Bình luận giả mạo để tăng "sao", tăng hạng cho cá nhân/tổ chức bán hàng online đã trở thành một "nghề" lan tràn hiện nay, người mua hàng cần tự trang bị kỹ năng phòng vệ - Ảnh: Somervillepubliclibrary
Theo báo Guardian, Cơ quan Quản lý thị trường và cạnh tranh (CMA) của Anh sẽ điều tra về những cáo buộc cho rằng sàn thương mại điện tử lớn nhất của Mỹ là Amazon và công cụ tìm kiếm lớn nhất trên Internet là Google đã không hành động thỏa đáng trong việc xử lý các review giả trên trang web của họ.
Thực tế CMA đã bắt đầu điều tra về vấn đề này trên các nền tảng công nghệ lớn từ 2 năm trước. Và nay, họ sẽ điều tra hai "ông lớn" Amazon và Google để xem họ có vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng không khi chưa có biện pháp thỏa đáng bảo vệ họ khỏi các thông tin đánh giá sai sự thật.
Những người bán hàng thường sử dụng các đánh giá sai lệch, lừa đảo để nâng bậc xếp hạng cũng như uy tín của họ trên các sàn thương mại điện tử.
Điều này có tác động trực tiếp tới độ nổi tiếng của doanh nghiệp/người bán hàng, các sản phẩm của họ cũng như mức độ được ưu tiên hiển thị với người mua trên các chợ online.
"Chúng tôi lo ngại là hàng triệu người mua sắm online có thể bị lừa khi đọc những đánh giá giả mạo và sau đó bỏ tiền ra mua hàng chỉ vì tin theo những lời khuyên ấy" - ông Andrea Coscelli, giám đốc điều hành của CMA, nói.
Cũng theo CMA, các điều tra cho tới nay của họ đã đặt ra "những lo ngại cụ thể" cho thấy hai công ty lớn ở Thung lũng Silicon chưa thực hiện đủ các biện pháp cần thiết để phát hiện và ngăn chặn các bình luận giả mạo.
Điều tra của họ cũng nhận thấy hệ thống của sàn thương mại điện tử Amazon không "bảo vệ thỏa đáng cũng như phát hiện" một số nhà bán hàng gian lận đã thao túng danh mục các sản phẩm để kiếm lợi.
Năm 2019, CMA cũng đã yêu cầu Facebook, Instagram và eBay dọn dẹp các bình luận giả trên nền tảng của họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận