Gà, vịt không rõ nguồn gốc xuất xứ (không có đóng dấu của chi cục thú y) được bày bán tại một chợ tự phát ở TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Tại hội nghị các đại biểu đã chỉ ra những câu chuyện đáng báo động: tình trạng hàng thực phẩm như gạo, cá tra xuất khẩu bị trả về do nhiễm bẩn; tiêu được giá nhưng xuất khẩu không được do không đạt tiêu chuẩn;
Tình trạng bơm tạp chất vào tôm chưa giảm; sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật còn tùy tiện...
ATTP hại xuất khẩu
Nói về tình trạng thực phẩm nhiễm bẩn, không an toàn và những hệ lụy của nó, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc - cho biết:
“Năm vừa rồi giá tiêu rất cao nhưng không xuất khẩu được vì hóa chất và thuốc trừ sâu rất nhiều. Gạo cũng bị Mỹ trả lại mấy chục tấn vì nhiễm hóa chất và thuốc trừ sâu. Cá tra từ phân khúc trung bình xuất khẩu đi nước ngoài thì nay ở phân khúc thấp nhất, tôm cũng bơm tạp chất...”.
Bà nói: “Vừa rồi Thủ tướng có nói phải kiên quyết chống bơm tạp chất, nhưng tôi xin nói kiên quyết không bao giờ chống được vì nó là siêu lợi nhuận”.
Ông Phùng Đức Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường, cung cấp thông tin: đoàn giám sát của Quốc hội đã đi thực tế tại 19/21 tỉnh, thành phố và thấy rằng hầu hết các tỉnh thành đã có những tiến bộ trong quản lý ATTP.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn tại, khó khăn trong việc thực thi ATTP. Đáng lưu ý, 92% nông dân còn sử dụng phân bón vô cơ; chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản còn phổ biến quy mô nhỏ, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP còn rất ít;
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt khá lớn (hơn 110.000 tấn/năm); sử dụng thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học cho chăn nuôi, thủy sản khá tự do...
Bà Minh cho rằng nên bắt buộc các nhà sản xuất, trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn GAP, các nhà chế biến phải áp dụng tiêu chuẩn HACCP vì đây là những hệ tiêu chuẩn nhà sản xuất, chế biến phải tự làm và báo cáo.
Theo bà, nếu dựa vào Nhà nước thì không bao giờ quản lý được mà phải dựa vào các tổ chức hội đoàn, hội nghề nghiệp. Hội không chỉ là nơi kiểm soát lẫn nhau, phát triển thị trường mà còn là sửa chữa các khuyết tật của thị trường.
Bà Minh đề xuất: kiểm soát thực phẩm cần theo cách tiếp cận hệ thống chứ không phải quản lý theo cách lấy mẫu kiểm tra; phải quản lý chặt các chợ đầu mối bán buôn vì đây là khâu đầu tiên của chuỗi thực phẩm.
Nếu quản lý ngay từ đầu mối đầu tiên thì đảm bảo các loại thực phẩm khi vào thị trường sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP. Bà Minh cho rằng không phải chỉ nông dân hay doanh nghiệp mà chính là hệ thống thương lái trung gian cũng gây ra mất ATTP hiện nay.
Một ngôi chợ tự phát ở quận Bình Tân, TP.HCM buôn bán nhộn nhịp với nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc - Ảnh: HỮU KHOA |
Còn có nơi bán giấy kiểm nghiệm ăn tiền
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thừa nhận việc kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm còn nhiều vi phạm.
Ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cũng cho rằng việc quản lý nhà nước về ATTP ở một số địa phương chồng chéo, lúng túng; nhiều địa phương chưa chuyển hướng mạnh sang thanh tra đột xuất nên hiệu quả thanh tra không cao...
Ông Nguyễn Phú Cường - vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công thương - còn cho rằng quy định về quản lý ATTP nặng về thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, chính quyền một số địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định tại Luật ATTP...
Bà Hồng Minh nêu một thực tế và đề nghị đoàn giám sát của Quốc hội lưu ý các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm vì phòng thí nghiệm mọc lên rất nhiều và chỉ “bán giấy ăn tiền” chứ không thực hiện xét nghiệm mẫu là có thật và khá phổ biến.
Tại hội nghị, các bộ ngành và nhiều doanh nghiệp còn chỉ ra nhiều bất cập trong việc thực hiện quy định về ATTP và có nhiều giải pháp, kiến nghị đã được đề xuất, nhất là các giải pháp về sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, về mô hình sản xuất, tổ chức quản lý ATTP...
Cụ thể như đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành ATTP ở địa phương, đặc biệt là tuyến quận huyện, phường xã; sửa đổi Luật ATTP theo hướng đổi mới phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Xem xét bỏ quy định đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan quản lý; quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý của UBND các cấp theo hướng tăng trách nhiệm; sửa đổi bổ sung Luật hình sự theo hướng quy định rõ hình phạt tương ứng mức độ vi phạm và hậu quả...
Kết luận hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - trưởng đoàn giám sát ATTP - nói so với giai đoạn trước, tình hình ATTP có khá hơn.
Tuy nhiên, ông khẳng định việc kiểm soát ATTP ở nước ta chỉ ở mức trung bình, nguy cơ mất ATTP rất cao, sai phạm về ATTP khá phổ biến, “có nơi ở mức báo động, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân rất lớn”.
So với yêu cầu đặt ra còn khoảng cách lớn và còn nhiều vụ việc nghiêm trọng dẫn đến chết nhiều người, như vụ chết 8 người do rượu ở Lai Châu mới đây.
600.000 vụ vi phạm, chỉ xử lý 120.000 vụ Trong 5 năm qua, các bộ ngành, địa phương thực hiện trên 3 triệu cuộc kiểm tra, phát hiện hơn 600.000 vụ vi phạm nhưng xử lý chỉ 120.000 vụ với tổng số tiền phạt hơn 133 tỉ đồng. Trong đó, riêng TP.HCM đã phạt 100 tỉ đồng. Số vụ việc xử lý hình sự thấp, dẫn đến tính răn đe không cao. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận