11/07/2018 11:00 GMT+7

Anh công nhân thoát nước lay động trái tim nhiều đại biểu

MAI HOA - PHƯỚC TUẦN
MAI HOA - PHƯỚC TUẦN

TTO - Ngày 11-7, kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường.

Anh công nhân thoát nước lay động trái tim nhiều đại biểu - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phát biểu tại phiên thảo luận sáng 11-7 - Ảnh: TỰ TRUNG

Tại đây, nhiều đại biểu đã xúc động nhắc lại chuyện anh công nhân vệ sinh Ngô Chí Hùng trong chương trình Lắng nghe trao đổi 1-7 vừa qua. Ngày hôm đó, cả hội trường đã lặng đi khi nghe anh Hùng kể về những cực khổ, hiểm nguy của công nhân thoát nước.

Nhiều năm làm công nhân thoát nước, anh Hùng cho biết không ít lần bị bỏng rộp da bởi những hóa chất của những tòa nhà xây dựng tuồn thẳng xuống cống. Có những hôm lần mò trong cống đạp phải kim tiêm, vật kim loại tứa máu, đau đến thấu tim. Rồi có khi đang loay hoay đưa rác ra ngoài thì nước thải của các nhà vệ sinh xối thẳng vào đầu…

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phát biểu - Video: TỰ TRUNG

Cần trang bị bảo hộ cho công nhân

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú chia sẻ, khi xem clip chia sẻ của anh Hùng, đại biểu không thể cầm được nước mắt. Bà Tú góp ý nên làm cho các anh một bộ trang phục bảo hộ, tránh tiếp xúc trực tiếp với các chất dơ bẩn.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng, ý thức của cư dân TP đã góp phần cho sự cực nhọc đó của công nhân.

"Quan trọng là ý thức. Nhưng vì sao ý thức đơn giản đó lại không được thiết lập và trở thành văn hóa của người dân?", bà Trâm đặt câu hỏi và trả lời: Do dân một mà do quản lý mười. Luật có rồi mà không được áp dụng, không xử nghiêm được các vi phạm, "tôi cảm tưởng tổ chức theo phong trào, chưa quyết liệt, ra quân xử phạt xong lại đâu vào đấy". Theo bà, khi ý thức người dân chưa cao thì yếu tố quản lý nhà nước phải đóng vai trò quan trọng.

Anh công nhân thoát nước lay động trái tim nhiều đại biểu - Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết - Ảnh: TỰ TRUNG

Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng TP đông dân thì rác là vấn đề không nhỏ, nếu có sự đầu tư thì có thể là nguồn lợi không nhỏ, nhưng nếu xử lý không tốt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống.

Đối với rác thải bệnh viện, đại biểu Tuyết cho biết những năm qua chất thải rắn y tế được bao cấp, các bệnh viện không phải trả phí xử lý rác y tế. Nhưng theo thông báo gần đây, từ quý 4-2018 thì xử lý rác y tế sẽ được xã hội hóa, gây khó khăn rất lớn cho ngành y tế TP. Bệnh viện Hùng Vương nếu xã hội hóa hoàn toàn thì bệnh viện phải trả hơn 10 tỷ đồng để xử lý rác y tế, nên rất cần sự quan tâm của lãnh đạo TP.

Anh công nhân thoát nước lay động trái tim nhiều đại biểu - Ảnh 4.

Đại biểu Phạm Quốc bảo phát biểu - Ảnh: TỰ TRUNG

Đề xuất mở ngân hàng giao thông để huy động vốn xây dựng hạ tầng

Đại biểu Phạm Quốc Bảo (Tổng công ty Điện lực TP.HCM) cho rằng trong 6 tháng cuối năm TP và những năm tới, TP cần chú trọng động lực tăng trưởng mới. Đại biểu Bảo cũng đưa ra những giải pháp phát triển 2 nhóm ngành này. Về xây dựng, để phát triển được ngoài các dự án bất động sản thì cần tập trung xây dựng hạ tầng tập trung của TP như vành đai 2, 3, metro.

"Nhưng muốn xây dựng thì vốn ở đâu, dựa vào ODA thì rất khó vướng vào nợ công, phân bổ ngân sách chung của cả nước. TP tập trung 50% kiều hối, vốn nhàn rỗi trong dân rất lớn và vốn huy động quốc tế tương đối chỉ số tài chính cao nên rất tin cậy. Điều cần thiết thành lập nhiều ngân hàng mới để huy động nguồn vốn, ví dụ Ngân hàng giao thông, Ngân hàng phát triển hạ tầng TP để huy động nguồn vốn để phục vụ phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm", ông Bảo nói.

Theo ông, việc này có thể đẩy nhanh việc này TP vừa giải quyết được bài toán ách tắc giao thông, vừa tăng trưởng xây dựng.

Anh công nhân thoát nước lay động trái tim nhiều đại biểu - Ảnh 5.

Đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy phát biểu về bảo tồn di sản - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngân sách bỏ ra bảo tồn các di sản nếu cần

Đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy nêu câu chuyện đề nghị đập bỏ dinh Thượng Thơ vừa qua. Trong chương trình giám sát năm 2019 có nội dung về bảo tồn di sản, đại biểu Thanh Thủy cho rằng để giám sát tốt thì ngành văn hóa phải chuẩn bị tốt, lập danh mục kiểm kê di tích.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cũng cho rằng nếu phát triển mà chấp nhận xóa bỏ di sản, là thiếu bản sắc, thiếu nhân văn. Nếu đưa ra quyết định đập bỏ hay không chỉ dựa vào việc nó có trong danh sách hay không, thì các di sản văn hóa sẽ bị phá hủy hết, và sẽ mất dần đi hết giá trị văn hóa.

"Cần lập danh mục, quan tâm vai trò tư vấn của các nhà khoa học, đặt vị trí và sự quan tâm đúng mức của cộng đồng, giáo dục tuyên truyền kiến thức di sản văn hóa và tinh thần bảo vệ di sản cho người dân", đại biểu Tố Trâm nêu ý kiến.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nói, đây là vấn đề mà lãnh đạo TP và dư luận rất quan tâm. Theo bà Tâm, qua những sự việc này thấy rằng khi đưa ra công luận thì nhận được rất nhiều thông tin có giá trị. Bà đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao có ý kiến, nếu cần sẽ cấp ngân sách để bảo tồn, tránh việc đụng chuyện thì nói rằng không có trong danh mục.

HĐND TP.HCM sẽ chất vấn về khoa học công nghệ

Phó chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải cho biết, phiên chất vấn diễn ra ngày mai, 12-7, các đại biểu HĐND TP.HCM sẽ chất vấn giám đốc Sở Khoa học công nghệ và giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội.

Theo đó, sau khi tổng hợp ý kiến của đại biểu, phiên làm việc ngày mai sẽ tiến hành chất vấn với hai sở nói trên. Trong đó, Sở Khoa học công nghệ sẽ trả lời các vấn đề liên quan đến phát triển khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo… Sở Lao động thương binh và xã hội trả lời về chương trình giảm nghèo bền vững kết hợp dạy nghề, thủ tục để xét duyệt công nhận và nhận chế độ với các đối tượng chính sách…

MAI HOA - PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp