Những cột thạch nhũ trong Sơn Đoòng phải mất hàng triệu năm mới có được. Và đặc biệt, nó rất mong manh nên rất cần sự cẩn trọng của con người - Ảnh: Ryan Deboodt |
Còn bao nhiêu hang động trong Phong Nha chưa được khám phá? Đây thật sự là một ẩn số.
God Moron - tôi chào buổi sáng với Sebastian và Erik - hai thành viên của nhóm thực hiện dự án, mỗi người đều cầm một ly cà phê nóng hổi. Sau đó chúng tôi đi thu hoạch thành quả từ chiếc máy Gopro chụp cảnh hang Én với chế độ time-lapse.
Tôi cài đặt chế độ 30 giây chụp một tấm, và có được 270 tấm. Cho nó chạy trên chương trình thì được một đoạn phim thú vị, nhất là khi những tia nắng bắt đầu xuyên qua cửa hang chiếu sáng vách đá vôi, cho đến lúc nó thành một luồng ánh sáng mạnh mẽ rọi xuống mặt hồ nước xanh biếc như ngọc bích.
Ngậm ngùi...
Mời xem clip Bay trong tuyệt tác thiên nhiên - Sơn Đoòng Ryan Deboodt là một nhà nhiếp ảnh người Mỹ. Anh đã có ba năm gắn bó với Sơn Đoòng. Nhờ đó, những bức ảnh của anh chụp Sơn Đoòng có phần nổi trội hơn nhiều người khi nắm rõ thời tiết, mọi ngõ ngách ở đây. Trong chuyến đi cùng nhóm phóng viên Thụy Điển thực hiện dự án Son Doong 360 cho NatGeo, Ryan đã thử nghiệm quay hang Sơn Đoòng bằng flycam và kết quả thu được đẹp ngoài sức tưởng tượng. Ryan Deboodt đã có nhã ý gửi tặng bạn đọc Tuổi Trẻ clip này. Mời các bạn xem trên địa chỉ . |
Trong lúc ngồi nạp năng lượng là những tô mì nóng hổi với mấy lát thịt bò tái chuẩn bị cho một buổi sáng hứa hẹn vất vả, cả đoàn vừa chăm chú nhìn về miệng hang. Mây đang từ từ dạt ra, sương bay lên cao từ mặt đất, để lộ ra khung cảnh rừng xanh ngắt ngoài kia.
Trong quá trình hang Én được hình thành, miệng này là miệng chính để nước chảy vào. Qua một thời gian dài tính bằng đơn vị triệu năm, với sự biến đổi của địa chất, miệng trên không còn là miệng chính cho nước chảy vào nữa.
Chỉ những trường hợp ngoại lệ vào những năm lụt cực lớn, nước vẫn vào từ trên đấy. Nghĩa là vào những năm ấy, nước dâng cao hơn 10m! Để quan sát sự thay đổi của mực nước trong hang những tháng lũ lụt, Howard đã đặt hai camera ở trên ngọn đồi đá cao trong hang.
Hiểu được quá trình lũ lụt, bào mòn là vô cùng quan trọng để hiểu được hang, từ đó mới biết cách để bảo tồn, Howard nói với tôi như vậy.
Ăn sáng xong, Martin cùng Alfred leo lên trên đỉnh một đồi đá gần miệng hang để thực hiện bức ảnh 360 đầu tiên trong ngày.
Tuy không thấy bóng chim, nhưng ai cũng nghe tiếng chim én ríu rít ồn vang phát ra từ những hốc đá tối. Howard kể vẫn hay có người vào hang, leo theo vách đá hẹp, thẳng đứng bên thành hang tới đỉnh của vòm hang để bắt chim én.
Chúng tôi nhìn lên “con đường” Howard chỉ, và rợn mình nghĩ nếu ngã xuống từ đấy thì chỉ có thể “xong phim” mà thôi. Hóa ra cái điều tồi tệ ấy lại từng xảy ra. Howard bảo rằng cách đây vài năm, đã có hai người ngã từ trên vòm hang xuống khi đi bắt chim én để mưu sinh và họ chết ngay lập tức.
Nghe câu chuyện buồn này, cả đoàn ai cũng ngậm ngùi khi nghĩ về cuộc sống cheo leo của người nông dân nghèo ở đất Phong Nha này...
Sau khi tấm ảnh 360 thực hiện xong, chúng tôi rời hang Én, trả lại sự tĩnh lặng vốn có của nó cho rừng núi. Không còn tiếng máy phát điện, không còn tiếng cười nói huyên náo, tất cả đều yên lặng, chỉ còn tiếng chim ríu rít và tiếng nước chảy róc rách.
Đoạn đường từ hang Én đến Sơn Đoòng dọc theo con sông Rào Thương. Chỉ mới mang giày vào ban sáng nhưng chân ai cũng mau chóng ướt lại, bởi liên tục là những đoạn lội sông, có nơi cao đến ngang thắt lưng.
Vào mùa mưa, dòng sông trở nên nguy hiểm và đó cũng là thời gian ngưng tổ chức “tour đẳng cấp nhất thế giới” (nhận xét này là của tạp chí NatGeo đã từng đăng), và đó cũng là thời gian để hang động nghỉ dưỡng!
Vòng luẩn quẩn của con người
Kem đánh răng “made in Việt Nam” Thường những ai yêu thích du lịch kiểu khám phá thiên nhiên đều có ý thức rất cao trong việc bảo vệ môi trường. Trong năm năm đi học tại Úc, tôi cũng có nhiều chuyến đi rừng dài ngày và học theo ý thức của các bạn về chuyện này. Ví dụ, có chuyến đi cả chục ngày nhưng tuyệt đối không mang theo xà phòng, còn kem đánh răng là có loại chuyên dụng để... nuốt luôn vào bụng. Riêng chuyến đi này, chẳng tìm ra loại kem đánh răng ấy ở VN, nên tôi mang theo kem đánh răng truyền thống của người Việt thời xưa, đó là... muối! Dĩ nhiên, muối cũng không được nhổ ra mà nuốt luôn vào bụng. Có gì đâu, càng tốt thôi mà! Howard tỏ ra thiện cảm nhiều với tôi cũng là nhờ chuyện này. Hai vợ chồng Howard hết sức ý thức về chuyện bảo vệ môi trường. Với họ, dứt khoát không một mảnh rác nào được để lại trong rừng. |
Con đường từ hang Én đến Sơn Đoòng là một lối mòn len lỏi qua những bụi cây, tảng đá, tạo nên bởi đất và rễ cây chằng chịt. Đi được nửa đường, Howard gọi cả đoàn hướng nhìn về phía bên trái.
Phía bên kia dòng sông, ẩn đằng sau rừng cây, một miệng hang rất lớn hiện ra trên mặt núi. Đấy là hang Khe Ri - hang sông dài nhất thế giới với chiều dài lên đến 19km. Hang bắc qua biên giới Việt - Lào.
Nằm lấp ló gần bên cửa hang Khe Ri là một miệng hang khác. Ai cũng hỏi đấy là hang gì? Howard bảo rằng nó chưa có tên bởi vì nó chưa được khám phá.
Một câu hỏi tiếp từ Martin: “Còn bao nhiêu hang động trong Phong Nha chưa được khám phá?”. Howard trả lời: ”Đó thật sự là một ẩn số”.
Howard kể có lần một vị khách triệu phú đi tour Sơn Đoòng. Sau khi đã vào Sơn Đoòng, ông ấy vẫn chưa thỏa sự tò mò của mình và ước được đặt chân tới một hang động chưa có khách du lịch nào đặt chân đến. Do số lượng hang mới ở Phong Nha rất nhiều, điều ấy là không khó.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phải luôn có porter đi theo, và Howard cười nói “miễn là phải nhớ công của porter”. Vị khách ấy đồng ý. Vào hang động mới chỉ một chút rồi quay ra, vị khách thỏa mãn và rối rít cảm ơn, đồng thời chi ra 1.000 USD để bồi dưỡng cho anh em porter!
Nhân câu chuyện Sơn Đoòng còn ẩn chứa vô số hang động chưa được biết đến, tôi chợt có một ví von: Nếu Venezuela là vùng đất nổi tiếng thế giới về sản sinh ra các hoa hậu, thì Phong Nha là vùng đất “sản sinh” hang động trên thế giới.
Sở dĩ tôi có sự liên tưởng này là vì trước đây, khi theo dõi trên các phương tiện truyền thông về cuộc tranh luận nên hay không nên làm cáp treo vào Sơn Đoòng, có người ủng hộ đã nói thế này: Sơn Đoòng như một cô gái đẹp ở trong hẻm sâu, khó tiếp cận. Vì vậy, cần có phương tiện để đưa mọi người đến chiêm ngưỡng cô gái đẹp ấy!
Tôi nêu câu chuyện này ra với Martin. Với tư cách là một người chuyên đi làm các dự án bảo vệ di sản thiên nhiên, văn hóa nên đương nhiên là anh không tán thành với cách nhìn vấn đề của người ủng hộ cáp treo.
Anh cho rằng đâu phải ai cũng đến gần để ngắm, tiếp xúc được với hoa hậu Venezuela! Và Sơn Đoòng cũng vậy. Tôi học được ở Martin cách nhìn nhận một vấn đề luôn đa chiều, luôn nghi vấn của một nhà báo nhà nghề. Đó là câu chuyện làm hay không làm cáp treo giống như vấn đề hạn chế khí thải. Những quốc gia đã phát triển thì luôn tìm cách hạn chế, và họ đã thấy được sự tác hại của việc xả khí thải tràn lan. Còn các quốc gia nghèo thì mục tiêu tối thượng là phát triển kinh tế.
Và một cái vòng luẩn quẩn của con người trong việc đối xử với thiên nhiên: khi còn nghèo thì tìm mọi cách làm giàu; khi giàu rồi thì ngồi khóc thương vì mất đi những thứ mà dù có giàu đến bao nhiêu đi nữa cũng không thể tìm lại được...
Cuộc trò chuyện với Martin về chủ đề này tạm chấm dứt vì thời gian cho buổi ăn trưa đã hết. Chúng tôi xốc balô lên đường cho kịp theo kế hoạch: chiều 26-1 vào hang Sơn Đoòng.
_________
“Coi chừng khủng long”, “Bức tường Việt Nam”... là những cái tên độc đáo trong hang Sơn Đoòng khiến nhóm của Martin hết sức rạo rực.
Kỳ tới: Những cái tên độc đáo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận