28/06/2017 15:30 GMT+7

​An toàn tiêm chủng ở trẻ em

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Tiêm chủng giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ chống lại các vi trùng, vi rút gây bệnh.

Hiểu được vai trò quan trọng của việc tiêm chủng, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến việc đưa các bé đi chích ngừa đúng thời điểm để bé được bảo vệ.

Những điều lưu ý trước khi đưa trẻ chích ngừa

- Các bậc cha mẹ cần mang theo sổ và phiếu tiêm chủng của trẻ để bác sĩ có thể tham khảo để biết trẻ còn thiếu những mũi thuốc nào.

- Các bậc phụ huynh cũng nên tham khảo lại những loại thuốc có thể được tiêm chủng trong độ tuổi của trẻ và lịch tiêm chủng để có thể hỗ trợ bác sĩ lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất với độ tuổi của con mình.

- Nếu sức khỏe của trẻ không bình thường hay có những tiền sử về dị ứng thì các bậc cha mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con cho bác sĩ và đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.

Sau đây là một số chống chỉ định tiêm chủng ngừa cơ bản mà các bậc cha mẹ cần biết

- Trẻ đang có bệnh cấp tính như sốt cao, viêm phổi, tiêu chảy cấp,…

- Trẻ đang được điều trị các loại thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticoid liều cao và kéo dài.

- Trẻ có phản ứng trầm trọng với thuốc chủng ngừa ở những lần chủng trước như nổi mề đay, phù mi mắt, sốc phản vệ, co giật, tím tái,… Phụ huynh cần thông báo rõ ràng với bác sĩ để tránh chích những loại thuốc tương tự.

- Trẻ có các tiền sử dị ứng hay bệnh lý đặc biệt như dị ứng trứng gà, đang điều trị bệnh động kinh. Những tiền sử này sẽ là chống chỉ định cho một số loại thuốc như cúm hay viêm não Nhật Bản.

- Trẻ đang có bệnh ung thư hay mắc bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải như HIV. Những trường hợp này cần được khám chuyên khoa trước và trẻ phải được làm một số xét nghiệm để đánh giá xem hệ miễn dịch của trẻ có đủ khả năng tiêm chủng không.

Có nên tiêm nhiều loại vắc xin cùng lúc không?

Về lý thuyết, có nhiều loại vắc xin có thể được tiêm cùng lúc hay trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên trong thực hành tiêm chủng, để đảm bảo an toàn cho trẻ cũng như công tác điều tra nếu có xảy ra phản ứng sốc phản vệ sau tiêm thì chỉ nên tiêm 1 lần 1 loại vắc xin mà thôi.

Nếu muốn tiêm thêm loại vắc xin khác bạn nên đợi tối thiểu 4 tuần đối với các loại vắc xin sống giảm độc lực như thủy đậu, sởi, quai bị, rubella và tối thiểu 2 tuần đối với các loại vắc xin khác.

Cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng

Hầu hết các trường hợp tiêm chủng đều an toàn và không có tác dụng phụ. Đa phần các trẻ chỉ có một số phản ứng nhẹ sau tiêm thường gặp như sốt và sưng đau tại chỗ chích.

Cách xử trí những phản ứng này như sau:

- Đối với sốt

Sốt là khi đo thân nhiệt ở nách của trẻ trên 38 độ C (lưu ý không cộng thêm 0,5 độ C). Quý phụ huynh có thể cho trẻ mặc thoáng, uống nhiều nước và cho trẻ uống hay nhét thuốc hạ sốt Paracetamol với liều từ 10-20mg/kg cân nặng/lần, các lần dùng thuốc cách nhau từ 4-6 giờ.

- Đối với sưng đau tại chỗ chích

Bạn có thể trấn an bằng cách dỗ dành trẻ, cho trẻ chơi một số trò chơi trẻ thích để quên đi cơn đau.

Để giảm đau bạn có thể thực hiện chườm đá (nước đá được bọc trong một cái khăn và chườm lên chỗ đau của trẻ) hay dùng thuốc giảm đau Paracetamol với liều 10-15 mg/kg lần, các lần dùng thuốc cũng cách nhau từ 4-6 giờ.

Bên cạnh những phản ứng nhẹ thường gặp trên, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý một số dấu hiệu nặng sau đây để đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra lại:

- Sốt cao trên 39 độ C.

- Co giật.

- Tay chân lạnh, tím tái.

- Thở khó, thở nhanh, rút lõm ngực.

- Bứt rứt, quấy khóc liên tục.

- Lừ đừ, bỏ bú.

- Sưng to, đỏ lan rộng hay lở loét, hoại tử tại chỗ tiêm.

- Nổi mề đay, phù mi mắt.

- Hay bất kỳ dấu hiện lạ nào của trẻ khiến bạn cảm thấy lo lắng.

Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam thực hiện tiêm chủng miễn phí các vắc xin phòng ngừa 12 loại bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, viêm phổi/màng não mủ do vi khuẩn Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn cho trẻ.

Ngoài các thuốc được chích miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, các bậc phụ huynh còn có thể lựa chọn chích thêm những loại vắc xin dịch vụ như sau: cúm, tiêu chảy do Rotavirus thủy đậu, não mô cầu… để phòng bệnh tốt hơn cho trẻ và lưu ý nên theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp