Các chuyên gia y tế cảnh báo những món ăn theo trend, ăn theo trào lưu hay thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc, chế biến không an toàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dị ứng, ảnh hưởng tiêu hóa, có thể gây nguy hiểm sức khỏe.
Ẩm thực càng độc, càng lạ lại càng hot?
Bên cạnh những món ăn lạ có tính sáng tạo gần đây có không ít món ăn khiến người xem khiếp vía như: trà sữa nấu mì tôm, kem ốc quế bún bò, cà phê trứng bắc thảo, cúc vạn thọ nấu mì tôm, trà sữa hành... Những món ăn này đều được tạo nên với mục đích câu view, gây sốc thu hút càng đông người xem càng tốt, thậm chí càng thu hút được nhiều tranh luận lại càng hay.
Một đoạn video trên TikTok giới thiệu món cà phê trứng bắc thảo thu hút được hàng nghìn lượt thích, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận. Người quay chế biến: lấy trứng bắc thảo dằm nhuyễn, sau đó đổ sữa và cà phê, nước đá sẽ cho ra một món thức uống mới. Món sẽ có vị béo ngậy hòa quyện cùng mùi của trứng bắc thảo "rất ngon, nhưng sẽ đau bụng, ai không quen sẽ buồn nôn", TikToker này nói sau khi uống hết ly.
Tại Hà Nội, thời gian qua buffet xiên (là những que xiên chả cá, đậu hủ phô mai, chả tôm...) được bày bán tràn lan cũng thu hút nhiều bạn trẻ. Nhiều người rỉ tai nhau về những món ăn đang hot để cùng trải nghiệm. Một số người còn hiếu kỳ, tham gia những thách thức trên mạng xã hội, trở thành "chuột bạch" cho những món ăn trước nay chưa từng thấy.
Mới đây, khi Hà Nội vào mùa hoa bằng lăng, trên mạng xã hội rần rần chia sẻ cách chế biến nộm hoa bằng lăng. Cũng "bắt trend" với món ăn độc lạ, chị Hoa (30 tuổi, Hà Nội) hái hoa bằng lăng mọc dại ven đường gần nhà để chế biến món gỏi hoa bằng lăng.
"Tôi thấy mọi người chế biến và nói rất ngon nên thử hái về làm. Gỏi hoa bằng lăng với tôm, tai heo, một chút rau gia vị khác. Khi mang hoa về, tôi ngâm với nước cho hết bụi bẩn rồi đem trộn với các loại gia vị khác. Hoa bằng lăng có vị chua chua, ăn cũng lạ miệng nên tôi ăn khá nhiều. Sau ăn, tôi bị đau bụng, đi ngoài, bác sĩ nói tôi bị rối loạn tiêu hóa. May hôm đó chồng và con tôi thấy món ăn lạ nên không dám ăn", chị Hoa nói.
Ăn bậy, đổ bệnh
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - trưởng khoa tư vấn dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho rằng hiện chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào cho thấy hoa phượng, hoa giấy, hoa lan... mang lại giá trị dinh dưỡng thiết thực.
Bác sĩ Hưng cũng cho rằng những món ăn như gỏi hoa phượng, hoa lan chiên, trà hoa giấy... không phải là món ăn, thức uống thông dụng, mà chỉ là một bộ phận nhỏ giới trẻ tự nghĩ ra để tạo trend, câu view.
"Trong thời kỳ khó khăn nhất, thực phẩm thiếu mà ông cha ta cũng không sử dụng hoa lá đó để làm món ăn. Do đó, giới trẻ đang coi thường sức khỏe dinh dưỡng, cảm thấy thích thú với món ăn nào là chế biến món đó, không cần biết đó là món ăn, thức uống có lành mạnh, khoa học hay không", bác sĩ Hưng nói.
Bác sĩ Hưng nhấn mạnh "bệnh từ miệng mà vào", nếu không có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là rất lớn.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cũng cho rằng các loại hoa thường được trồng ở ven đường, nơi có nhiều xe cộ lưu thông bởi vậy có thể không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, hoa có thể bị nhiễm chì nên ăn vào có thể gây hại đến sức khỏe.
Bác sĩ Trần Thị Hiếu - phụ trách khoa dinh dưỡng, tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết việc xuất hiện những món ăn độc, lạ theo trend như: trà sữa hành lá, mì tôm cúc vạn thọ... không có sự kết hợp hài hòa và hợp lý có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều món có sự kiêng kỵ, nếu kết hợp có thể dẫn đến dị ứng, táo bón, tiêu chảy, vấn đề về tiêu hóa.
Chú ý món ăn cần đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng
Bác sĩ Hiếu khuyến cáo khi sáng tạo những món ăn mới luôn phải dựa trên nền tảng đó là sức khỏe, dinh dưỡng. Đối với người dùng mạng xã hội cũng cần có sự hiểu biết về ăn uống. Nhất định và không nên ủng hộ những trào lưu ăn uống tiêu cực vì rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận