Sân đá bóng mini cho người hâm mộ giải trí chờ xem bóng đá tại fan-zone ở thủ đô Paris ngập tràn màu sắc quảng cáo - Ảnh: VÕ TRUNG DUNG |
Khi nhượng bộ UEFA đến mức đó, phải chăng các nước lớn đang tự đưa ngón tay mình vào vòng răng bánh xe nguy hiểm? |
Damien Lempereur (luật sư Pháp nhận định) |
Ở giải đang tổ chức tại Pháp lúc này cũng thế. Nước Pháp hay các nhà kinh doanh của Pháp có thể đang còn run rẩy nhìn theo diễn biến thực tế để tính toán doanh thu cho mình chứ còn UEFA đã chắc mẩm bỏ túi khoảng 1 tỉ euro.
Thu tiền tỉ còn được miễn thuế
Thậm chí theo giới truyền thông của Pháp, lần này UEFA sẽ đạt lợi nhuận cao nhất trong các kỳ tổ chức của mình. Ban điều hành của bóng đá châu Âu sẽ thu về khoảng 2 tỉ euro, tức cao hơn 40% so với kỳ Euro 2012 đồng tổ chức ở Ba Lan và Ukraine.
Dĩ nhiên UEFA (một tổ chức phi lợi nhuận có tài sản được cho là lên đến 3 tỉ euro) luôn khẳng định nguồn tài chính có lãi từ các hoạt động tổ chức sự kiện sẽ dùng phát triển bóng đá châu lục, bóng đá nữ...
Doanh thu cao kỳ này trước hết là nhờ UEFA đã gây được áp lực để thay đổi điều lệ, nâng số đội tham dự từ 16 lên 24 đội (dù cho đến nay, chỉ qua vài trận, đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng một số đội tuyển chất lượng quá làng nhàng, không đáng để dự ở sân chơi cấp châu lục châu Âu như thế này).
Khi số đội bóng nhiều hơn thì số trận phát trên truyền hình nhiều hơn và như thế tiền bản quyền thu về cũng đương nhiên nhiều hơn. Ở giải năm nay, UEFA dự kiến sẽ thu hơn 1 tỉ euro từ giới truyền thông khắp thế giới (hồi năm 2012 con số này đạt 837 triệu euro).
Khoản tiền lớn kế tiếp đến từ các nhà tài trợ: 400 triệu euro. Cũng chính vì thế nhiều chuyên gia đánh giá rằng lần này UEFA đã ra nhiều “quyết sách” rất có lợi cho các nhà tài trợ chính thức.
Tiền thu từ bán vé cho người hâm mộ (UEFA cũng có khoảng không nhỏ số vé để mời các đối tác của mình) và tiền từ các chương trình khác có liên quan sẽ đem về tổng cộng khoảng 500 triệu euro nữa.
Có thu thì có chi. Nhưng tính ra UEFA chỉ mất khoảng 500 triệu euro cho thù lao nhân sự phục vụ giải, cho các chương trình quảng bá trên truyền thông, phí thuê sân vận động (SVĐ) và sân bãi tổ chức các khu fan-zone cho người hâm mộ.
Ngoài ra trong số tiền thu được, nhà tổ chức UEFA còn phải chi ra khoảng 200-300 triệu euro cho các đội tham dự dưới dạng thưởng sau mỗi trận đấu.
Có thể tính thêm những phần mà UEFA phải móc hầu bao ra chi trả như phí an ninh tư nhân bảo vệ SVĐ và sân bãi fan-zone, tiền hỗ trợ cho 10 thành phố tổ chức các trận đấu (khoảng 20 triệu euro) hoặc tiền ủng hộ cho các liên đoàn bóng đá các nước (khoảng 100 triệu euro sau kỳ Euro 2012) thì con số tổng cộng chắc cũng không quá 900 triệu euro kỳ này (hồi năm 2012 là 800 triệu euro).
Do vậy UEFA hoàn toàn có thể bỏ túi khoảng 1 tỉ euro chưa thuế (hồi năm 2012 là khoảng dưới 600 triệu euro). Nói chưa thuế đã đúng mà nói không thuế thì càng đúng vì hồi năm 2014, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu cho một điều khoản cho phép miễn thuế đối với thu nhập của công ty tổ chức Euro 2016 SAS.
Đây là công ty thành lập tại Paris vào tháng 1-2011 nhằm tiến hành quá trình tổ chức giải Euro 2016. Công ty này có vốn của UEFA đến 95% và phần ít ỏi còn lại thuộc Liên đoàn Bóng đá Pháp FFF. Với tỉ lệ áp đảo như thế mà dành quá nhiều ưu đãi cho đối tác thì chẳng trách chi bị chỉ trích.
Áp đặt luật chơi “cha thiên hạ”
Chuyện miễn thuế cho UEFA giờ đây đang được truyền thông Pháp nêu lại vì giới kinh doanh nói chung của Pháp đang è cổ gánh các loại thuế mùa này trong khi người dân cũng chẳng sung sướng gì khi mấy năm qua bị chính phủ kêu gọi sống thắt lưng buộc bụng.
Vì thế, không ít người cho rằng quyết định nhún mình trước các yêu cầu của UEFA là quyết định mang tính lợi ích cá nhân của số nhỏ lãnh đạo chính trị hiện nay hơn là vì toàn dân (thông qua lợi ích kinh tế mang lại chung cho xã hội).
Truyền thông cũng đưa ra nhiều dẫn chứng rất xác thực. “Ông kẹ” UEFA đã bắt thóp được “lợi ích chính trị” của những người ra quyết định nên đã vận động áp đặt nhiều yêu sách khiến toàn dân méo mặt.
Chẳng hạn để có thể được chọn làm thành phố đăng cai giải đấu thì phải sửa sang SVĐ từ đáp ứng các yêu cầu về an ninh cho đến hệ thống chiếu sáng và ghế ngồi trong sân. Dàn ánh sáng phải đạt 2.000 lux để máy quay có thể đạt hiệu quả cao trong phát sóng dạng HD. Rồi thì phải có khu vực với 4.850 ghế VIP đẹp đẽ cho ban tổ chức.
Với những yêu cầu như trên, không ít thành phố buộc phải chi ngân sách để sửa chữa SVĐ. Cũng không ít thành phố ở Pháp như Nancy, Nantes, Rennes từ chối tham gia vì thấy quá tốn tiền dù rằng ban tổ chức có thuyết phục rằng sửa sang sân đẹp thì sân sau đó cũng ở lại với thành phố!
Thật ra trong một thăm dò của TNS Sofres hồi tháng 6-2011 thì đến 57% dân số Nancy cho rằng bỏ tiền mở rộng SVĐ để đáp ứng yêu cầu của Euro 2016 SAS là “vô ích”!
Trong khi đó, để đảm bảo quyền lợi cho các đối tác đã nộp tiền tài trợ cho mình, UEFA đã áp đặt nhiều điều kiện khá ngặt nghèo như các SVĐ tham gia giải đấu phải tự đàm phán “hô biến” các biển quảng cáo của những đối tác riêng của mình trong một tháng có Euro, phải che đi từ sân ra đến ngoài, thậm chí ở khu vực quanh SVĐ!
Với những thương hiệu lớn đang cạnh tranh nhau thì yêu cầu càng gắt gao hơn. Chẳng hạn thương hiệu nhà hàng thức ăn nhanh Subway ở khu vực quanh SVĐ tại Lille bị buộc che chắn hết để ống kính máy quay không thể nhìn thấy mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà tài trợ McDonald’s hoặc như không được phép bán Pepsi ở quanh SVĐ vì Coca-Cola là nhà tài trợ lớn của UEFA.
Hài hước hơn như SVĐ ở Nice có tên chính thức là Allianz Riviera từ tháng 7-2012 vì nhận tiền tài trợ từ Tập đoàn bảo hiểm Đức Allianz giờ đây bị buộc gọi “trung tính” là SVĐ Stade de Nice trong giai đoạn một tháng Euro!
Thậm chí chính quyền địa phương nào muốn dựng màn hình lớn truyền hình trực tiếp cho công chúng hay sử dụng thương hiệu Euro 2016 thì cũng phải buộc trả tiền cho Công ty Euro 2016 SAS dù đó có là việc công.
Nhưng phí dọn dẹp thành phố (khi CĐV đổ đến ăn uống, quậy phá, xả rác...) hay phí điều phối giao thông cho giải chạy suôn sẻ thì ban tổ chức lại quên tính cho địa phương!
UEFA nhớ kỹ đến từng chi tiết nhưng cũng biết quên rất nhiều...
Trung tâm luật và kinh tế thể thao (CDES) tính toán rằng “tổng doanh thu kinh tế” của Euro 2016 vào khoảng 2,8 tỉ euro bao gồm 842 triệu thu được từ tiền tiêu xài trong các SVĐ, 352 triệu ở các khu fan-zone, 835 triệu chi tiêu cho hoạt động tổ chức và 775 triệu đầu tư trực tiếp vào 10 SVĐ tổ chức giải đấu lần này. Tổng số tiền thu về từ nguồn không phải của Pháp (đầu tư của UEFA, tiền túi của du khách) vào khoảng 1,22 tỉ euro.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận