28/11/2017 17:57 GMT+7

'Anh hùng bàn phím': Vì nông nên… nỗi?

TRẦN XUÂN TIẾN (Trường Đại học Văn Hiến)
TRẦN XUÂN TIẾN (Trường Đại học Văn Hiến)

TTO - Theo tác giả Trần Xuân Tiến, hiện trạng “anh hùng bàn phím” càng lúc càng trở nên rõ hơn bao giờ hết. Chưa hết chê bai vô tội vạ nhà nghiên cứu nọ, đã chuyển sang tự làm quan tòa xử... tất cả bảo mẫu...

Anh hùng bàn phím: Vì nông nên… nỗi? - Ảnh 1.

Nhằm góp thêm một góc nhìn chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết này.

"Trên các diễn đàn mạng xã hội, một bộ phận không hề nhỏ của giới trẻ đang thi nhau bày tỏ cảm xúc về câu chuyện đề xuất thay đổi tiếng Việt của một nhà nghiên cứu nọ. 

Sẽ chẳng có gì để bàn luận thêm nếu những phản biện của những người trẻ được phát ngôn một cách có chừng mực và có lý lẽ. 

"Vấn nạn "anh hùng bàn phím" càng lúc càng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Kiến thức còn nông, thiếu suy nghĩ, thiếu sự thấu tình đạt lý nhưng lại thừa sự nông nổi để thi nhau phát biểu những nhận định hoàn toàn cực đoan".

Trần Xuân Tiến

Thế nhưng, thay vì đưa ra những lập luận nhằm thuyết phục về tính bất khả thi của đề xuất nghiên cứu kia, người ta chỉ cảm thấy vô cùng choáng váng vì đầy rẫy những phát ngôn tiêu cực mang tính mạt sát, chửi rủa cá nhân nhà nghiên cứu.

Thậm chí, rộng hơn là chửi rủa nghề nghiệp liên quan đến nghiên cứu khoa học, chửi rủa cả nền giáo dục.

Câu chuyện đề xuất cải cách tiếng Việt không phải là vấn đề mới đối với các nhà nghiên cứu ngôn ngữ. 

Bản thân đề xuất cải cách kia cũng không phải là hoàn toàn không có cơ sở nhưng tính khả thi, tính thực tiễn thì còn cần phải xem xét từ nhiều góc độ, vì ngôn ngữ ảnh hưởng đến hầu khắp các lĩnh vực từ văn hóa đến kinh tế, từ chính trị đến lịch sử… 

Ấy vậy mà những "anh hùng bàn phím" bất chấp tính lịch sử của vấn đề, không cần tìm hiểu xem vấn đề đúng ở chỗ nào, sai ở chỗ nào, cứ thế mà phát biểu như thể bản thân là người trong cuộc am hiểu rất tường tận, rất chi tiết. 

Đáng lo là các bài báo mang thông tin đa chiều với ý kiến của các nhà ngôn ngữ học lại không được giới trẻ quan tâm đúng mức. Các em chỉ thi nhau chia sẻ những đường link mang tính chất câu khách của các trang mạng, đưa tin một chiều có chủ ý.

Sau khi chê bai chán chê nhà nghiên cứu nọ, giờ đây, các bạn trẻ lại đang đóng vai công lý, đóng vai đạo đức để ra sức phẫn nộ về câu chuyện bảo mẫu hành hạ trẻ em tại quận 12 vừa được báo Tuổi Trẻ đưa ra ánh sáng.

Lại sẽ chẳng có gì để nói nếu các phát biểu chứa nhiều bức xúc kia không chỉa mũi vào tất cả các bảo mẫu. "Bảo mẫu giờ toàn ác vậy, không có ai hiền". "Giáo dục giờ toàn thế thôi, điểm thấp thì mới thi vào sư phạm". 

Không khó để gặp những nhận định mang tính quy chụp, đầy chủ quan như thế khi đọc các bình luận của giới trẻ trên mạng xã hội. Việc lấy từng cá nhân, từng cá thể, từng bộ phận để từ đó kết luận nhận xét về cái toàn bộ, cái chung cuộc là hoàn toàn không có căn cứ.

Ở một chừng mực nhất định, nó cho thấy phần nào bức tranh về nền giáo dục. Vai trò của cả gia đình lẫn nhà trường ra sao trong câu chuyện dễ dàng phát ngôn của giới trẻ? 

Chế tài nào cho những phát ngôn trên mạng cần được đưa vào luật? Nhưng sâu xa hơn, làm thế nào để giáo dục cho giới trẻ về ý thức phát ngôn nói chung, ý thức phát ngôn trên mạng xã hội nói riêng?

Tình trạng giới trẻ thường xuyên phát biểu lung tung theo hướng tiêu cực vô căn cứ về các vấn đề trong xã hội cho thấy phần nào niềm tin của giới trẻ đối với hoàn cảnh sống hiện tại. Các bạn dễ dàng quy chụp một hành động sai trái của một cá nhân cho tất cả các trường hợp tương tự. 

Báo chí đưa tin một trường hợp cảnh sát giao thông nhận hối lộ, lập tức nhiêu bạn lao vào phẫn nộ toàn bộ lực lượng thi hành công vụ. Truyền thông đưa ra ánh sáng một nơi sản xuất thực phẩm kém chất lượng, các em lập tức lao vào bức xúc tất cả các doanh nghiệp công ty. 

Hay đơn giản hơn, một ngôi sao nghệ sỹ bất kỳ có hành động, phát ngôn gì đó lạ tai lạ mắt, lập tức có bạn bình phẩm từ xuất thân cho đến nhân cách của người đó! Vì đâu mà xã hội ngày nay lại đem đến cho các bạn những ánh nhìn thành kiến với tất cả đến vậy?

Ở một góc nhìn KHác, chính vì thái độ dễ dàng bức xúc, dễ dàng phát biểu những lời lẽ vô căn cứ, tự suy diễn mà đôi lúc giới trẻ trở thành những con rối cho những trò dắt mũi của truyền thông, của mạng xã hội. 

Hẳn chúng ta chưa quên câu chuyện Hương mắt lồi từng xôn xao dư luận. Hay hàng tá các câu chuyện tương tự. 

Chỉ cần một ai đó đưa lên mạng xã hội thông tin thất thiệt thì không ít bạn trẻ như những con thiêu thân lao vào thông tin không kiểm chứng để... chửi bới, chia sẻ với tốc độ chóng mặt một cách...nông nổi. 

Vì nông (cạn, không sâu) mà nên… nỗi?

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về điều này? Mời bạn chia sẻ trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!

TRẦN XUÂN TIẾN (Trường Đại học Văn Hiến)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp