Giờ ăn trưa tại Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG
Một lãnh đạo Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM chia sẻ: "TP.HCM có số học sinh bán trú đông. Việc đầu tư cơ sở vật chất, con người để thực hiện bán trú tại các trường là một thách thức đối với ngành giáo dục.
Bếp ăn tập thể là mô hình lý tưởng nhưng không phải trường nào cũng làm được vì khuôn viên trường quá chật hẹp, việc tuyển nhân viên cấp dưỡng, bảo mẫu... rất khó.
Sở đã có văn bản giao cho thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn và cơ sở nấu suất ăn công nghiệp bảo đảm an toàn theo quy định, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng".
Bếp ăn được nấu ngay trong trường thì ban giám hiệu dễ kiểm tra, giám sát. Việc đặt suất ăn công nghiệp rất khó quản lý. Mình không thể đi kiểm tra thường xuyên nên hoàn toàn giao phó cho đối tác. Chúng tôi rất lo lắng nhưng cũng đành chấp nhận.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM
Đánh giá cao bếp ăn nóng tại trường
TP Thủ Đức (TP.HCM) có 160 trường công lập và 225 trường ngoài công lập. Địa phương này cơ bản phủ kín bếp ăn trong các trường mầm non, khi 100% trường mầm non công lập trên địa bàn đều có bếp ăn tại trường.
Đối với bậc tiểu học, số trường có bếp ăn cũng chiếm tỉ trọng lớn hơn so với số trường thực hiện bếp ăn công nghiệp.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, trưởng Phòng Giáo dục - đào tạo TP Thủ Đức, cho biết với số lượng học sinh lớn và trường học nhiều, công tác kiểm tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú ở các trường càng trở thành vấn đề đáng được quan tâm sâu sát.
Theo ông Vĩnh Nguyên, để kiểm soát chất lượng dinh dưỡng bữa ăn tốt hơn, hiệu trưởng và giáo viên nhiều trường học trên địa bàn thực hiện việc ăn trưa với học sinh.
Điều này không chỉ giúp các trường kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm kỹ hơn, chặt chẽ hơn mà còn kiểm soát chất lượng bữa ăn cho học sinh.
Đối với những trường thực hiện bữa ăn công nghiệp, việc giáo viên và cán bộ nhà trường ăn trưa với học sinh lại càng có ý nghĩa hơn vì nhà trường càng sâu sát với các khâu kiểm soát bữa ăn.
Tuy đã có cách kiểm soát nhưng TP Thủ Đức vẫn đánh giá cao việc có bếp ăn nóng đặt tại trường và mong rằng trong tương lai trường nào cũng có bếp ăn chuẩn.
Có bếp ăn với tám cấp dưỡng nấu ăn, mỗi ngày Trường tiểu học Nguyễn Huệ (quận 6, TP.HCM) cung cấp bữa ăn trưa và bữa ăn xế cho khoảng 1.200 học sinh.
Bếp ăn tại trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cho học sinh vì trường chủ động và giám sát được tất cả các khâu từ nguồn thực phẩm, chế biến, phân chia thức ăn...
"Thực phẩm nơi khác mang tới nhiều khi sẽ nguội, cũng không dễ kiểm tra đột xuất như nấu ăn trong trường" - ông Nguyễn Thanh Hải, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ, nói.
Áp lực với bữa ăn bán trú
Nhiều hiệu trưởng tâm sự quá áp lực khi thực hiện bữa ăn bán trú. "Từ bữa đọc thông tin một học sinh ở Nha Trang tử vong sau khi bị ngộ độc từ bữa ăn bán trú, tôi phải trực tiếp vào trường từ 5h sáng để kiểm tra nguồn thực phẩm tươi sống khi nhà bếp tiếp phẩm" - hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết.
Tương tự, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cũng phân tích: "Trường tôi thực hiện quy trình bếp một chiều từ nhiều năm nay. Các dụng cụ ăn uống như tô, đĩa, muỗng... đều được rửa và hấp bằng máy.
Thức ăn nấu ngay tại trường có lợi thế là ban giám hiệu kiểm tra thường xuyên và kiểm tra được tất cả các khâu từ khi tiếp phẩm đến sơ chế, nấu chín, lưu mẫu, chia thức ăn cho học sinh...
Nhưng trong bối cảnh thực phẩm không an toàn như hiện nay, tôi không dám phát biểu rằng mình đang làm hay, làm tốt. Thực sự chúng tôi cảm thấy rất áp lực với nhiệm vụ tổ chức cho học sinh ăn bán trú".
Kiểm soát kỹ khi đặt suất ăn
Trong khi đó, Trường THCS Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM) mỗi ngày tiếp nhận hơn 1.500 suất ăn trưa cho học sinh ăn bán trú tại trường.
Bếp ăn công nghiệp này được trường hợp đồng từ khi thành lập đến nay vì có cự ly không quá xa để đảm bảo thực phẩm đến trường vẫn còn nóng sốt. Nhà trường thường xuyên kiểm tra thỏa thuận giữa trường và đơn vị cung cấp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhà trường đã lên thực đơn trước một tháng và gửi cho đơn vị cung cấp suất ăn. Vào buổi trưa, cán bộ nhân viên cũng ăn trưa với học sinh theo cùng suất ăn và thực đơn đó.
"Thực tế tôi thấy bếp ăn công nghiệp cũng có những mặt mạnh trong cung cấp bữa ăn cho học sinh như bếp công nghiệp sẽ trang bị đầy đủ dụng cụ nấu nướng, đảm bảo quy mô và các quy trình xử lý, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm đúng chuẩn và quy trình được kiểm tra kỹ lưỡng. Vấn đề còn lại là sự kiểm soát của trường nữa thì khá yên tâm với các bữa ăn công nghiệp", cô Nguyễn Thị Hồng Châu nói.
Chị Mai Hạnh - phụ huynh có ba con đang học tại quận 1 và quận 3 - nói: "Trẻ đi học bây giờ không giống như ngày xưa là cha mẹ chỉ cần tìm một trường có chất lượng giáo dục tốt cho con mình là được.
Bây giờ phụ huynh đi làm suốt từ sáng đến chiều nên luôn có nhu cầu cho ba đứa con học bán trú ở trường. Thế nên, tôi đặt yêu cầu tìm trường có bếp ăn bán trú là số 1, sau đó mới tới chất lượng giáo dục".
Chị Hạnh tham gia ban đại diện cha mẹ học sinh trường của cả ba đứa con, đã từng đi kiểm tra bếp ăn bán trú và cả bếp ăn cung cấp suất ăn công nghiệp cho học sinh, đồng thời ăn thử suất ăn ấy cùng với con mình.
Chị cho biết: "Tôi nhận ra những đơn vị có tổ chức nấu nướng ngay tại khuôn viên trường thì đồ ăn ngon hơn, chất lượng hơn hẳn suất ăn công nghiệp mặc dù phụ huynh cùng đóng một mức tiền ăn.
Có đợt tôi đã phải góp ý với đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp là sao không chọn thực phẩm tươi sống để chế biến món ăn mà cứ cho học sinh ăn xúc xích, thịt xông khói... hoài".
Nhiều ý tưởng khởi nghiệp ấn tượng của sinh viên trường nghề
Nhóm sinh viên cùng dự án DEFIMAPS của Trường CĐ Viễn Đông - Ảnh: NVCC
Hôm nay (27-11), vòng chung kết cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Startup Kite dành cho học sinh sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sẽ chính thức bế mạc tại TP.HCM.
Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết trong hơn 1.500 ý tưởng dự thi, nhiều dự án của sinh viên được ban giám khảo đánh giá cao về sự mới mẻ và khả năng áp dụng vào thực tiễn.
Điển hình là nhóm sinh viên Trường CĐ nghề Kiên Giang mang đến dự án "Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ bằng ván tàu thuyền cũ".
Sinh viên Nguyễn Chí Thiện - trưởng nhóm dự án - cho biết trước nay nhiều tàu thuyền cũ, hết hạn sử dụng thường không được tận dụng mà chỉ dùng làm phế liệu.
Vì vậy, thời gian qua, nhóm đã tận dụng gỗ từ các vỏ tàu cũ để làm thành những dự án sản phẩm thủ công đẹp mắt và thương mại hóa ra thị trường. "Chúng tôi cũng đang đăng ký bản quyền thương hiệu cho sản phẩm này", Thiện nói.
Trong khi đó, nhóm sinh viên Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM) dự thi Startup Kite với dự án DEFIMAPS.
Ông Cao Thanh Phú - trưởng khoa CNTT, cố vấn dự án - cho biết sản phẩm của nhóm sinh viên là một ứng dụng di động có thể hướng dẫn đường đi cho người dùng khi đến một địa điểm cụ thể nào đó.
Chẳng hạn, trước nay khi đến những không gian rộng như bệnh viện, người dân thường rất khó khăn để tìm đúng phòng khám hoặc khu chức năng, dẫn đến không ít trường hợp người dân đã bị lừa.
"Phần mềm này của năm sinh viên của Trường CĐ Viễn Đông sẽ giải quyết vấn đề trên. Người dùng chỉ cần bật app là sẽ được hướng dẫn đường đi đến những vị trí mong muốn bên trong từng khu vực cụ thể. Hiện tại, ứng dụng đã được cho triển khai thử nghiệm trong khuôn viên trường và cho độ chính xác cao", ông Phú nói. (TRỌNG NHÂN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận