Nhưng rồi cũng từ trong tâm thức Tết, lại dễ nhận ra một điều khác: có vẻ như người nay có xu hướng để tâm trí hoài niệm và tiếc nuối một "không khí" Tết xưa.
Nhạc xuân nay rộn ràng tươi trẻ là vậy, nhưng người ta vẫn thích nghe đi nghe lại những bài hát xuân xưa để đắm chìm vào một cái Tết nào đó không còn...
Trong một cuốn sách bàn về chủ đề làm sao để hiểu thấu nhân sinh, một nhà sư Hàn Quốc viết đại ý rằng người ta có tâm lý nhớ tiếc quá khứ bởi chưa thật sự yên tâm và bằng lòng với những gì mình đang có trong hiện tại.
Nếu theo cách lý giải này, soi chiếu vào văn hóa Tết, ta sẽ hiểu rằng những biểu hiện của sung túc muôn hình vạn trạng trong đời sống vật chất là không đủ cho Tết, dù vẫn phải thừa nhận rằng, cuộc sống thịnh vượng vật chất luôn là một khát khao bộc lộ trong các phong tục Tết và "niềm vui hình thức" về sự đủ đầy là một phần của Tết.
Trong xã hội nông nghiệp truyền thống đã có những giai đoạn cuộc sống thiếu thốn, hình dung về cái Tết đủ đầy là "ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà". Ở đó, người ta nhìn qua ngó về, đo độ giàu có của ăn của để của một gia đình qua khả năng sắm sửa, trang hoàng cửa nhà, thịnh soạn trong ăn uống vào thời khắc tiễn năm cũ đón năm mới: "giàu có ba mươi Tết mới hay".
Thế nhưng xã hội hiện đại lại đặt con người trước một nhận thức có tính cứu cánh hơn: Liệu sự phô trương đủ đầy vật chất có mang lại niềm vui của Tết trong lòng người?
Tết có lẽ đã đòi hỏi cái gì đó xa hơn là một dịp để phô bày cái tràn trề của mâm cỗ, sắm sửa và phô trương sự thành công, giàu có.
Tết phải trở thành một dịp để nối lại những cảm nhận đẹp đẽ về hạnh phúc trong tương quan hài hòa trong mỗi gia đình, nhân quần thay vì chỉ lo sao cho phỉ cái ăn cái mặc, điểm tô sao cho nổi trội giàu có của cải và trình diễn địa vị xã hội.
Các biểu trưng cho sự an khang thịnh vượng luôn có trong lời chúc đầu năm, vì thế không chỉ bao hàm sự hướng tới đủ đầy sung túc vật chất, mà còn là những mở mang giá trị sống tốt lành, phồn vinh các giá trị tinh thần, tình cảm.
Bởi trong một thế giới bất định, chúng ta đã trải nghiệm được rằng các thành tựu công nghệ, tiền của, cơ đồ quyền lực và kinh tế sẽ không bao giờ mang lại sự thỏa mãn để con người an trú trong hiện tại.
Những dư chấn từ đại dịch, chiến tranh và nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng dây chuyền cũng cho thấy các thước đo vật chất thực sự mong manh. Bài học rút ra là: để hạnh phúc, để có niềm vui sống thì con người hiện đại cần hướng đến xây dựng và chăm lo cho một cấu trúc tinh thần, một tâm thức sống vững bền.
Ở đây, ta lại thấy cái tâm lý ngoái lại Tết xưa có thể giải thích được. Đó không phải là người ta muốn quay trở lại cái nghèo, cái thiếu thốn, mà thông qua đó biểu hiện sự trân trọng, nâng niu, khao khát những giá trị đã từng giữ vững giềng mối đời sống trong các thời kỳ khó khăn thiếu thốn: những đối đãi đầy thân ái và tình nghĩa, sự chắt chiu và chia sẻ, sự hòa hợp và từ tâm.
Giàu, nghèo không nên là cuộc đua phô trương phù phiếm trong ba bữa Tết. Tết là quãng dừng, nhắc con người biết chấp nhận, sống trọn vẹn cho hiện tại. Chỉ với một tinh thần tri túc và tự do như vậy thì mới có thể mở ra tỉnh giác về hạnh phúc và niềm vui trong dấu mốc của chu kỳ tuần hoàn thời gian mang đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận