21/06/2013 10:10 GMT+7

An táng 4 thợ lặn chết do ngạt khí độc tại quê nhà

SƠN LÂM - NGUYÊN LINH
SƠN LÂM - NGUYÊN LINH

TT - Chiều 20-6, đám tang ông Phan Văn Mạnh, nạn nhân trong vụ ngạt khí độc khi trục vớt tàu, nằm lọt thỏm giữa ruộng mía ở xã Tân Hòa, Bến Lức (Long An).

Tang lễ được tổ chức tại nhà mẹ ruột ông Mạnh. Bà Nguyễn Thị Anh (63 tuổi) - mẹ ông Mạnh - nghẹn ngào: “Tháng nào nó cũng gọi điện hỏi thăm tui, nghe tui đi làm cỏ mướn nó cứ rầy hoài, biểu nghỉ làm đi. Mới cách đây hai tuần nó gọi điện dặn hễ tui còn đi làm cỏ nữa là nó không gửi tiền về. Thế mà nó mất...”.

1NoPPnvF.jpgPhóng to

Thợ lặn Cao Văn Liêm chuẩn bị lặn xuống khoang tàu có khí độc để vớt thi thể đồng nghiệp - Ảnh: Nguyên Linh

Chia tay vợ 15 năm, ông Mạnh sống rày đây mai đó theo nghề lặn, thỉnh thoảng mới tạt về thăm hai con. Cả hai con trai ông Mạnh giờ đây đều đã lấy vợ. Anh Phan Văn Tuấn (con đầu) vừa sinh bé gái cách đây ba tháng. Ẵm con trong tay, anh Tuấn buồn bã: “Sau tết thì cha đi Hải Phòng tiếp tục theo nghề, nghe đâu tháng trước cha nói về Huế làm. Từ ngày có cháu nội, cha cứ gọi hỏi han tình hình rồi bảo muốn nhìn mặt cháu nội lắm, định xong chuyến vớt tàu này rồi về. Vậy mà cha đi luôn, không kịp gặp mặt cháu...”.

Trong bốn nạn nhân, ông Mạnh là người hành nghề trục vớt lâu nhất, cũng là người được mệnh danh là “lặn cứng” nhất trong đội. Ông Phan Văn Nhất (anh trai ông Mạnh) cũng từng hành nghề lặn với ông Mạnh một thời gian, thở dài bảo: “Đúng là sinh nghề tử nghiệp, nó xuống nước cứ như cá, lặn sâu mấy chục mét là chuyện thường, đằng này xuống cái bồn cách có mấy mét mà lại đi luôn”.

Rạng sáng cùng ngày, thi thể nạn nhân Võ Văn Thuận (38 tuổi) cũng được đưa về nhà ở ấp 1, xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Còn nạn nhân Phan Văn Hiệp (19 tuổi), người vừa bước vào nghề lặn hơn một năm, được gia đình an táng tại quê nhà thuộc xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, Tiền Giang lúc 8g sáng. Chỉ còn nạn nhân Văn Công Thang (32 tuổi) đến sáng nay (21-6) mới về đến nhà.

Không hề có thân nhân nào biết nội dung ký kết hợp đồng giữa các nạn nhân với Công ty TNHH Trục vớt Bến Lức (Long An). Ngày 20-6, chúng tôi liên hệ với Công ty TNHH Trục vớt Bến Lức qua điện thoại xin địa chỉ gia đình các nạn nhân thì nhân viên ở đây nói không biết. Khi chúng tôi trực tiếp đến công ty thì một nữ nhân viên cho biết công ty không có ai, cô này chỉ làm tạp vụ, lo cơm nước. Trong khi đó, những người xung quanh và một người từng làm ở công ty này cho hay người phụ nữ trên chính là kế toán của công ty hơn một năm nay. Chúng tôi cũng liên lạc được với ông Từ Minh (giám đốc công ty) qua điện thoại nhưng ông cho biết đang ở Huế, hẹn lại đến chiều sẽ trao đổi. Sau đó chúng tôi có điện thoại lại nhưng ông không bắt máy.

Trước đó, chiều 19-6 tại Huế, PV Tuổi Trẻ tiếp cận được hiện trường vụ tai nạn. Toàn bộ anh em thợ lặn đồng nghiệp của bốn người xấu số đều có mặt tại hiện trường, sẵn sàng nhận lệnh để lặn xuống khoang tàu vớt thi thể anh Võ Văn Thuận. Những người tại hiện trường rất lo ngại khi chứng kiến cảnh con vịt thử nghiệm chết ngay khi vừa thả xuống khoang tàu nơi bốn thợ lặn tử nạn. Lúc này, thợ lặn Cao Văn Liêm, một trong số những người tham gia cứu nạn, bị ngất xỉu may mắn được cấp cứu kịp thời đã bình phục. Anh Liêm đứng bên miệng khoang tàu đeo mặt nạ, ngậm ống oxy, dặn anh em đốt thêm bó nhang để nguyện cầu sớm tìm thấy thi thể Thuận. Bước ra mạn thuyền, anh Liêm nhìn vào khoang tàu đen ngòm chua chát nói: “Sinh nghề tử nghiệp, bước vào nghề lặn phải chấp nhận rủi ro...”. Tất cả những người thợ làm việc ở đây không ai ngờ ở dưới khoang tàu có khí độc, vì thế không ai mang bảo hộ khi lặn xuống.

Cột dây vào người, anh Liêm ngậm ống oxy đu mình xuống khoang tàu tối mịt. Mọi ánh mắt âu lo đổ dồn về lỗ thủng nơi anh Liêm vừa chui xuống. Vài phút sau, dây néo rung giật, anh Liêm ngoi lên lỗ thủng. Mặt tím tái do khí độc, anh Liêm vừa thở hổn hển vừa cho biết tìm được vị trí thi thể anh Thuận. Nghỉ lấy sức năm phút, anh Liêm cầm thêm một sợi dây rồi đu mình tiếp tục lặn xuống khoang tàu. Buộc chặt thi thể đồng nghiệp vào dây, anh Liêm ngoi lên, mệt lả.

Ngồi bên thi thể nạn nhân cuối cùng vừa đưa lên boong tàu, anh Phan Thanh Sự (39 tuổi, trú huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp - một trong bốn người may mắn thoát chết) mắt đỏ hoe nói: “Đời thợ lặn nay sống mai chết, không thể tin được mấy anh em mới í ới gọi nhau, giờ thì âm dương cách biệt...”. Anh Sự nói khi nghe kêu cứu thì anh và một số người ở trên boong nhảy xuống khoang cứu bạn. “Thấy anh em gặp nạn là phải giúp, chẳng đủ thời gian để nghĩ ngợi gì nhiều, số mình may mắn mới sống sót”- anh Sự tâm sự.

Đốt thêm nén nhang cho người bạn xấu số, anh Liêm thủ thỉ: “Đời người ngắn ngủi quá. Anh em mới cùng nhau chuyện trò trên chuyến xe ra Huế, ấp ủ biết bao dự định, vậy mà giờ phải chở bốn cái xác trở về...”.

SƠN LÂM - NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp