17/10/2016 11:10 GMT+7

"An ninh tài chính quốc gia có đảm bảo không?"

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đó là câu hỏi nghiêm túc được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17-10 trước đề xuất nâng tỷ lệ nợ Chính phủ từ 50% lên 55% GDP.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Ảnh: Cổng TTQH
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Ảnh: Cổng TTQH

Trước thềm kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (khai mạc ngày 20-10 tới), sáng nay Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng loạt báo cáo quan trọng: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017;

Kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Không ai dám chắc điều gì

Theo ông Hiển, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn cho phép vào cuối năm 2015 (đã ở mức 50,3% GDP). Chính phủ đề nghị nâng mức trần lên 55% GDP (cho giai đoạn 2016-2020), trong khi Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị kiểm soát ở mức 53%.

“Tôi thấy không có đề nghị nới trần nợ công (65% GDP), nhưng lại dự báo rằng nếu GDP không đạt, thì nợ công có thể tiến đến mức 70% GDP. Như vậy có đảm bảo an ninh tài chính quốc gia không?” - ông Hiển nói.  

Phó chủ tịch Quốc hội cho biết VN dự kiến dành 27% dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm để trả nợ, trong khi trên thế giới nếu dành 30% là báo động đỏ rồi.

Cũng đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận GDP không đạt kế hoạch (nhiệm kỳ trước cũng vậy), nên thu ngân sách giai đoạn tới cũng chỉ là dự báo, không chắc chắn.

“Vì vậy, việc chi đầu tư xây dựng cơ bản phải rất chặt chẽ, nếu không 5 năm tới nợ đọng còn lớn hơn bây giờ. Nếu không làm chắc chắn thì 5 năm nữa nhìn lại thì chúng ta sẽ thấy bức tranh vô cùng khó khăn. Cá nhân tôi cũng đã phát biểu trước Chính phủ về vấn đề này” - ông Dũng cho biết.

Người đứng đầu ngành tài chính nói thêm: “Hôm nay ngồi ở đây không ai dám chắc số liệu của 5 năm tới, kể cả GDP. Một năm còn chưa chắc chắn nữa là, ngay cả năm nay chỉ còn 2 tháng nữa nhưng chúng ta cũng không chắc chắn”.

“Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo đầy đủ tình hình nợ công để có những giải pháp điều hành, cân đối ngân sách nhà nước chủ động và kịp thời. Trường hợp ngân sách nhà nước hụt thu, đề nghị giảm nhiệm vụ chi tương ứng để giảm bội chi, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép” - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải nói.

Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 của Ủy ban Tài chính - ngân sách dẫn số liệu: Chính phủ báo cáo số ước bội chi NSNN năm 2016 là 254.000 tỉ đồng, bằng số Quốc hội quyết định. 

Với mức bội chi này, dư nợ công là 64,98% GDP, đã sát ngưỡng 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP.

Thâm hụt thương mại với Trung Quốc gần 19 tỉ USD

Cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đều khẳng định tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) không đạt kế hoạch.

Ủy ban Kinh tế cho rằng sự sụt giảm tăng trưởng trong nông nghiệp cho thấy những bất cập của một nền nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả thấp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.

Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng 6-7% thấp hơn chỉ tiêu theo kế hoạch (tăng khoảng 10%). Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chững lại về tốc độ, đặc biệt xuất khẩu vào khu vực Asean (giảm 10%) và thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng (8 tháng là 18,8 tỉ USD).

“Hệ thống doanh nghiệp là động lực phát triển nhưng cả khu vực nhà nước và tư nhân đều yếu về thực lực và tính cạnh tranh, số doanh nghiệp đăng ký nhiều nhưng số đang hoạt động chỉ chiếm khoản 57% so với số đăng ký” - báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.  

Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng kết quả ước thực hiện GDP năm 2016 tăng 6,3 - 6,5% cũng chỉ là kỳ vọng, khó đạt được.

Lý do, dự báo những yếu tố tác động để GDP quý IV tăng cao là dư địa chính sách tài khóa (phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch), nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, thu hút FDI tăng… thì hầu hết chưa chắc chắn và chưa được định lượng cụ thể.

“Muốn tăng trưởng 6,3-6,5% trong năm 2016 thì quý IV này phải tăng 7,7% có đạt được không ?” - ông Hiển hoài nghi.

Vẫn theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, một số ý kiến khi thẩm tra đã cho rằng trong khi hai chỉ tiêu rất quan trọng là tăng trưởng và tốc độ xuất khẩu không đạt, GDP tuyệt đối giảm đến 500.000 tỉ đồng nhưng không ảnh hưởng đến thu ngân sách, 11 chỉ tiêu khác vẫn đạt và vượt kế hoạch là không hợp lý.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp