Anh Lập kèm một bé trai rèn chữ - Ảnh: H.PHƯƠNG
Anh là Nguyễn Thành Lập, 26 tuổi, quê Đồng Tháp, làm việc ở làng đã hơn 4 năm.
Khi mới chuyển về làm, Lập có chút e ngại với những việc như chăm sóc vệ sinh cho những em gái đã lớn nhưng không thể di chuyển. Tuy nhiên, dần dần anh xem họ như người thân nên quen việc, thậm chí thạo việc khá nhanh.
Nói về công việc hằng ngày, Lập chia sẻ: "Lập tắm cho các bé hai lần/ngày, nếu em nào dơ Lập sẽ lau người và thay đồ cho các em, cho từng em uống thuốc đúng liều, đúng cữ. Thực đơn ăn uống của các em không giống nhau nên Lập phải ghi nhớ.
Một số bé khuyết tật, hay khó ăn cần được đút, có em không ăn trực tiếp được phải truyền dịch qua ống dẫn".
Hiện làng có 42 trẻ khuyết tật, sống nội trú, có một số em khuyết tật cơ thể nhưng não phát triển bình thường nên được đi học.
Sau những buổi các em học ở trường, Lập sẽ dạy kèm các em vào các buổi tối theo ca trực của mình. Mỗi em trình độ, lứa tuổi khác nhau nên Lập dạy bằng cách kèm trực tiếp từng em. "Một đứa trẻ bình thường, việc học đã vất vả thì với các em ở đây việc học khó khăn gấp trăm lần, mình phải kiên nhẫn dạy từng chút một".
“Lập là điều dưỡng năng nổ, chịu khó đào sâu chuyên môn, có sự tỉ mỉ trong công việc chăm sóc, dạy trẻ, lại nấu ăn rất khéo
Bà ĐOÀN THỊ THANH (phó trưởng khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Từ Dũ )
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong công việc, Lập kể về lần một em trong làng lén trốn ra ngoài chơi game. Lập đã đến những tiệm game gần bệnh viện để tìm. Sau khi tìm được em ấy, vừa lo, vừa giận nhưng Lập vẫn giải thích, khuyên nhủ em thật nhẹ nhàng.
"Các em ở đây không có cha mẹ chăm sóc nên xem mình như cha mẹ, mình càng cần thương các em hơn" - Lập nói.
Giờ đây, mong muốn lớn nhất của Lập là các em lớn lên sẽ có công việc để tự nuôi sống bản thân, cũng như Lập mong rằng mọi người chung tay góp sức, chia sẻ với bệnh viện để các em được chăm sóc tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận