Chó được huấn luyện để đánh hơi và phát hiện các mẫu tất hoặc quần áo có virus corona - Ảnh: SKYNEWS
Theo Hãng tin Reuters, mỗi nhóm gồm 2 con chó đã được huấn luyện về COVID-19 để có thể đánh hơi một hàng dài khoảng 300 người xếp hàng chờ lên máy bay trong 30 phút và phát hiện các ca COVID-19 với độ chính xác lên tới 94,3%.
Các nhà khoa học Anh đã huấn luyện bằng cách cho các con chó ngửi 200 mẫu mùi của những người dương tính với COVID-19, cũng như 200 mẫu đối chứng từ những ca âm tính.
Những con chó giỏi nhất có thể đánh hơi ra các mẫu có virus corona với độ chính xác lên tới 94,3%.
Theo kết quả nghiên cứu giai đoạn đầu, sau khi được cho ngửi khoảng 3.500 chiếc tất hoặc áo khoác được các nhân viên y tế quyên tặng, các con chó thậm chí còn phát hiện ra các ca bệnh không có triệu chứng hoặc bệnh nhẹ, cũng như các ca mắc một biến thể được phát hiện lần đầu ở Anh hồi cuối năm ngoái.
"Những con chó có thể là cách tuyệt vời để sàng lọc nhanh một số lượng người lớn và ngăn chặn COVID-19 tái xâm nhập Vương quốc Anh" - giáo sư Steve Lindsay, làm việc tại ĐH Durham và có liên quan đến nghiên cứu, cho biết.
Trong khi đó, ông James Logan, chuyên gia kiểm soát bệnh tật tại Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London và là trưởng dự án nghiên cứu, nói lợi thế của phương pháp dùng chó đánh hơi là "tốc độ đáng kinh ngạc và độ chính xác cao trong các nhóm đông người".
Nhóm nghiên cứu của Anh cho biết độ chính xác của chó đánh hơi COVID-19 cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với các bộ xét nghiệm nhanh thường có độ chính xác khoảng 58-77%.
Nghiên cứu trên, công bố trực tuyến hôm nay 24-5 trước khi được bình duyệt, bổ sung thêm thông tin cho các dự án khác của Phần Lan, Đức, Chile và những nước đang nghiên cứu phương án dùng chó đánh hơi COVID-19 ở sân bay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lưu ý nên kiểm chứng kết quả nghiên cứu trong thực tế.
"Bằng chứng của nghiên cứu này cho thấy những con chó đã được huấn luyện để phát hiện COVID-19 có thể được dùng ở sân bay, sân vận động và buổi hòa nhạc".
"Câu hỏi lớn là cách tiếp cận này có hiệu quả trên con người trong thế giới thực chứ không phải trên mẫu tất hay quần áo hay không?" - nhà virus học Lawrence Young của ĐH Warwick nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận