Phở Dậu tại quận 3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dân Quảng, mỗi khi tranh cãi chuyện ăn mì Quảng tiệm nào ngon thì không ai chịu ai. Đến cái tiệm ngon nhất rồi, đúng điệu Quảng nhất rồi, cũng không chịu thua vì "không ngon bằng bà nội tao nấu". Mà bà nội thì khuất núi thời nào rồi, hay tô mì đó nấu bao năm rồi, chả ai biết được để cãi tiếp.
Vậy còn phở? Cũng đã có những trận tranh cãi long trời lở đất, từ nguồn gốc, từ quán ngon, từ "đúng điệu".
Người sành phở ăn phở có cách nhìn khác người thi thoảng ăn. Người miền Nam ăn phở theo cách riêng, khác với dân bắc. Lại có người cảm thấy khó chịu vì phở, và khó chịu khi nghe nói chuyện phở.
Quả thực, câu hỏi phở ở đâu ngon? Quán ngon nào gần nhà? Quán nào tụ tập cuối tuần? Quán nào ăn được... khó tìm được câu trả lời đồng thuận.
Có những quán phải xếp hàng, nhẫn nại tự bưng tô phở ra bàn, tự mình phục vụ, "kiểu như thời bao cấp". Có những quán bước vào thì nhân viên rạp đầu chào, mời ngồi, gọi xong nhân viên phục vụ bưng tới kiểu khách hàng là thượng đế.
Ở Sài Gòn, các quán phở có thương hiệu cũng không ít. Nào phở Dậu, phở Dũng, phở Tàu Bay, phở Phú Gia, phở Phú Vương. Nào phở Lệ, phở Bình, phở Cao Vân, phở Thìn, phở Quyền…
Thực khách thưởng thức phở Dậu tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Rồi những chuỗi phở 24, phở 2000, phở Hai Thiền, phở 5 sao… Các khách sạn, nhà hàng sang trọng cũng bán phở. Những quán cà phê cao cấp cũng bán điểm tâm là món phở, có đầu bếp thượng thặng, có sao Michelin hẳn hoi…
Giá cả thì vài ba chục ngàn đồng cũng có, cao cấp hơn thì độ dăm bảy mươi ngàn đồng một tô. Cao nữa thì tô "Phở Chọc trời" giá 920.000 đồng trên khách sạn cao tầng của tòa nhà Land Mark 81. Đắt nhất có lẽ là tô phở 100 USD, hơn 2,2 triệu đồng, tại nhà hàng Ăn Ăn ở đường Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP.HCM.
Giá cả đã khác, khẩu vị cũng khác, vì ăn phở tùy gu từng người. Chẳng hạn, không ít người Sài Gòn chỉ ăn những phở Lệ, phở Hiền, vì đó là khẩu vị của người miền Nam, và "cực ghét phở Bắc" vì hành nhiều mà rau chẳng có.
Những người khác thì không ăn thì thôi, đã ăn thì phải đến phở Dậu, phở Thìn, phở Dũng, vì đó là các tiệm phở Bắc chính hiệu.
Có không ít người sành phở kịch liệt phản đối sự sạch sẽ và sang trọng của phở. Quán phở phải xập xệ tí, trong hẻm càng tốt, ghế súp, mùi rất phở, chén bát muỗng đũa phái "trơn trơn mỡ bò". Hành nhiều, tương ớt đúng điệu "gia truyền".
Phở Phú Gia tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Với họ, phở không hợp trong nhà hàng, máy lạnh. Phở, giống như ngươi vậy, phải có tính cách riêng, và không gian phải là kiểu của phở như thế… vì phở là của mọi người, không là đặc ân của riêng ai.
Nhưng không ít người phản đối. Gì thì gì, phở cũng là món ăn, cũng phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chứ. Trời nóng nực, ngồi ăn phở không có máy lạnh sao mà chịu được, lại còn bị cái bụi đường nữa chứ...
Một doanh nhân ở Sa Đéc, Đồng Tháp, quả quyết: Phở ngon nhất là ở một khách sạn gần sân bay Đà Nẵng, và vị này ăn một lúc hai tô (vẫn còn thèm), và quyết định cả ngày hôm đó, ba bữa, chỉ ăn mỗi phở.
Tiệm phở nào ngon? Đấy là một câu hỏi mà báo Tuổi Trẻ đặt ra trong chương trình Ngày của Phở năm nay cho cuộc bình chọn .
Chỉ cần đó là quán phở bạn thích, bạn có thể đề cử quán phở đó, thêm vài dòng cảm nhận về thương hiệu phở này, và gửi đến báo Tuổi Trẻ .
Ban Tổ chức sẽ cùng các thành viên của hội đồng cố vấn sẽ đánh giá và chọn lựa ra 30 thương hiệu phở để tham gia vòng bình chọn trên báo.
Bạn đọc sẽ nhận được một phần quà tặng nếu như thương hiệu phở mình bình chọn lọt vào tốp 30 này.
Thời gian đề cử từ nay đến hết ngày 20-10. Thời gian bình chọn sẽ từ 31-10 đến 31-11.
Xin mời quý độc giả cùng tranh luận và bình chọn. Bạn đọc có thể gửi các bài viết về phở đến email [email protected] . Các bài đăng sẽ được trả nhuận bút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận