Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Thông tin và thực phẩm
Hơn 1.500 cây đá vừa ủ dưới hầm tàu để ướp cá từ hai ngày trước bắt đầu tan chảy. “Thôi để em gọi cho cô Lan” (thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Đài khí tượng thủy văn Nam bộ - PV) - Vương buột miệng rồi cầm lấy điện thoại bấm máy. Sau khi hỏi hàng loạt vấn đề về thời tiết trong tuần tới, cúp máy, Vương quay sang bảo anh em ngư dân chúng tôi: “Chuẩn bị nửa giờ sau mở biển - xuất phát!”.
Thuyền ra biển, đêm dài lênh đênh, chúng tôi cùng ngồi dõi mắt về phía trước bên Vương. Anh thổ lộ rằng hầu như tất cả thuyền trưởng đánh bắt cá anh quen biết đều biết số máy cầm tay của thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan. “Bọn em hỏi gì về thời tiết cô ấy cũng nói hết. Chắc cô thương ngư dân. Có hôm gọi điện cô đang họp, tí cô ấy gọi lại. Cô Lan nói thời tiết tụi em rất an tâm... Nghe tiếng cô xong là ra khơi vững dạ” - Vương cười nói.
Trước khi tàu xuất bến, cầm cuốn sổ nhỏ trên bến tàu, Vương ghi chép cặn kẽ từng con tàu, từng nhu cầu của anh em đang thiếu thốn nơi đầu sóng. Cuốn sổ cũ, nhàu nát vì vị mặn của biển cùng những dòng chữ gãy khúc ghi chú: Tàu thằng Tư - nước ngọt, thịt, rau, rượu... Tàu Vinh “ròm” - thuốc tây, gạo, thịt, áo quần cũ... Hầu hết các mặt hàng ngư dân cần đều là cái ăn, cái mặc và thuốc men trên biển. Biết tàu Vương lớn, chuyến trước vào đất liền sớm nên những ngư dân khác nhờ mua thêm đồ dùng, đem giúp nước ngọt...
Nay ra khơi, hơn hai ngày hai đêm vượt sóng, chúng tôi đến ngư trường trong sự bồi hồi chờ mong của tàu bạn. Chưa tính toán đến việc đánh bắt, nhu yếu phẩm tức tốc được chuyển sang cho tàu của những ngư dân này. Một tọa độ đã hẹn trước, ba chiếc tàu câu mực, những tàu câu cá bò “gù” (tên gọi cá ngừ đại dương mà ngư dân hay dùng - PV) đã neo đậu từ trước. Những can nước ngọt được thả dây chuyền xuống thúng chai, tiếp theo là gạo, thuốc tây, những cân thịt được chia sau. Một món hàng khá xa xỉ với những ngư dân hàng tháng trời lênh đênh trên sóng là rượu gạo được chuyển cuối cùng. Áo quần cũ cũng được gói ghém cẩn thận chuyển qua cho những ngư dân đi lâu ngày.
Câu hỏi thăm, tiếng chào nhau í ới át cả tiếng sóng sau những ngày xa cách. Mặt biển xa đất liền hàng trăm hải lý như một chợ nổi trong một chiều ấm áp. Ngồi bên mạn tàu, Vương chia sẻ: “Chuyến nào cá được giá mình đều mang quà cho anh em. Có tàu đánh bắt thất bát, ba tháng trời lênh đênh trên biển không biết đến thịt, rau xanh, ăn cá mực miết ngán lắm”.
Trên biển, những ngư dân chúng tôi gặp đều hốc hác. Người đánh cá ngừ đại dương râu tóc xồm xoàm, vàng hoe, bện dính díu nhau vì nắng gió. Lam lũ nhất có lẽ là ngư dân câu mực, áo quần của họ hầu hết một màu đen sẫm vì dính mực và khóe mắt thâm quầng sau những tháng ngày thức trắng đêm thả câu. Ở biển chưa ai giặt áo bằng xà phòng. Áo quần dơ được buộc dây cột từng túi thả xuống bên cạnh thuyền. Khoảng hai ngày sau, những con sóng vỗ túi áo quần đập vào mạn thuyền làm rã các chất dơ bẩn, ngư dân vớt áo quần phơi khô, thế là xong. “Áo quần rất nhanh bục, rách, nát và sẫm màu. Nhưng đàn ông hết, có đàn bà thấy đâu mà lo” - một ngư dân cười chia sẻ.
Đêm trên biển rất dài, khoảng trống giữa bữa tối và trước lúc ngủ là thời gian họ chia sẻ chuyện gia đình qua ICOM. Mười đêm như một, chúng tôi đều nghe rõ những tiếng thở dài của từng ngư dân trên con tàu lặc lè tâm tư của họ. “Alô, Vương à! Mực thưa luồng quá, đêm qua đói bạc mặt. Mà thương lái không thu mua mực xà nữa, giá rớt quá, chuyến này âm phí tổn rồi. Chán ơi là chán...” - một giọng nói vừa dứt, tiếng alô tiếp theo trên ICOM cũng nghẹn, rầu rầu: “Ông trời thổi gió hoài mà không hết hơi sao? Cá mú lặn đâu hết, buồn ơi là buồn. Nợ rồi biển ơi...”. Ấy là lời than của một ngư dân câu cá ngừ đại dương nghẹn giữa đêm đen đặc quánh. Những tiếng than kéo dài đến khi họ kết thúc câu chuyện và mọi thứ chìm vào giấc ngủ biển chập chờn.
Phóng to |
Ấm tình quân - dân
Cũng như những người lính hải quân, “đảo là nhà, biển là quê hương” luôn đồng hành trong tâm khảm mỗi ngư dân. Kể về biển, nói về hải quân đóng trên các đảo hay đang canh giữ vùng trời vùng biển trên nhà giàn DK1, mỗi ngư dân đều có một ký ức riêng. Buổi chiều của ngày đầu tiên có sóng điện thoại di động, thuyền trưởng Vương tức tốc gọi điện hỏi thăm hàng loạt đảo trưởng, các chiến sĩ nhà giàn mà anh quen.
Năm 2011, những trận bão biển liên tiếp, tàu của Vương và hàng chục tàu cá khác kết thành bè ẩn nấp ở âu thuyền trên đảo Đá Tây. Đảo trưởng, đại úy Phùng Mạnh Dũng, khi đó là người trực tiếp gọi ICOM thông báo cho từng chiếc tàu vào đúng vị trí trú ẩn. Sau những ngày chống chọi với bão biển, các ngư dân đều lên đảo thăm lính và đóng dấu hành trình đi đường của tàu. Vương khệ nệ vác con cá thu to như bắp đùi, dài bằng dây thắt lưng mang vào tặng mấy anh lính đảo làm quà. Không ai quen ai nhưng khi ngư dân và bộ đội gặp nhau họ đều rôm rả như từng quen nhau thuở nào. Đảo trưởng Dũng quyết định kéo đường dây ống nước sau những ngày mưa tràn trề châm vào các thùng phuy, tiếp nước ngọt cho tàu ngư dân. “Mình làm ra cá hàng tấn, mấy ảnh làm chi bắt được cá to, ngư dân chỉ có cá làm quà thôi!” - Vương cười nói.
Quanh năm công tác ở đảo xa, ngư dân có lẽ là những người gần gũi và thường xuyên đem tin tức từ đất liên đến với đảo nhất. Nói về ngư dân, đảo phó Hồ Văn Tuấn tâm sự: “Thật ra một ngày không có ngư dân ghé đảo chúng tôi thấy buồn. Bên cạnh quân dân trên đảo thì ngư dân chính là những vị khách thường xuyên nhất. Họ đến uống trà, đóng dấu, xin nước ngọt rồi về nhưng những ngày họ không đến chúng tôi đều ngóng đợi...”. Anh Tuấn kể những đêm trời thanh vắng, bất chợt đảo vui như phố bởi hàng chục chiếc tàu kéo về thả neo quây quần quanh đảo. Đèn điện trên tàu sáng lung linh như phố xá về đêm, tiếng gọi nhau í ới, tiếng thăm hỏi mời chào khiến đảo xa gần đất liền đến kỳ lạ.
Đối với lính trên nhà giàn DK1 cũng thế, ngư dân coi anh, em như ruột rà. Khi cơn bão số 5 đổ vào biển Đông, tàu chúng tôi chạy về hướng cụm nhà giàn Phúc Tần tránh bão. Có sóng di động, chúng tôi gọi điện cho trung úy Dương trên nhà giàn DK1/18. Dương mừng như gặp người thân: “Các anh lên đây chơi đi, ăn với anh em bữa cơm nhà giàn. Thiếu nước ngọt không đem theo vài chục can, bơi thúng vào tụi em trút nước cho...”. Quà giữa biển của lính và ngư dân là thế. Quý nhất là nước ngọt, thuốc men được các anh lính tặng ngư dân. Quà của ngư dân là những con cá to nhất, tươi nhất mới đánh được đem tặng người lính. Và rồi để khi chia tay, mọi người lại bịn rịn hẹn gặp lại nhau vào chuyến mở biển tiếp theo.
Kỳ tới: Những “cột mốc” biên cương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận