Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các nhà nhiếp ảnh:
* Ông VŨ QUỐC KHÁNH (chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN):
Trung thực là điều kiện tiên quyết của ảnh báo chí
Đây là sự việc rất đáng tiếc với nhà nhiếp ảnh chiến trường Đoàn Công Tính và mở rộng ra là với nhiếp ảnh VN. Bởi theo tư duy chung của thế giới và VN, ảnh báo chí phải là thông tin, khác thông tin bằng lời hay chữ, đó là thông tin bằng hình ảnh.
Khi đã là thông tin thì cần sự chính xác, trung thực, đúng. Đó là điều kiện tiên quyết của một bức ảnh báo chí. Ở mọi thời điểm, mọi thời gian, một bức ảnh báo chí đều phải đáp ứng điều kiện tiên quyết này như là một tiêu chí cao nhất của thông tin nói chung và thông tin ảnh nói riêng.
Tôi luôn có quan điểm rằng với ảnh báo chí, chúng ta chỉ được phép cắt, cúp và phủi bụi. Việc cắt, cúp cũng nên rất hạn chế. Còn việc thêm bớt vào trong bức ảnh thì không được phép.
Tác giả có thể chỉ thêm, bỏ một chút là đã mất tính trung thực, mất tính khách quan của bức ảnh. Giá trị bức ảnh báo chí nhiều khi hơn cái tin bằng chữ hay lời là vì tính trung thực.
Các nhà nhiếp ảnh như đưa người xem trở lại, đứng trong sự kiện đó bằng bức ảnh của mình. Vì thế, ảnh báo chí càng cần trung thực.
Chúng ta phải xác định lại với nhau để khẳng định rằng ảnh báo chí cần phải giữ tiêu chí cao nhất của nó là sự khách quan, không có bất kỳ sự tác động nào.
Tác giả không được động chạm đến ảnh ở bất kỳ khâu nào, kể cả khâu sắp xếp ban đầu khi tác nghiệp, đến khi làm buồng tối hay hậu kỳ trên máy tính. Như thế thì sức thuyết phục mới cao và đảm bảo tính bền vững của tác phẩm ảnh báo chí.
Ảnh báo chí có thể có những chi tiết thừa, chi tiết thiếu. Nhưng đó mới chính là ảnh báo chí. Còn bức ảnh sạch sẽ, hoàn mỹ quá có khi không phải là ảnh báo chí, bởi cuộc sống chính là có những điều không trọn vẹn.
Có thể có những lúc nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính “quên mất” mình là nhà nhiếp ảnh chiến trường, nên muốn tác động cho bức ảnh đẹp hơn, hoàn mỹ hơn.
Câu chuyện này cũng là bài học cho các nhà nhiếp ảnh báo chí VN: khi tác nghiệp cần phải nắm rõ các tiêu chí của ảnh báo chí.
* Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh VŨ HUYẾN:
Phải đầu tư cho tư duy nhiếp ảnh
Đây là câu chuyện nhỏ nhưng hóa thành chuyện to. Bởi sự nghiệp nhiếp ảnh của Đoàn Công Tính tiêu biểu cho nhiếp ảnh chiến trường VN. Nhưng bức ảnh này là sự việc đáng tiếc. Chúng tôi là thế hệ sau của anh ấy, thấy rất buồn.
Về nguyên tắc, đã là ảnh báo chí thì tuyệt đối tác giả không can thiệp. Nhiếp ảnh hay và khác thể loại văn, thơ, nhạc họa... là ở tính làm chứng. Người ta cần nhiếp ảnh là ở tính trung thực, mà anh đánh mất trung thực thì còn gì là ảnh báo chí nữa?
Cho nên, nhiếp ảnh VN thường lẫn lộn giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Sự lẫn lộn ấy rất nguy hiểm. Người ta lẫn lộn tính nghệ thuật của sản phẩm và nghệ thuật như một phẩm chất.
Ông Đoàn Công Tính chỉ là một trường hợp. Còn nhiều nhà nhiếp ảnh trẻ VN hiện nay cũng đang đóng giả nhiếp ảnh báo chí.
Trong ảnh nghệ thuật, tác giả có thể can thiệp thế này thế khác, nhưng ảnh báo chí thì tuyệt đối không được can thiệp vào, nhất là với những bức ảnh được gửi đi triển lãm trong nước hay quốc tế.
Tác giả hoàn toàn không được can thiệp vào bức ảnh khi sắp xếp bối cảnh cũng như khi hậu kỳ. Tác động của nhà nhiếp ảnh báo chí là ở sự tư duy trong một phần bao nhiêu giây đó thì anh chớp lại khoảnh khắc ở góc độ nào.
Qua vụ việc này, tôi muốn nhắn đến các bạn trẻ rằng đầu tư cho nhiếp ảnh không chỉ là đầu tư cho các thiết bị mà còn phải đầu tư cho tư duy nhiếp ảnh.
Không đùa với photoshop Với ảnh báo chí, nguyên tắc là không đùa với photoshop và tuyệt đối không can thiệp vào ảnh báo chí chiến trường. Tác giả có thể cắt cúp khi ảnh thừa một chút chứ tuyệt đối không thêm bớt chi tiết trong bức ảnh. Nếu phim hỏng thì khôi phục, sửa mốc, sửa những điểm rạn nứt trên phim, nhưng phải bảo đảm bố cục như cũ. Ví dụ chụp cháy sáng, nước mặt hồ, mặt sông chói thì được rọi cho dịu đi. Còn bố cục không được thay đổi, nội dung không được thay đổi, chú thích phải chính xác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận