23/10/2018 10:41 GMT+7

Anh dẹp nạn bằng cấp 'đẹp'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Nhận thấy số bằng tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc tăng vọt ở các trường vài năm qua, cơ quan hữu trách Anh đã triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát chặt hơn việc này để đảm bảo uy tín và giá trị bằng cấp.

Anh dẹp nạn bằng cấp đẹp - Ảnh 1.

Một nhóm sinh viên tốt nghiệp ĐH tung mũ cử nhân sau lễ tốt nghiệp tại ĐH Oxford, Anh - Ảnh: Reuters

Năm 2017, theo báo Guardian (Anh), hơn 1/4 (26%) số bằng tốt nghiệp đại học (ĐH) được cấp ở Anh là bằng hạng nhất (first-class), tức là bằng ĐH danh dự (honours) - cấp cao nhất trong xếp loại bằng cử nhân ĐH ở Anh. 

Tỉ lệ này theo Cơ quan Thống kê giáo dục ĐH Anh là cao hơn nhiều so với tỉ lệ 18% năm học 2012-2013.

"Lạm phát" bằng cấp

Theo các số liệu chính thức công bố đầu năm nay, trong thập kỷ qua các trường ĐH Anh đã cấp số bằng cử nhân loại xuất sắc nhiều hơn ở mức chưa từng có tiền lệ. 

Cá biệt có trường hợp như ĐH Wolverhampton, nếu năm học 2006-2007 cả trường chỉ có 175 sinh viên (chiếm 5% tổng số sinh viên) được trao bằng cử nhân hạng nhất thì 10 năm sau, niên khóa 2016-2017, trường này có 973 sinh viên (chiếm 28% tổng số sinh viên) được trao bằng loại này. Như vậy, chỉ sau 10 năm số bằng cử nhân hạng nhất ĐH Wolverhampton trao đã tăng gấp 5 lần!

Một số trường khác cũng có tỉ lệ bằng cử nhân hạng nhất tăng cao, dù không đột biến như ĐH Wolverhampton song vẫn bị coi là đáng "quan ngại" như ĐH Warwick khi tăng từ 22% trong niên khóa 2006-2007 lên 27% trong niên khóa 2016-2017; ĐH Surrey trao bằng tốt nghiệp hạng nhất cho 41% sinh viên tốt nghiệp năm ngoái, ĐH Oxford là 33%, ĐH Cambridge là 32%.

Nhiều người trong lĩnh vực giáo dục ĐH cho rằng sở dĩ có tình trạng "lạm phát" bằng "đẹp" là do áp lực của các bảng xếp hạng ĐH và cả áp lực từ phía người học. Các sinh viên mong muốn có tấm bằng "đẹp" để sau khi ra trường dễ tìm được việc và có thu nhập cao, bù đắp lại cho việc đã phải đầu tư hơn 9.000 bảng Anh (11.750 USD) cho các khoản học phí thường niên tại ĐH ở Anh.

Về phía các trường ĐH, báo Guardian dẫn quan điểm một người phát ngôn của các trường cho rằng trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục ĐH ở Anh đã thay đổi đáng kể, theo đó các trường đã tập trung nhiều hơn vào chất lượng giảng dạy, sinh viên cũng phải đóng mức học phí cao hơn và vì thế họ cũng phải học tập chăm chỉ hơn để đạt thành tích cao hơn, theo đó số bằng "đẹp" cũng nhiều hơn.

Kiểm soát để bảo vệ giá trị

Tuy nhiên, với giới quản lý giáo dục Anh, thực tế này không thể coi là bình thường. Để ngăn chặn xu hướng "lạm phát" bằng cử nhân xuất sắc, các chuyên gia chuyên về nhiệm vụ đánh giá chất lượng những đơn vị giáo dục ĐH thuộc hệ thống xếp hạng ĐH của chính phủ sẽ tiến hành rà soát tỉ lệ bằng cử nhân danh dự hạng nhất và hạng 2:1 (chỉ sau hạng nhất) do mỗi trường phát ra hằng năm. Trường hợp nào bị đánh giá đã quá "thoải mái" trong việc cấp bằng cử nhân xuất sắc, trường đó sẽ bị đánh tụt hạng.

Trong năm học này (2018-2019), các chuyên gia sẽ tiến hành rà soát, đánh giá thí điểm về việc cấp phát bằng tốt nghiệp ĐH tại 50 cơ sở giáo dục ĐH của Anh. 

Dự kiến sau giai đoạn thí điểm, biện pháp kiểm soát này sẽ chính thức được đưa vào hệ thống đánh giá, xếp hạng ĐH Anh trong mùa hè năm 2020. Chính phủ Anh cũng xác nhận sẽ đưa tiêu chí này vào hệ thống đánh giá các ĐH.

Ông Sam Gyimah, quan chức phụ trách giáo dục ĐH của Anh, lý giải: "Khi bạn nhìn vào những gì khiến cho các trường ĐH của chúng ta trở nên danh giá, nó sẽ là vấn đề giá trị của các tấm bằng. Giá trị của những tấm bằng đó đang bị đe dọa bởi tình trạng lạm phát bằng cấp và đó là vấn đề với các sinh viên, các chủ doanh nghiệp và bản thân các trường ĐH".

"Những biện pháp mới này tập trung vào giải pháp làm sao để chúng ta có thể bảo vệ hệ thống giáo dục ĐH vốn được công nhận toàn cầu bằng cách ngăn các trường ĐH làm tổn hại tới giá trị lớn lao của bằng cấp theo tiêu chuẩn quy định của Anh" - ông Sam Gyimah khẳng định.

Xếp hạng bằng ĐH của Anh

Hệ thống đánh giá kết quả học tập của sinh viên và chất lượng giảng dạy của các trường ĐH Anh (gọi tắt là TEF) sẽ xếp hạng các trường theo 3 mức từ cao xuống thấp là vàng, bạc hoặc đồng. Việc xếp hạng này tiến hành thường niên, căn cứ trên một số tiêu chí cụ thể như chất lượng giảng dạy, trải nghiệm học tập của sinh viên.

Tại Anh, bằng cử nhân được đặt tên và xếp hạng dựa trên thành tích học tập hoặc thời gian khóa học. Bằng cử nhân được chia làm 2 hạng là "ordinary" (bình thường) hoặc "honours" (danh dự).

Trong đó "ordinary" dành cho chương trình ĐH 3 năm toàn thời gian và "honours" dành cho chương trình ĐH 4 năm toàn thời gian. Bên cạnh đó, việc phân chia này còn liên quan tới kết quả học tập tại trường ĐH của sinh viên.

Cụ thể, những bằng cử nhân "bình thường" hay "không được xếp loại" dành cho các sinh viên đã hoàn thành chương trình ĐH nhưng thành tích không đạt để được xếp hạng "danh dự loại 3", cũng là bậc thấp nhất trong hệ thống đánh giá bằng cấp ĐH ở Anh.

Với những sinh viên đạt điều kiện được bằng "danh dự", sẽ có các cấp độ từ trên xuống gồm: hạng nhất (first-class); hạng 2:1 (có thể hiểu là hạng hai loại 1) và hạng 2:2 (hạng hai loại 2); hạng 3 (hạng thấp nhất). Một số trường có thể có thêm hạng Pass (qua) là hạng thấp hơn hạng 3 của honours.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp