cao dưới 2.500m); thở oxy liều cao, tiêm thuốc nhóm corticoid.

- Tai biến mạch máu não thoáng qua: Biểu hiện bằng thiếu hụt cảm giác và vận động, mất ý thức thoáng qua; đau đầu. Đối với người già, đây có thể là dấu hiệu báo trước của tai biến mạch máu não. Việc dự phòng chủ yếu là uống đủ nước (đặc biệt với người già).

Ảnh hưởng của độ cao với các bệnh lý tim mạch

Trong trạng thái thiếu oxy do độ cao, tim thích nghi bằng cách tăng tần số; sự tăng này tỷ lệ thuận với độ cao. Khi nhịp tim tăng, nhu cầu oxy của cơ tim cũng tăng theo. Chính vì vậy đối với các bệnh nhân bị bệnh thiếu máu cơ tim cần phải hết sức thận trọng và tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch; các đối tượng này phải được khám kỹ càng trước khi lên độ cao, mặc đủ ấm (vì lạnh là yếu tố gây co mạch rất mạnh) và phải được huấn luyện đầy đủ và kỹ càng với các tình huống bất trắc có thể xảy ra. Với các bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim không có biến chứng, không có suy tim, có thể được phép lên đến độ cao 3.000m với điều kiện thực hiện dần dần từng bước và tuân thủ chặt chẽ các qui tắc.

Khó có thể đưa ra một bảng chính xác các bệnh lý tim mạch và giới hạn độ cao cần thiết đối với từng loại bệnh khác nhau vì chúng rất thay đổi và phụ thuộc vào sự đáp ứng của từng người cũng như cường độ hoạt động thể lực, sự chuẩn bị và độ cao cần đạt đến. Tuy nhiên cũng có thể kể ra một số bệnh hoặc giai đoạn bệnh cần tránh khi lưu trú trên độ cao, nhất là khi cần có gắng sức:

- Cao huyết áp và hoặc suy tim không kiểm soát được bằng các biện pháp điều trị.

- Loạn nhịp tim nặng như ngoại tâm thu thất phức tạp; đặc biệt ngoại tâm thu thất xảy ra hoặc nặng lên khi gắng sức.

- Tăng áp lực động mạch phổi nặng, nhất là trên các bệnh nhân bị bệnh phổi - phế quản.

- Đau thắt ngực không ổn định hoặc tiền sử nhồi máu cơ tim có biến chứng (suy tim, loạn nhịp).

Ngày nay, hầu hết các bệnh nhân tim mạch đều quan tâm tới phương tiện vận tải hành khách bằng máy bay. Liệu những bệnh nhân đã mắc các bệnh tim mạch có thể đi lại bằng phương tiện này được không?

Các máy bay vận tải hành khách ngày nay đều được trang bị hệ thống điều hòa và điều áp tương đương độ cao 1.500m; ở độ cao này, áp lực riêng phần oxy không gây mất bù ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch ổn định. Tuy nhiên, với các bệnh nhân tim mạch ổn định, vẫn cần có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi lên máy bay, nhất là đối với những chuyến bay dài; những chuyến bay này không những làm cho các bệnh nhân phải chịu trạng thái bất động kéo dài mà còn ảnh hưởng bất lợi bởi múi giờ quá chênh nhau cũng như thời tiết ở các khu vực rất khác nhau. Do vậy, cần mang theo các trang bị hết sức gọn nhẹ; hành lý cần đựng trong các túi hoặc valy có bánh xe để tránh gắng sức đến mức tối đa.

Tóm lại, đối với tất cả các đối tượng trước thời gian lưu trú trên độ cao cần biết các thông tin đầy đủ về sinh lý, bệnh lý; các biến chứng và tai biến có thể xảy ra trên độ cao cùng với các biện pháp phòng tránh. Cần luôn tôn trọng các qui tắc an toàn về thời gian thích nghi với độ cao; có chế độ tập luyện, rèn luyện kỹ càng và phù hợp; nhất là với các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch.

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp