Phóng to |
Trong khi đó, tác giả kịch bản phim Dương Linh bằng giọng nói rổn rảng đáng kinh ngạc của một người đã ngoài 80 tuổi, giải thích sự ngưỡng mộ của ông đối với anh hùng Nguyễn Trung Trực bằng cách trích dẫn trong Bình Ngô đại cáo: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Song hào kiệt thời nào cũng có”. Trích dẫn này còn được tác giả đưa vào lời thoại của Nguyễn Trung Trực như một niềm tin cường tráng, một sự lạc quan bất diệt trong truyền thống dân tộc - bất chấp triều chính khi đó nhu nhược, chủ hòa với ngoại bang.
Anh hùng Nguyễn Trung Trực, trong bộ phim truyện cùng tên, không ngừng thốt lên câu hỏi “tại sao” về hành động của triều đình. Nói cách khác, một sự ám ảnh, day dứt trong suốt chiều dài bộ phim. Có một lúc ngỡ như sự ám ảnh ngột ngạt được tháo gỡ, được “cởi trói”. Đó là phân đoạn vua Tự Đức quyết định ban thưởng cho Nguyễn Trung Trực sau chiến công đốt tàu Esperance (Hi Vọng) trên vàm sông Nhựt Tảo, Phan Thanh Giản lấy làm bất ngờ với khấp khởi hi vọng về một sự chuyển hướng chiến lược. Vua giải thích chiến công của Nguyễn Trung Trực tạo nên lợi thế trên bàn đàm phán giữa triều đình với ngoại bang. Nhưng, sự khôn khéo “đàm phán trên thế mạnh” (?) rốt cuộc không thấy đâu, chỉ thấy triều đình đi từ nhượng bộ này tới nhượng bộ khác. Và một tất yếu đầy cay đắng đã đến: mất nước.
Bối cảnh đó đã tạo nên Nguyễn Trung Trực, tiếp nối Trương Định tự dấy cờ khởi binh, bất chấp chủ trương nghị hòa của triều đình. Họ chấp nhận “lệch chuẩn” trong con mắt của triều đình Huế, nhưng lại là “đúng chuẩn” của lòng yêu nước hào hùng, bất diệt.
Có tới 18 trận đánh trong 20 tập phim truyện Anh hùng Nguyễn Trung Trực, một nỗ lực rất lớn để được gọi là kỷ lục (trong lĩnh vực phim truyện Việt Nam). Mật độ khá dày như vậy khiến một số trận dễ trở thành bản sao lẫn nhau, cũng pháo nổ ì đùng, cũng lưỡi lê chĩa lên trời, cũng dao mác hỗn chiến. Nhưng có hai trận đánh quan trọng nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Trung Trực đã được khắc họa đậm nét như câu thơ của Huỳnh Mẫn Đạt: Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất. Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.
Nguyễn Trung Trực cùng với Trương Ðịnh, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương tạo thành tứ hùng ở đất Nam kỳ lục tỉnh trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, từ lúc Pháp nã đạn vào đại đồn Chí Hòa (Gia Định) cho đến khi cưỡng đoạt xong toàn bộ sáu tỉnh Nam kỳ vào nửa sau thế kỷ 19.
Trí, dũng nơi các vị anh hùng ấy có thừa. Và, còn gì nữa?
Bộ phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực đã chuyển tải hình ảnh của thời hiện tại. Ở miền Tây Nam bộ, có rất nhiều gia đình treo ảnh Nguyễn Trung Trực cạnh bàn thờ gia tiên, coi anh hùng họ Nguyễn như một bậc tiên tổ của mình. Đặc biệt, lễ giỗ tại đình Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá) được tổ chức vào cuối tháng 8 âm lịch hằng năm, và không chỉ tại Rạch Giá mà nhiều nơi ở Nam bộ đều có đền thờ cụ Nguyễn. Lễ hội Nguyễn Trung Trực suốt nhiều thập niên qua là lễ hội lớn nhất về một bậc anh hùng, danh nhân ở Nam bộ...
Một sức sống mãi được lưu truyền! Người xem có thể nhìn thấy một cách lý giải qua những thước phim rất xúc động về giai đoạn cuối đời của người anh hùng. Lúc ấy giặc bắt mẹ ông tống giam, giặc đem hành hình mỗi ngày năm người dân. Ông chấp nhận đối mặt với giặc, không một tấc vũ khí trong tay, để đổi lại sự chấm dứt hành hình người dân vô tội và thả tự do cho mẹ. Ông đón nhận sự hành hình tại chợ Rạch Giá vào ngày 27-10-1868. Vào buổi sáng đó, người dân Tà Niên, nơi nổi tiếng về nghề dệt chiếu, và nhiều nơi khác đổ xô ra chợ. Dân làng Tà Niên đã trải xuống đất những chiếc chiếu hoa để ông bước lên, trân trọng in lấy những dấu chân cuối cùng của người anh hùng. Ông hiên ngang bước lên đoạn đầu đài, sang sảng ngâm lên những câu thơ và khẳng khái tuyên ngôn: “Chừng nào hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”...
Trí, dũng ở bậc anh hùng là điều đã rõ. Hơn thế nữa, số phận đã dành cho Nguyễn Trung Trực một đoạn kết để chứng thực lòng nhân.
Bộ phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực dài 20 tập, do Hãng phim Cửu Long và HTV sản xuất. Phim được khởi quay từ tháng 4 đến tháng 9-2011. Đảm nhiệm vai diễn anh hùng Nguyễn Trung Trực là siêu mẫu Lý Anh Tuấn - từng được khán giả biết đến qua các vai diễn phản diện trong phim truyền hình Cô gái xấu xí, Ban mai xanh, Tóc rối. Cùng đóng với Anh Tuấn là các diễn viên Lã Thiên Cầm, Nguyên Thảo, Lê Bình, Mã Trung, Mai Thành... H.LÊ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận