Thừa chất đạm sinh đủ thứ bệnh
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết thịt, cá (protein - chất đạm) là nhóm chất dinh dưỡng quan trọng không thể thiếu cho sự phát triển của cơ thể.
Nhưng hiện nay chúng ta đang có nguy cơ ăn dư thừa protein. Khi dùng quá ngưỡng thì dù protein dạng nào cũng đều gây bất lợi cho cơ thể, đặc biệt là đạm động vật.
Khi ăn nhiều đạm động vật trong cơ thể diễn ra một quá trình tiêu hóa, dễ xuất hiện những sản phẩm cuối cùng của nitơ, urê, axit uric. Những chất này làm tăng axit uric trong máu, khiến độ pH tăng lên. Lúc này cơ thể phải huy động canxi từ xương để tạo thành phosphat canxi, nó có tác dụng kiềm hóa và duy trì độ pH ở mức ổn định.
Canxi bị lấy từ xương ra nhiều nên sẽ gây xốp xương, loãng xương. Đồng thời khi canxi được lấy để cân bằng độ toan kiềm trong máu thì chúng sẽ được đào thải qua thận, quá trình đó diễn ra lâu dài dẫn tới việc lắng đọng canxi ở thận.
Với người có chức năng thận kém, khả năng đào thải canxi càng kém dễ bị lắng đọng gây sỏi thận. Việc ăn nhiều đạm cũng làm axit uric tăng, gây lắng đọng ở các khớp gây bệnh gút. Nó cũng có khả năng lắng đọng ở dây thần kinh gây đau dây thần kinh.
Đặc biệt thịt động vật ít chất xơ nên đào thải ra ngoài chậm và không hoàn toàn. Những chất này lưu lại ở đường ruột sẽ sản sinh những chất cuối là nitơ, axit uric, urê, chúng là những tác nhân gây ra ung thư đường ruột.
Thịt không chỉ có chất đạm mà còn có nhiều chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Cùng quan điểm này, ThS Trần Anh Tuấn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, cho biết protein cần thiết cho sự tạo cơ và các enzym. Con người chỉ có thể tạo protein cho cơ thể từ protein được cung cấp bởi thức ăn, chứ cơ thể không có khả năng tự tạo protein.
Vì vậy thịt rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là trẻ em. Nhưng không vì vậy mà ăn quá nhiều thịt vì thịt có các đặc tính: làm giảm lượng canxi trong xương, axit hóa huyết tương, độc (do purin) cho hệ tim mạch, gan và thận, tăng cholesterol huyết…
Khẩu phần ăn cần được thiết kế cân bằng và đa dạng, thịt (cần ăn cả tôm cá), rau và trái cây kèm theo.
Dùng nhiều thịt sản sinh nhiều chất cặn bã (urê, axit uric). Do đó protein là một thực phẩm nên dùng hạn chế, nhất là đối với phụ nữ mang thai, người bị bệnh tim, cao huyết áp, gút, hay người có vấn đề ở thận.
Ngoài ra trong protein còn có purin độc hại cho tim mạch, gan, thận. Thịt ngựa, lòng (phủ tạng súc vật), thịt rừng rất giàu purin. Thịt thường có mỡ, nhất là chất béo bão hòa. Thịt giàu cholesterol nên tạo nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Mất cân bằng kiềm và axit gây hỏng xương, thận...
Thức ăn của chúng ta đưa vào cơ thể gồm hai loại chính là kiềm và axit. Thực phẩm tạo axit không phải là những thực phẩm có vị chua như chúng ta nghĩ mà là các thực phẩm giàu protein động vật như thịt, cá, pho mát và ngũ cốc. Thực phẩm tạo kiềm bao gồm trái cây và rau, có thể có vị chua như chanh, khế, me.
Để khỏe mạnh, chế độ ăn uống chúng ta cần đảm bảo cân bằng axit - kiềm. Việc mất cân bằng axit và kiềm sẽ kéo theo thừa axit hoặc thừa kiềm dẫn tới việc hấp thu bị đảo lộn gây nhiều bệnh cho cơ thể.
Đặc biệt thường xuyên ăn nhiều thịt cá nhưng ít rau sẽ khiến việc thừa axit trở thành mạn tính hoặc tăng thêm mãi, cơ thể không còn khả năng trung hòa sẽ dẫn tới hậu quả tai hại, sinh nhiều bệnh: cơ thể mệt mỏi, thiếu tập trung, các bệnh đường ruột, sâu răng, táo bón, đau đầu, gân cốt rã rời…
Theo bác sĩ Lê Thị Hải - nguyên giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, có nhiều trẻ bị còi xương do cha mẹ bồi bổ quá nhiều chất đạm.
Nguyên nhân là do ăn quá nhiều chất đạm có thể xuất hiện tình trạng toan chuyển hóa, dẫn đến tăng đào thải canxi ra nước tiểu. Hậu quả là trẻ vẫn bị còi xương cho dù lượng canxi đưa vào cơ thể và được hấp thu vẫn ở mức bình thường.
Phân tích về tình trạng ăn nhiều thịt cá gây loãng xương, còi xương…, các chuyên gia cho biết xương là nơi dự trữ các chất có tính kiềm (canxi, magiê, natri…).
Do đó ăn nhiều thịt cá tức là gia tăng tính axit liên tục, xương sẽ giải phóng các nguyên tố canxi và magiê, dần dần xương sẽ mất chất khoáng, nhất là trường hợp tăng tính axit cao và dài hạn sẽ dẫn đến loãng xương với rối loạn trong cấu trúc mô xương.
Thừa axit cũng làm giảm khối cơ vì để trung hòa lượng axit thừa, thận rút axit amin thừa của cơ, vì vậy lâu dài cơ sẽ giảm. Hơn nữa, tăng tính axit còn tạo nguy cơ bị sỏi tiết niệu, liên quan đến sự loại trừ canxi qua thận, tạo nguy cơ cơn đau sỏi thận.
Để có một bộ xương chắc khỏe cần chú ý đến sự phối hợp giữa kiềm và axit trong bữa ăn hằng ngày.
Để giảm axit, không nên ăn quá nhiều thịt, cá, trứng, các đồ ngọt hay uống rượu bia và để tăng tính kiềm nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đồ biển, đậu nành… và uống nhiều sữa. Thành phần bữa ăn tốt nhất gồm: 70% thức ăn tạo kiềm (rau, trái cây), 30% tạo axit (thịt cá)…
Khỏe mạnh = cân bằng đạm động vật và thực vật
Theo các bác sĩ, không thể không ăn thịt, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Lượng protein cần thiết cho cơ thể thay đổi tùy thuộc vào tuổi tác và hoạt động cơ thể. Nhu cầu protein cao ở trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú.
Ở một số tình trạng sinh lý bình thường, nhu cầu về thịt mỗi ngày là: Trẻ em 10g/mỗi năm tuổi; phụ nữ mang thai cho con bú 100 - 150g; người trưởng thành 100g và người cao tuổi 60 - 100g. Nên đưa cá vào thực đơn 2 - 3 lần trong tuần, giảm thịt mỡ.
Muốn tăng cường đạm vào chế độ ăn, giảm thiểu các tác hại trên thì nên lựa chọn đạm thực vật. Trước đây tỉ lệ bổ sung đạm động vật và thực vật cho người trưởng thành là 50/50 nhưng hiện nay khoa học dinh dưỡng phát triển, người ta cho rằng đạm động vật gây nhiều bất lợi nên tỉ lệ thích hợp là 30/70.
Để đánh giá lượng protein đã hợp lý chưa thì cần phải xem tỉ lệ của chúng với các nhóm chất khác (tinh bột, chất béo) hợp trong chế độ ăn. Theo đó tỉ lệ các nhóm chất nên là 12 - 15% chất đạm, 20 - 25% chất béo, 60 - 70% chất bột đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận