09/05/2012 08:18 GMT+7

An ninh Trung - Mỹ: sóng ngầm sau tuyên bố hợp tác

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Trong cuộc gặp tại Washington ngày 7-5, hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã cam kết sẽ hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và lập diễn đàn đối thoại an ninh để tránh xung đột.

Đằng sau đó, hai nước đang chuẩn bị gì?

4YFaWd2s.jpgPhóng to
Tàu sân bay Mỹ USS John C.Stennis hoạt động trên Thái Bình Dương - Ảnh: Navy.mil

Báo Washington Post cho biết Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã thảo luận rất nhiều vấn đề, từ an ninh mạng, vấn đề Triều Tiên cho đến tranh chấp lãnh hải trên biển Đông, kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ, chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc...

Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, ông Panetta và ông Lương Quang Liệt tuyên bố hải quân hai nước sẽ tập trận chung chống cướp biển ở vịnh Aden trong năm nay. Washington và Bắc Kinh cũng sẽ hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.

Thời gian qua, Mỹ cáo buộc tin tặc Trung Quốc đã nhiều lần tấn công hệ thống mạng của Mỹ. Ông Lương Quang Liệt đã bác bỏ cáo buộc này bằng việc hai bên cam kết cùng hợp tác để chống lại những mối đe dọa trên mạng.

Ông Lương Quang Liệt là bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đầu tiên đến Washington trong chín năm qua. Chuyến thăm diễn ra trong thời điểm quan hệ Mỹ - Trung đầy căng thẳng do vụ luật sư khiếm thị Trần Quang Thành trốn vào Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, việc Mỹ tập trận với Philippines trên biển Đông trong thời điểm Bắc Kinh và Manila tranh chấp lãnh hải cũng như những động thái lấn tới gần đây của Trung Quốc trên biển Đông để khẳng định chủ quyền.

Mâu thuẫn lợi ích

Quan hệ Mỹ và Trung Quốc từng lúc có những trục trặc, như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng sâu xa hơn là mâu thuẫn lợi ích ở châu Á - Thái Bình Dương.

Reuters dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ Washington đang rất lo ngại với việc Bắc Kinh phát triển tên lửa chống tàu, tàu ngầm, công nghệ vệ tinh... có khả năng ngăn chặn hải quân Mỹ tiếp cận các vùng biển ở Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông.

“Chúng tôi muốn hiểu rõ hơn tại sao Trung Quốc đầu tư mạnh vào chương trình hiện đại hóa quốc phòng khi mà châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực hòa bình” - một quan chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh.

Vài ngày trước chuyến thăm Mỹ của ông Lương Quang Liệt, Tổ chức nghiên cứu Project 2049, trụ sở tại Washington, đưa ra báo cáo khẳng định chương trình quân sự không gian của Trung Quốc “có thể cản trở sự tự do hoạt động của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Báo cáo gửi đến Ủy ban Giám sát quan hệ kinh tế và an ninh Mỹ - Trung khẳng định các vệ tinh quân sự của Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh đe dọa hàng loạt mục tiêu ở Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông, ví dụ như tàu sân bay của Mỹ.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh lại lo ngại về chiến lược hướng về châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Obama, đặc biệt sau khi Washington tuyên bố đưa quân đến Úc và thắt chặt hợp tác an ninh với Philippines.

Theo mạng tin Stratfor, Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề quân sự chủ chốt. Trung Quốc đang phụ thuộc vào các đại dương để tồn tại. Hình dạng biển Đông và biển Hoa Đông khiến Trung Quốc khá dễ bị phong tỏa.

Biển Hoa Đông khép kín trên một tuyến đường từ Hàn Quốc sang Nhật Bản và Đài Loan, với một chuỗi đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Biển Đông còn khép kín hơn với một tuyến đường từ Đài Loan tới Philippines và từ Indonesia tới Singapore. Quan ngại lớn nhất của Bắc Kinh là Mỹ có thể phong tỏa Trung Quốc.

Ngăn chặn tiếp cận

Tạp chí Mỹ Wired đưa tin hồi tháng 4 quân đội Mỹ đã âm thầm thực hiện một cuộc tập trận mang tên “Chiến dịch Chimichanga” ở Alaska. Trong cuộc diễn tập, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor và F-16 đã mở đường cho máy bay ném bom B-1 phá vỡ hệ thống phòng không của kẻ thù. Wired khẳng định mục tiêu của cuộc tập trận chính là để chống lại hệ thống ngăn chặn của Trung Quốc.

Báo mạng Asia Times cho biết kể từ sau khi cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton điều hai tàu sân bay USS Independence và USS Nimitz đến eo biển Đài Loan để ngăn Trung Quốc đe dọa Đài Loan giữa thập niên 1990, quân đội Trung Quốc đã phát triển chiến lược “ngăn chặn tiếp cận” (anti-access/area denial - A2/AD). Vũ khí mà quân đội Trung Quốc sử dụng là tên lửa Đông Phong 21D có khả năng phá hủy tàu sân bay, được sự hỗ trợ của hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu và tàu ngầm.

Giới chuyên gia quân sự châu Á nhận định với hệ thống này, Trung Quốc có thể ngăn chặn hải quân Mỹ tiếp cận eo biển Đài Loan và biển Đông. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc tập trận ở Chimichanga cho thấy lực lượng Mỹ đã có sự chuẩn bị cần thiết để đối phó với hệ thống A2/AD của Trung Quốc.

Chuyên gia an ninh Oliver Braeuner thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm nhấn mạnh không có chuyện các khu vực nằm trong tầm hoạt động của hệ thống A2/AD là “bất khả xâm nhập”.

Chuyên gia Steve Tsang thuộc Viện Chính sách về Trung Quốc của Đại học Nottingham bình luận Mỹ có đủ hệ thống khí tài và chiến lược để đối phó với A2/AD, kể cả nếu khi tàu chiến Mỹ bị tên lửa Trung Quốc gây tổn hại.

Chuyên gia John Pike, giám đốc Tổ chức nghiên cứu GlobalSecurity.org, cho biết các tàu Mỹ được trang bị hệ thống súng CIWS Goalkeeper chống lại tên lửa cực kỳ hiệu quả. Giáo sư James Holmes thuộc Đại học Chiến sự hải quân Mỹ đánh giá hoạt động trong các khu vực bị Trung Quốc ngăn chặn “không phải là những cuộc tấn công tự sát” đối với lực lượng Mỹ.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp