Lâu lắm rồi hai mẹ con Ngọc Liên mới có niềm vui khi thiếu tá Hồ Quyết Thắng báo tin Liên sẽ nhận suất học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC |
Mười mấy năm thực hiện học bổng Tiếp sức đến trường, tôi đã gặp rất nhiều “cộng tác viên” tích cực và đã từng viết về họ, như anh Bùi Văn Thanh ở Mai Xá (Gio Linh).
Cháu làm hồ sơ xin học bổng đi, chú đã hứa với ba cháu là sẽ xin học bổng của báo Tuổi Trẻ cho cháu từ hai năm trước! |
Thiếu tá HỒ QUYẾT THẮNG |
“Cộng tác viên đặc biệt”
Con trai anh Thanh là Bùi Văn Minh, một sinh viên ĐH sư phạm toán, được nhận học bổng đợt đầu tiên năm 2004.
Kể từ đó, vào mùa học bổng anh Thanh lại đi tìm và giới thiệu cho chương trình những hoàn cảnh tân sinh viên khó khăn mà anh biết.
Anh nói từ câu chuyện của con trai mình, học bổng năm đó đã góp phần thay đổi cuộc đời của Minh thì giờ đây anh làm việc đó để “gieo mầm nhân”.
Hay chị Trương Thị Thúy - người mẹ có đứa con gái bị ảnh hưởng chất độc da cam trong tấm ảnh “Nụ cười của niềm tin công lý” của nghệ sĩ Đoàn Đức Minh được biết nhiều đến trong giai đoạn báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình “Đêm trắng - Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” vào tháng 9-2004...
Từ góc núi vùng Cùa heo hút, chị Thúy đã giới thiệu cho chương trình nhiều hoàn cảnh tân sinh viên mà nếu không có sự hướng dẫn của chị, hẳn các em đã đánh mất cơ hội đến với giảng đường...
Nhắc lại như thế để biết có nhiều người đã đi xin học bổng cho “những người không quen” chỉ vì tự thấy mình có trách nhiệm và nặng lòng với chương trình.
Nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp một “cộng tác viên đặc biệt”, đặc biệt bởi bộ hồ sơ trên tay người sĩ quan điều tra cầm đến trình bày là câu chuyện của một tân sinh viên vốn là con gái của một phạm nhân mà anh đã từng thụ lý trong một vụ án từ hai năm trước!
“Tôi quan tâm đến chương trình từ những ngày đầu, từ mười mấy năm trước, nhưng hai năm nay tôi mới nghĩ sẽ có ngày tôi mang bộ hồ sơ này đến gặp anh” - thiếu tá Thắng nói.
“Nguyễn Quốc Minh, một người kéo xe thuê ở chợ Đông Hà vào dịp tết, do quá bức bách lo tết cho gia đình đã nhận lời đi kéo thuê một số gỗ quý mà một nhóm tội phạm ăn cắp được. Tất nhiên anh Minh biết được đó là gỗ ăn cắp, nhưng nghĩ mình chỉ là người kéo xe thuê, vậy là chặc lưỡi làm liều.
Khi vụ án bị điều tra, ra tòa, Minh nhận mức án 5 năm tù giam về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Thắng kể tiếp: “Khi lên xe vào trại cải tạo thụ án, Minh nói với tôi: “Tôi có đứa con gái đang học trường chuyên của tỉnh, cán bộ có cách gì để cháu không bỏ học không? Nhất là hai năm nữa nó thi đại học!”.
Khi nghe Minh nói như thế, tôi nghĩ ngay đến chương trình Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ và hôm rồi, khi thi đại học xong, tôi đến nhà nói với Ngọc Liên, con gái của phạm nhân Minh là “cháu làm hồ sơ xin học bổng đi, chú đã hứa với ba cháu là sẽ xin học bổng của báo Tuổi Trẻ cho cháu từ hai năm trước!”.
Và đây là lá thư của Ngọc Liên kèm theo đơn, anh cứ đọc đi rồi biết!”.
Niềm vui của hai mẹ con Ngọc Liên khi thiếu tá Hồ Quyết Thắng báo tin Liên sẽ nhận suất học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC |
Người chị cả và tấm gương học hành
Đọc lá thư trình bày hoàn cảnh chi chít chữ kín cả bốn trang giấy A4, tôi quá bất ngờ về những gì mà Ngọc Liên nghĩ về cuộc đời, về cuộc sống và cả án tù của người bố tội nghiệp.
“Nhà của Ngọc Liên gần đây thôi, hay tôi đưa anh đến đó?”. Và tôi theo thiếu tá Thắng chạy quanh co về khu phố Tây Trì, một xóm nghèo, dù chỉ xa chợ trung tâm TP hơn 1km.
Trước sân nhà, chiếc xe kéo, “cần câu cơm” của ông bố cho cả nhà được khóa xích vào một gốc cây chờ ngày người bố ra tù sẽ về tiếp tục đời kéo xe mưu sinh cùng xóm chợ nghèo.
Khi tiếp xúc với chị Yến, mẹ của Liên, nhìn vóc dáng nhỏ bé của chị tôi không hiểu sức mạnh từ đâu để chị vừa lo cho năm đứa con, cho bà mẹ chồng đã 80 tuổi quanh năm bệnh tật và hằng tháng lo đi thăm nuôi chồng ở trại cải tạo.
Trong thư gửi ban tổ chức chương trình học bổng, Ngọc Liên viết về mẹ mình: “Khi bố đi tù, em nói với mẹ là mình sẽ nghỉ học để phụ mẹ nuôi bà và các em nhưng mẹ không đồng ý, mẹ nắm chặt tay em và nói rằng dù có bán nhà, có vay nợ, có đi xin... thì mẹ vẫn quyết nuôi em được tiếp tục đi học, và hãy làm tấm gương cho các em con bước tiếp”.
Tấm gương ấy của Ngọc Liên đã được các em noi theo khi đứa em thứ hai năm vừa rồi cũng thi đậu vào Trường chuyên Lê Quý Đôn và giành được giải trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh.
Ba đứa em sau, đứa nào cũng học giỏi như thế, có lẽ những tấm giấy khen của các con dán đầy trên tường là động lực lớn nhất để chị Yến, người phụ nữ nặng chưa tới 30kg ấy đã chèo chống vượt qua tất cả.
Vốn là một xóm trũng, những thẻo đất ngập nước, đầu thừa đuôi thẹo rộng chỉ vài mét vuông mà các chủ nhà chưa dùng đến ở rìa vườn đều được mấy mẹ con xin chủ đất cho trồng rau muống, khi cần cứ lấy lại.
Và với từng mét vuông rau muống tảo tần ấy, cứ 4g sáng hai mẹ con dậy đi cắt rau, buộc thành bó ra chợ, hôm nào rau tốt bán được vài chục bó, buổi chiều lại làm cỏ bón phân cho những mẩu ruộng rau tí tẹo ấy.
May là mới đây có một gia đình cho mướn một thửa đất mấy chục mét vuông, nhờ vậy số rau hái mỗi buổi có khá hơn.
Không chỉ vừa đi học vừa giúp mẹ, vừa kèm cặp bốn đứa em học hành, Liên còn đi phụ bán thêm hàng quán, ai kêu gì làm nấy.
Những tưởng khó khăn gian khổ sẽ khiến em vơi đi những giấc mơ, nhưng thật bất ngờ khi trong thư em viết có một câu khiến tôi giật mình: “Em có hai ước mơ: hoặc trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người hoặc thành nhà môi trường học để chữa bệnh cho... Trái đất!”.
Năm nay Ngọc Liên đậu vào ngành quản lý tài nguyên môi trường của ĐH Khoa học Huế.
Rời ngôi nhà nhỏ ven phố cạnh đồng trũng, tôi hứa với Thắng, người thiếu tá điều tra viên: Ngọc Liên sẽ được trao học bổng Tiếp sức đến trường lần này, nhưng anh hãy cho phép tôi viết câu chuyện của anh, người sĩ quan điều tra viên đi xin học bổng cho con gái của phạm nhân trong một vụ án mà mình thụ lý. Thiếu tá Thắng từ chối, nhưng rồi cuối cùng cũng đồng ý cho tôi kể lại câu chuyện này với lời nhắc: “Nhưng anh viết sao đó để Ngọc Liên không mặc cảm mình là con của một người tù!”. Vì vậy tôi đã viết bài với một sự thận trọng, đồng thời xin phép Liên, và cô tân sinh viên vui vẻ đồng ý bởi cô không một chút mặc cảm về chuyện ba của mình. |
“Chồng tui tưởng nghe lầm” Cứ hai tuần một lần, chị Yến được phép đi thăm nuôi chồng vào chủ nhật. Nhưng hôm chủ nhật vừa rồi là một ngày đặc biệt. Ngoài thùng mì gói và ít tép khô hàng xóm biếu để chị mang vào trại cho chồng còn có một niềm vui lớn: chị dẫn con gái vào chào bố trước khi lên đường vào Huế nhập học đại học. Chị Yến kể: Câu đầu tiên anh Minh hỏi là “Vay được tiền đóng học phí cho con không? Chú Thắng có xin được học bổng cho con không?”. Không chờ câu trả lời nhưng nhìn gương mặt rạng rỡ của con gái, anh Minh đã đoán được câu chuyện. “Tui kể lại chuyện chú Thắng về nhà bày cho con mình cách làm các giấy tờ thủ tục để xin học bổng rồi sau đó có chú nhà báo tới xác minh hoàn cảnh và quyết định cấp học bổng đến 7 triệu đồng cho con mình, chồng tui tưởng nghe lầm vì không nghĩ suất học bổng lớn đến thế. Tui quần quật quanh năm mà chưa khi mô cầm trên tay tới 3 triệu đồng, huống nữa chừ cho con mình đến 7 triệu! Khi biết con tui sẽ có tiền nhập học, anh Minh vui lắm, cứ nói tui về tìm chú Thắng để cảm ơn” - chị Yến kể. Nhưng câu chuyện không dừng ở đó. Sáng qua, khi anh Đặng San - giám đốc siêu thị Co.op Mart Đông Hà - đến gặp tôi để trao một suất học bổng ủng hộ tân sinh viên trong dịp này, khi nghe tôi kể câu chuyện anh Minh và đứa con gái vừa đậu đại học, anh San bảo: “Nếu anh Minh thụ án xong, tôi có thể nhận anh ấy về làm người vận chuyển hàng cho siêu thị”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận