Phóng to |
Tượng thần Shiva bên dòng sông Hằng |
Tắm trong nghi lễ
Ngay từ 2 giờ chiều, mặc dù trời nắng gắt nhưng hai bên bờ sông ở vùng thánh địa Haridwar (bang Uttar Pradesh) đã tụ tập rất đông người đến từ khắp nơi.
Dưới chân một ngôi đền Hindu (Ấn Độ giáo), một đôi vợ chồng trẻ đang nhúng đứa con trai của mình xuống sông.
Đứa bé thích chí cười khanh khách khiến nhiều người xung quanh cũng phải để ý và vui lây.
Gia đình này đến từ bang Rajasthan và người chồng Karam cho biết họ tới đây để cầu phúc cho đứa con đầu lòng: “Mỗi lần tắm sông là mỗi lần mang lại may mắn! Con chúng tôi vừa tròn một tuổi và đây là lần đầu tiên cháu tới đây” - anh giải thích.
Người ta tin rằng tắm sông Hằng mang lại sự trong sạch cho linh hồn, và Haridwar được mệnh danh là cánh cửa tới thiên đường bởi ở đây được xem là kinh đô các thánh thần của người Hindu.
Người Hindu còn cho rằng mình sẽ dễ dàng lên thiên đường hơn nếu sau khi chết tro của họ được thả xuống dòng sông.
Trên thực tế, những đồng bằng bao la được sông Hằng nuôi dưỡng phù sa đã có tác động quá lớn đến đời sống người dân Ấn Độ, bởi có tới 47% diện tích đất được tưới nước của quốc gia này là từ nguồn nước sông Hằng.
Lưu vực sông là nơi cư trú của 35% dân số Ấn Độ, và đây cũng chính là vùng chủ lực để trồng lúa, mì, mía bông và đay.
Phóng to |
Thành phố Haridwar tuyệt đẹp bên bờ sông |
Người già, thanh niên, trẻ thơ tụ tập thành từng nhóm đang thả mình dưới dòng sông. Khác với những cảnh tắm táp thường thấy, ở đây người ta không bơi lội thỏa thuê, không có trò nhảy xuống sông bơi thi qua bên kia xem ai nhanh hơn, không té nước vào nhau, không đùa giỡn thái quá...
Mà thay vào đó mọi người khỏa nước thật từ tốn khắp cơ thể như đang tận hưởng những phúc lành, những che chở và cảm giác khoan khoái do dòng sông mang lại sau khi đã rũ sạch những bụi trần.
Nước chảy khá mạnh nên người ta đã làm rất nhiều sợi dây xích nối từ bờ để những người tắm sông có thể bám vào đó cho khỏi bị nước cuốn đi.
Tất nhiên là không có những bộ bikini khoe sắc, thay vào đó tất cả phụ nữ đều mặc nguyên bộ sarê truyền thống bước xuống dòng sông.
Chừng 3 giờ chiều, khi một nhóm bốn cô gái trẻ xinh đẹp đột ngột xuất hiện bên làn nước dưới chân tháp đồng hồ, trên trán mỗi người đều in một dấu tròn đỏ tươi, mái tóc đen dài tha thướt, thì người ta có cảm giác rằng tất cả vẻ đẹp của phụ nữ Ấn Độ đã tụ hội về đây.
Trong khi đó, rất đông cảnh sát đi lại hai bên bờ sông, nghiêm nghị nhắc nhở một số khách du lịch Tây balô cần có thái độ đúng mực bởi những máy ảnh trên tay họ cứ chĩa lung tung khắp nơi.
Rất nhiều cây cầu với đủ mọi kiểu dáng bắc qua dòng sông, những đền thờ Hindu với tháp nhọn đặc trưng, cùng lòng sùng kính mẹ sông Hằng của tín đồ từ khắp nơi đổ về đây tạo nên một không khí rất đặc biệt.
Và sông Hằng đã biến Haridwar thành một vùng đất thánh đúng nghĩa, tất cả thức ăn không phải đồ chay đều bị từ chối ở đây.
Trước đó, chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi gọi món trong một quán ăn, người phục vụ đột ngột lạnh lùng khước từ rằng ở đây không có nĩa, mọi người phải lóng nga lóng ngóng ăn món mì chay chỉ với một chiếc muỗng duy nhất.
Đến khi ăn sắp xong, cô bạn người Guatemala bỗng phát hiện một chiếc nĩa trên cái bàn gần đó liền phàn nàn nhà hàng không lịch sự. Lúc này anh bồi mới vỡ lẽ, phân trần rằng chỉ vì anh nghe nhầm từ “fork” (nĩa) thành “pork” (thịt lợn), một món ăn cấm kỵ ở thành phố này.
Phóng to |
Thả thuyền hoa trong lễ cầu nguyện lúc hoàng hôn |
Khi dòng người đổ về tắm sông mỗi lúc một đông thì cũng là lúc hai bên bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều những quầy bán hoa cho khách hành hương.
Vô số chiếc thuyền được tết bằng lá bên trong chất đầy hoa cùng một cây nến có mùi thơm, cái nhỏ bằng bàn tay, cái to dài cả mét. Người ta mua thuyền hoa để chuẩn bị thả xuống dòng sông.
Thế rồi khi mặt trời chuẩn bị thu những tia nắng chiều hôm cuối cùng trên tháp những ngôi đền thì từ bên kia sông ai đó bỗng cất lên lời ca nghe vang rền.
Đó là tiếng hát của những người chủ lễ cho buổi cầu nguyện sắp đến của người Hindu. Karam - bạn tôi - giải thích đó là những lời ngợi ca thánh thần, kêu gọi các tín đồ hãy về đây để cầu nguyện.
Thế rồi dòng người trên bờ ùn ùn kéo về hai bên làn nước, trong khi những người đang tắm cũng vớt vát những giây phút cuối cùng để kịp dọn mình sạch sẽ cho buổi lễ.
Rất nhiều đứa trẻ tay cầm khay chứa đầy thứ bột màu đỏ làm từ thảo mộc. Chúng dùng ngón tay trỏ để bôi màu lên trán khách hành hương, sau đó xin tiền họ.
Cùng lúc đó rất nhiều người đàn ông cầm những tập biên lai dày cộp, thuyết phục mọi người ủng hộ tiền công đức để tôn tạo các ngôi đền.
Karam từ chối nhẹ nhàng: “Tôi không đưa cho anh mà sẽ đưa trực tiếp cho người coi đền”, những người đi quyên góp tiu nghỉu bỏ đi.
Rất nhiều phụ nữ mang bột mì vắt thành những viên nhỏ thả xuống nước như một cách tạ ơn dòng sông linh thiêng đã nuôi dưỡng đất đai và tâm hồn Ấn Độ.
Đêm xuống nhanh hơn khi rất nhiều bó đuốc khổng lồ bừng sáng trong và ngoài những ngôi đền. Những người chủ lễ nhảy múa trong ánh đuốc, khói hương nghi ngút càng tạo thêm vẻ huyền ảo. Hàng ngàn người cùng lúc hướng mắt về một nơi đầy thành kính.
Vẻ mặt Karam giờ đây trầm mặc, vợ anh ngồi chắp tay với đôi mắt xinh đẹp mở to, trong khi đứa trẻ một tuổi vừa nãy đùa nghịch là thế nay cũng lặng yên một cách đáng ngạc nhiên.
Nhưng cảnh tượng đẹp nhất, rực rỡ nhất và làm say đắm lòng người nhất là khi hàng ngàn chiếc thuyền hoa cùng được thả xuống nước.
Chúng tôi chạy vội lên thành cầu để có thể nhìn từ trên cao cả một bữa tiệc lung linh của ánh sáng, phản chiếu sự sống động của một dòng sông, ghi đậm dấu ấn cho những ai lần đầu tiên chứng kiến nghi lễ của một trong những tôn giáo được xem là lâu đời nhất trên thế gian này.
Nhưng người ta còn ngạc nhiên nữa khi biết rằng từ bao đời nay, nghi lễ tắm sông và cầu nguyện này được diễn ra hằng ngày ở đây trên dòng sông Hằng huyền thoại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận