Một bức ảnh trong bộ ảnh "Anh là tù nhân của em" lan truyền trên mạng. Ảnh: Facebook. |
Bình luận về những bức ảnh gây chú ý này, diễn giả Huỳnh Minh Thuận cho rằng ý tưởng bộ ảnh có thể là: "Đàn ông lấy vợ thì khác nào "tù chung thân". Nhưng vì yêu "cô quản giáo" mà bao người đàn ông đã tự nguyện suốt đời còn lại làm tù nhân trong cái nhà tù hạnh phúc đó".
Diễn giả Huỳnh Minh Thuận viết:
"Không phải ai cũng có thể nghĩ ra những ý tưởng "điên rồ" như vậy. Tôi ủng hộ những ai dám sáng tạo, dám khác biệt. Nhìn những bộ ảnh cưới truyền thống lâu nay cô dâu chú rể cứ nhìn nhau nở nụ cười quen thuộc, hay ai cũng "tựa đầu vào nhau, chỉ tay lên trời" bạn có nhàm chán không?
Có điều, rất tiếc là bộ ảnh cưới "quản giáo, tù nhân" này lại phạm phải 2 điều cấm kỵ:
1. Về mặt tâm linh
Với những ai trọng tâm linh (dù không hề có cơ sở nào) thì những gì chúng ta thấy hôm nay thường là điềm báo của ngày mai. Một người rảnh hơi buộc miệng bảo: "Tao chán sống" thì nhiều khả năng tai nạn sẽ đến với anh ta trong nay mai.
Dù vậy cũng có những điềm báo tốt. Những ai thấy chó ngoài đường chạy vô cổng hay chim làm tổ trên mái nhà mình có thể là những điềm báo tốt. Nhưng nếu mèo vô nhà thì dân gian lại quan niệm khác. Tương tự như vậy, tù tội là một trong những bi kịch nhất của con người mà chẳng ai muốn. Tự mặc trang phục tù nhân là gieo một điềm báo xấu, tuyệt đối không nên làm.
Nếu nói về sáng tạo, một bộ ảnh cưới để lại những điềm tốt thì có thể kể đến bộ ảnh cưới của ca sĩ Lý Hải - Minh Hà. Trong bộ ảnh đó cô dâu chú rể hóa trang thành hai ông bà già nhưng vẫn yêu thương nhau như thuở ban đầu. Và đến bây giờ họ đã có 3 con, là một trong những cặp đôi hạnh phúc nhất làng showbiz Việt.
Bạn có thể đặt câu hỏi: vậy thế nào là cấm kỵ, thế nào là nên hay không nên làm?
Có một cách, khi bạn làm cái gì đó mà cảm xúc trong bạn có gì đó không ổn, có gì đó bồn chồn thì tuyệt đối không nên làm. Bởi ngoài ý thức, thì chúng ta luôn có một thứ lợi hại hơn nhiều lần, đó là tiềm thức. Khi ta làm gì đó không ổn, hay là cấm kỵ thì tiềm thức nó sẽ lên tiếng, thông qua những cảm xúc, những bồn chồn, những bất an mà ý thức chúng ta cũng không thể lý giải được.
2. Về mặt pháp luật
Luật Công an nhân dân năm 2015 không cho phép công an lấy tù nhân, như vậy, về mặt ý tưởng thì bộ ảnh cưới này mâu thuẫn với luật pháp thực tế.
Ngoài ra, quân phục hay trang phục công an nhân dân thì người dân không được tùy tiện sử dụng nếu không được cấp phép theo quy định. Nhớ lại hồi tôi còn làm ở hãng phim, để quay một cảnh quay có sử dụng bộ đồ của cảnh sát giao thông thì đoàn phim phải đi xin giấy phép mấy ngày liền. Nhiều khi thấy nhiêu khê nhưng đó là quy định, mình phải làm. Nếu cố tình làm mà không xin phép thì rất dễ phải chịu xử lý theo quy định pháp luật.
Trường hợp bộ ảnh cưới này thì tôi nghĩ có thể chỉ sẽ dừng lại ở mức cảnh cáo, nhắc nhở. Vì có lẽ đôi uyên ương "quản giáo - tù nhân" này không có động cơ gì xấu ngoài việc "vô tư" muốn thực hiện một bộ ảnh cưới "không đụng hàng".
Lời cuối cùng dành riêng cho chú rể: "Bạn thật là may mắn khi có được một cô "quản giáo" rất xinh đẹp. Chúc bạn mãi "tù chung thân" bên cô ấy nhé!"
*Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả - một diễn giả về giao tiếp tại TP.HCM và là tác giả của cuốn sách "Vui chơi để kiếm sống" (NXB Văn học, 2015).
* Bạn nghĩ gì về bộ ảnh cưới "Anh là tù nhân của em" này? Vui lòng để lại ý kiến ở mục Bình luận bên dưới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận