04/01/2016 12:27 GMT+7

Ảnh đặc sắc năm 2015 của tay máy trẻ Hà Nội

TR.N.
TR.N.

TTO - Loạt ảnh chụp năm 2015 của Nguyễn Khánh (báo Tuổi Trẻ) cho thấy nhiều niềm vui, nỗi buồn, nhịp sống thị dân và dòng chảy sự kiện xã hội trong năm qua.

Bộ ảnh với góc nhìn "tổng kết" đồng thời cũng thể hiện sự quan sát cá nhân thông qua ống kính giàu cảm xúc, tìm tòi sáng tạo của tay máy trẻ Nguyễn Khánh - với nhiều ảnh trong số này đã đăng tải trên báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online trong năm 2015 - đã được cộng đồng mạng chú ý với gần 900 lượt likes, gần 170 lượt chia sẻ lại (share) và gần 100 lượt bình luận.

Mời bạn đọc cùng nhìn lại một số sự kiện, hình ảnh đáng nhớ trong năm 2015 qua ống kính Nguyễn Khánh:

Người dân tại phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh tiến hành nghi lễ chém lợn truyền thống đầu năm. Lễ hội này đang trở thành một chủ đề nóng về việc giữ hay bỏ, ảnh chụp ngày 24-2-2015.
Hai mẹ con người H’Mông sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)
Một bạn trẻ đứng giữa quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) vào tối 24-11-2015 để vẫy cao lá cờ biểu tượng cho người chuyển giới, hành động này nhằm hưởng ứng cho sự kiện Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vào sáng 24-11, theo đó, quyền chuyển đổi giới tính đã được thừa nhận.
Người thân của nhạc sĩ An Thuyên bật khóc tại lễ truy điệu vào sáng 9-7-2015 tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (Hà Nội). Nhạc sĩ An Thuyên qua đời vào ngày 3-7 sau một cơn nhồi máu cơ tim cấp, ông hưởng thọ 66 tuổi.
Bé K.A 1 tuổi bị bệnh ung thư máu (hay còn gọi là bệnh máu trắng) đang truyền hồng cầu vào cơ thể và được mẹ cho bú sữa. Ảnh chụp tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Hiện nay số bệnh nhi bị ung thư máu đang có dấu hiệu gia tăng. Theo thống kê của Khoa Ung bướu (Bệnh viện Nhi Trung ương), hầu hết bệnh nhân đến khám khi bệnh đã nặng (thiếu máu, xuất huyết…), thậm chí, có bệnh nhi tới viện khi các tế bào ác tính đã di căn sang bộ phận khác của cơ thể, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Dự án công trình số 8B Lê Trực (Hà Nội) với chiều cao xây vượt mức cho phép là 16m đã phải cắt bỏ chiều cao vi phạm. Đây là dự án nằm gần khu vực Ba Đình - trung tâm Hà Nội.
Bà Yến, một người dân tại thành phố Cẩm Phả đang đầm mình dưới dòng nước đen kịt để vớt than. Cả ngày bà thu về được 4 đến 5 tạ than, tương ứng khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày trong năm 2015 đã cuốn trôi một lượng than đáng kể từ các mỏ than của công ty than Cọc Sáu và Đèo Nai xuống các dòng suối B5-12 và suối Cầu Hai. Bất chấp nguy hiểm từ dòng nước chảy xiết, hàng chục người dân vẫn hì hục dầm mình dưới dòng nước để vớt than trôi.
Cảnh sát trật tự công an Phường Tràng Tiền (Quận Hoàn Kiếm) tuần tra bằng xe đạp qua một số tuyến phố tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 12-8-2015.
Một người đàn ông cuốn lá cây quanh người để chống nắng, ảnh chụp vào trưa 29-5-2015 trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội). Mức nhiệt 40,3 độ C trong ngày 29-5 tại Hà Nội là cao nhất từ năm 1971 trở lại đây, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương.
Những người nông dân trồng vải tại Bắc Giang tràn xuống phố Kim, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang để tiêu thụ vải, ảnh chụp ngày 5-6-2015. Cũng như mọi năm, giá vải lên xuống thất thường khiến cho đời sống của người nông dân trồng vải gặp nhiều khó khăn.
Một nhóm công nhân tranh thủ hút thuốc sau 8 tiếng làm việc dưới lòng đất tại một hầm lò tại mỏ than Thống Nhất (Quảng Ninh) tháng 5-2015. Khai thác than là một ngành công nghiệp mà người lao động phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt. Trong đó, nghề khai thác than hầm lò được xếp vào loại lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Những công nhân làm việc trong môi trường này có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến phổi, phế quản và da, đặc biệt là tai nạn hầm lò. 
Một cô gái đang dùng xe lăn để di chuyển một thùng nước vào Khoa cấp cứu Bệnh viên 198 (Hà Nội). Do đường ống Sông Đà vị vỡ lần thứ 15 nên Bệnh viên 198 rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng, mọi sinh hoạt và hoạt động y tế của bệnh viện bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ảnh chụp ngày 28-9-2015.
Cựu chiến binh, nhạc sĩ Trương Quý Hải, chắp tay trước những bia mộ của các liệt sĩ tại nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), nghĩa trang Vị Xuyên là nơi an nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ hy sinh tại trận chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc (1979-1990), nhạc sĩ Trương Quý Hải là cựu chiến binh thuộc sư đoàn 356. Ảnh chụp vào ngày 18-3-2015.
Khung cảnh hoang tàn tại dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Dự án này do nhà thầu Trung Quốc xây dựng từ năm 2007 với số vốn hơn 8.100 tỉ đồng, nhưng đến nay nhà máy vẫn… “đắp chiếu” do thiếu vốn. Hiện nhà thầu Trung Quốc đã rút người về sau khi nhận hơn 90% tiền chủ đầu tư thanh toán phần thiết bị dự án.
Lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội đang tổ chức phân luồng giao thông sau khi Hà Nội tắt điện hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất 2015.
Hàng ngàn người dân chen nhau để di chuyển lên Đền Thượng để làm lễ. Ảnh chụp tại lễ hội Đền Hùng 2015.
Nụ cười của những đứa trẻ tại Mộc Châu (Sơn La).
Sau nghi lễ Khai Ấn, người dân tràn vào đền Thiên Trường để làm lễ, trong ảnh nhiều người đã lấy cả thanh bảo kiếm để trong đền thờ xuống để cầu may trong năm mới. Ảnh chụp tại lễ Khai Ấn Đền Trần Nam Định 2015.
Chị Trần Thị Xuân đang cõng trên lưng em trai Trần Tuấn Anh, tân sinh viên trường Đại học Công Nghệ - ĐH Quốc Gia Hà Nội rời khỏi sân khấu, Tuấn Anh là một trong những sinh viên được nhận được học bổng “Tiếp sức đến trường” do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2015. Bố mất năm Tuấn Anh lên lớp 10, mẹ ở nhà làm nông nghiệp tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), mọi sinh hoạt hàng ngày của Tuấn Anh đều do chị Xuân hỗ trợ.
Một con chim bay ngang qua hàng cây mới được trồng trên Phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Sự kiện hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến phố Hà Nội bị chặt bỏ vào giữa năm 2015 gây bức xúc trong dư luận. Ở một số tuyến phố, nhiều cây xanh được trồng lại bị chết khô, cây trồng không đúng chủng loại cây đã được phê duyệt.
Những người phụ nữ H’Mông đang đẽo đá để xây dựng nhà trên một sườn núi tại huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Ảnh chụp tháng 12-2015.
Bà Trần Thị Hợi, ngụ tại phường Hà Khánh, TP. Hạ Long bật khóc khi trở lại nhà sau khi phải di dân khẩn cấp do nước lũ dâng lên ngày 29-7-2015. Nước rút khiến nhiều đồ đạc trong gia đình bị hỏng và cuốn trôi. Đợt lụt cuối tháng 7-2015 được đánh giá lớn nhất trong nửa thế kỷ qua tại tỉnh này, khiến 17 người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị thiệt hại, hàng chục mỏ than bị ngập nước.
Một chiếc xe máy của người dân Khu 4 Phường Mông Dương (tỉnh Quảng Ninh) bị ngập trong bùn đất sau khi đất đá từ bãi thải của mỏ than Cọc Sáu, Cao Sơn ngay bên cạnh đổ xuống sau những ngày mưa lớn kéo dài. Sau thảm hoạ này gần 100 hộ dân của khu vực này phải "bỏ của chạy lấy người" di dân khẩn cấp.
Một người phụ nữ đang ngồi trước cửa nhà ở đường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội). Việc việc mở rộng đường này với mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng khiến nhiều nhà dân bỗng nhiên nhô lên cao vì lòng đường quá thấp.
Với tâm lý cầu may, hàng trăm thanh niên giẫm đạp lên nhau để “cướp Phết” (quả phết được làm từ gỗ hoặc gốc tre được đẽo tròn và sơn đỏ). Đây là một lễ hội lâu đời tại Xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ).
Một tia sét xuất hiện trên bầu trời Hà Nội trong cơn mưa đầu tiên sau hơn một tháng nắng nóng cao điểm tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 6-6-2015.

 

 
Nguyễn Khánh

Nguyễn Khánh (tên thật Nguyễn Thành Khánh) sinh năm 1989, tốt nghiệp cử nhân báo chí Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội). Anh có tác phẩm đoạt giải ảnh - giải Báo chí quốc gia trong ba năm 2012, 2013 và 2014.

Trong đó, phóng sự ảnh “Chiến đấu với “giặc lửa” của Nguyễn Khánh đoạt giải B giải báo chí quốc gia 2013.

*Festival nhiếp ảnh trẻ mà chưa trẻ, ảnh nhàm chán, sáo mòn

TR.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp