Họ đã bắt đầu đi dọn rác trên kênh từ tháng 12-2022. Họ đã dọn được hơn 2.000 tấn rác từ 150 dòng kênh ở nhiều tỉnh thành.

Nhưng "Một nhóm Sài Gòn Xanh dọn không hết rác, 1.000 nhóm dọn cũng không hết rác, chỉ khi mỗi người không xả rác thì mới hết rác" - lời của nhóm Sài Gòn Xanh.

Sáng sớm, Nguyễn Vũ Hùng - sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chạy xe từ TP Thủ Đức đến gửi gần cầu Rạch Lăng (quận Bình Thạnh) để tham gia vớt rác với các bạn mình trong nhóm Sài Gòn Xanh.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 1.

Phần lớn các tình nguyện viên của nhóm Sài Gòn Xanh là sinh viên, thanh niên. Ảnh: YẾN TRINH

Mặc đồ bảo hộ (gồm áo phao, quần yếm, ủng, ba loại găng tay), Hùng lội xuống dòng kênh bùn sình đen kịt, gỡ từng giề lục bình ra khỏi phao chắn rác rồi chuyển lên bờ.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 2.

Xung quanh Hùng, hơn 20 thanh niên khác trong nhóm vớt từng bọc rác, chai nhựa, bao ni lông, áo quần cũ và vô số loại rác khác từ dòng nước đen ngòm, chuyền nhau đưa lên bờ.

Chỉ non buổi sáng, 80 thanh niên gom được một đống rác to dưới chân cầu Rạch Lăng. Người đi qua tò mò nhìn họ.

Hùng không nhớ đây là lần thứ mấy anh tham hoạt động của nhóm nhưng với Nguyễn Dũng, một nhân viên kinh doanh 27 tuổi, đây là lần đầu anh tham gia vớt rác. Dũng được phân công kéo rác từ kênh lên bờ, bỏ vô bao.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 3.

Nhưng ở đây, anh gặp nhiều người cùng lý tưởng… vớt rác nên ai cũng thấy như quen biết lâu rồi. Dũng nói anh sẽ tham gia tiếp và một lần đi vớt rác như vậy, với anh, mới có sự chiêm nghiệm thực tế mà điều chỉnh hành vi của mình.

"Mỗi khi định bỏ bừa miếng rác, tôi sẽ nhớ lại những vất vả khi đi dọn rác, nhớ công việc của nhóm vớt rác để ngừng lại", anh nói.

Phạm Hoàng Phương Vy, sinh viên năm 2 Trường ĐH Tài chính - Marketing, là tình nguyện viên mới tham gia vài buổi. Sáng nay, Vy được phân công gom rác vô bao.

"Nước kênh bẩn, mùi hôi kinh khủng, rác quá nhiều, tôi rất mệt. Nhưng khi nhìn lại đoạn kênh đã được nhóm mình làm sạch, tôi thấy buổi sáng của mình có ích thực sự", Vy chia sẻ.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 4.

Nhóm Sài Gòn Xanh thành lập tháng 12-2022 do hai bạn trẻ Nguyễn Lương Ngọc và Hồ Văn Vĩ khởi xướng. Đến nay, nhóm có 50 thành viên thường trực và hơn 1.400 tình nguyện viên ở khắp các quận huyện thuộc TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 5.

Nguyễn Lương Ngọc (28 tuổi, trưởng nhóm), cho biết với mỗi buổi vớt rác, nhóm lên kế hoạch trước từ hai tuần đến một tháng.

Ban đầu họ khảo sát địa điểm, xếp lịch, liên hệ địa phương hỗ trợ về kế hoạch, công tác tổ chức, xử lý rác… Nơi nào có dự án đặt phao chắn rác thì nhóm liên hệ để chính quyền quản lý và bảo vệ hệ thống phao này.

Để tổ chức một buổi vớt rác, họ cần các nhóm nhỏ, gồm đội cơ động, đội hậu cần, đội truyền thông. Đội cơ động làm những công việc tương đối phức tạp, cần kỹ năng thành thục.

Nguyễn Vũ Hùng, thành viên đội cơ động, được phân công ra giữa dòng nước gỡ rác và lục bình từ phao chắn rác. Đội truyền thông phụ trách quay phim chụp hình, livestream… đưa lên các nền tảng online để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường và "tuyển" thêm tình nguyện viên.

Sau khi "chốt" kế hoạch, đội truyền thông sẽ đăng lịch vớt rác trên app hoặc các tài khoản mạng xã hội của nhóm thông báo về hoạt động, mời các tình nguyện viên tham gia.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 6.

Trước khi "xông trận", các tình nguyện viên được hướng dẫn cách sử dụng đồ bảo hộ.

Ai lội kênh thì mang quần yếm, áo phao, găng tay ba lớp (chống cắt, chống nước và bao tay y tế); người trên bờ mang ủng, găng tay hai lớp.

Trần Văn Phú (sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thuộc đội hậu cần) kể: khoảng 5h sáng, đội trưởng đội hậu cần gọi điện cho cửa hàng tạp hóa gần kênh để đặt nước uống.

Đội này cũng lo thức ăn nhẹ và dụng cụ bảo hộ cho các tình nguyện viên trong buổi vớt rác. Ai khát nước, cần khăn lau mặt, lau kính, găng tay, quần áo bảo hộ, khẩu trang… sẽ được các anh/chị nuôi của đội hậu cần phục vụ tận tay.

Gần đây, nhóm Sài Gòn Xanh ra mắt app để cộng đồng tiện theo dõi thông tin, đăng ký làm tình nguyện viên cho mỗi hoạt động.

Hơn nửa năm nay, ngoài hoạt động vớt rác làm sạch kênh rạch, nhóm còn đặt phao chắn rác ở nhiều đoạn kênh nhằm giữ cho rác không trôi về cuối nguồn. Phao chắn rác còn giúp việc thu gom rác dễ hơn, giảm thời gian.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 7.

Trưởng nhóm Nguyễn Lương Ngọc nói nhờ mạng xã hội và truyền thông mà công việc dọn rác của nhóm Sài Gòn Xanh được biết đến nhiều hơn, tình nguyện viên tham gia đông và các địa phương hỗ trợ nhiệt tình.

Nhóm muốn hướng tới một mục đích rộng hơn: mọi người cùng ý thức sâu sắc hơn về việc bảo vệ môi trường, trước hết là đối với cộng đồng quanh khu vực được dọn rác, sau đó là tất cả những người biết, nghe, thấy công việc mà nhóm làm.

Mỗi tình nguyện viên tự tay dọn rác cũng sẽ có những suy nghiệm riêng về bốn chữ "bảo vệ môi trường". Với những người lãnh đạo nhóm, họ mong muốn gieo một ý thức chung: bảo vệ môi trường có khi đơn giản chỉ là không bỏ rác bừa bãi.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 8.

Sau gần hai năm hoạt động, các thành viên Sài Gòn Xanh trăn trở nhiều về việc tận dụng và tái chế rác thải.

"Mỗi lần tổ chức, nhóm vớt được từ 5 - 10 tấn rác, trong đó khoảng 10% là rác thải nhựa. Nhưng tất cả đều đem tới bãi rác, chưa được phân loại để tái chế. Tôi đang tìm cách phân loại và tái chế rác nhựa để tạo nguồn thu làm kinh phí hoạt động lâu dài cho nhóm", anh Ngọc chia sẻ.

Tuy nhiên, những nơi anh gặp gỡ để bàn về khả năng tái chế, tất cả đều lắc đầu vì tái chế các loại rác nhựa này chi phí cao, lãi suất thấp.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 9.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 10.

Tagom là tên của một nhóm bạn trẻ làm công việc thu gom và tái chế chất thải nguy hại ở Hà Nội. Cái tên, viết tắt của chữ tái chế và thu gom, cũng là lời mời gọi mọi người cùng thu gom và tái chế rác.

Ý tưởng thu gom rác khó xử lý của nhóm Tagom bắt đầu từ quan sát của người sáng lập nhóm: rất nhiều người yêu môi trường lúng túng khi nhà mình có mấy viên pin, mảnh sành, chai thủy tinh, bóng đèn vỡ mà không biết bỏ đi đâu.

Bỏ chung với rác hằng ngày thì gây ô nhiễm môi trường và gây tai nạn cho người lấy rác, người mua ve chai không lấy…

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 11.

Tháng 6-2022, nhóm Tagom ra đời với ý tưởng thu gom và xử lý các loại rác vô cơ, độc hại như bóng đèn, nhựa, xốp, nhôm, chì, mảnh sành, thủy tinh, pin, thủy ngân... Sau đó phân loại, đưa đến nơi xử lý tập trung hoặc tái chế.

Ban đầu, hoạt động của nhóm thông qua các tình nguyện viên. Người dân phân loại, làm sạch các loại rác tại nhà, các tình nguyện viên thu gom và đem đến kho ở số 59, ngõ 33 Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội).

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 12.

Nhờ vậy, người Hà Nội biết đến hoạt động của nhóm ngày càng nhiều, lượng rác nguy hại đưa đến kho ngày một lớn, các tình nguyện viên thay phiên nhau trực nhận rác và phân loại tại kho.

Có những ngày cuối tuần phải nhờ đến 4-5 tình nguyện viên trực ở kho để hướng dẫn người đem rác đến phân loại, làm vệ sinh, nhận rác, đóng kiện…

Năm 2023, Tagom tổ chức ngày hội thu gom rác thải ở sáu siêu thị AEON tại Hà Nội TP.HCM và Bình Dương. Mỗi điểm siêu thị, Tagom hướng dẫn cách phân loại, xử lý, tổ chức đổi rác nhận quà.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 13.

Mỗi điểm, ngày hội thu gom rác diễn ra 12 ngày đêm, thu được gần 2 tấn rác thải nguy hại. Quà đổi lại cho người dân "nộp" rác là những sản phẩm gia dụng như túi vải, bình nước, sổ tay, cây xanh, giấy vệ sinh…

Năm 2024, Tagom hướng đến các doanh nghiệp, phối hợp tổ chức ngày hội thu gom rác, mời người lao động và gia đình tham dự.

Tại ngày hội, nhóm sẽ trao đổi kiến thức về tác hại, cách xử lý, thu gom, vệ sinh rác thải nguy hại và địa điểm nhận rác hằng ngày kèm theo chương trình đổi rác nhận quà.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 14.

Nhưng trong hành trình hơn hai năm qua của Tagom họ trải qua rất nhiều trúc trắc. Kho chứa rác là vấn đề đau đầu nhất.

Kinh phí của nhóm không nhiều, thuê kho ở xa thì không tiện cho người dân đem rác đến, thuê ở nội thành thì giá cao. Sau nhiều ngày tìm kiếm, một người quen cho Tagom mượn nhà kho cũ rộng 100m2 trong ngõ nhỏ đường Nguyễn An Ninh.

Nhưng hiện họ vẫn phải dùng xe đẩy tay đẩy từng thùng hàng ra đường Nguyễn An Ninh để chất lên xe tải chở đi xử lý, tái chế vì ngõ nhỏ, xe tải không đến được tận kho.

Họ chọn từng chủ đề thích hợp cho từng khu vực để truyền thông. Ngày hội thu gom tái chế ở công ty sản xuất bao bì cho các sản phẩm sữa, Tagom thông tin về hành trình hộp sữa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng và vòng tái chế.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 15.

Từ vài thành viên sáng lập ban đầu, đến nay Tagom có chín thành viên thường trực và đội ngũ đông đảo tình nguyện viên là sinh viên ở các trường đại học, bạn trẻ ở các câu lạc bộ môi trường…

Các thành viên thường trực chia thành ba ban: ban đối ngoại có nhiệm vụ kết nối với mở rộng điểm thu gom, ban chuyên môn vận hành kho, quản lý đầu ra, đầu vào của rác tái chế và ban truyền thông xây dựng hình ảnh cho dự án.

Tagom hiện có 10 khách hàng là doanh nghiệp, khoảng 1.000 tình nguyện viên, gia đình thường xuyên mang rác tới kho. Trung bình mỗi tháng nhóm xử lý hơn 1 tấn rác thải nguy hại.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 16.

Thảo Yến, một thành viên của Tagom, kể lúc tổ chức sự kiện ở AEON Bình Dương, có hai học sinh nhỏ mang rác đến đổi quà lúc trời đang mưa vì sợ chờ mưa tạnh thì các anh chị đi mất.

Túi pin cũ hai em nhỏ đã lượm và tích lũy trong một thời gian dài nhưng không biết phải đi nộp ở đâu để được tái chế đúng quy định, không gây ô nhiễm môi trường.

Một người phụ nữ ở Bình Dương thu gom khoảng 5.000 vỏ hộp sữa, rửa sạch, phơi khô đem đến giao cho nhóm. Chị chia sẻ rằng mình biết vỏ hộp sữa có thể tái chế nhưng các vựa ve chai không mua, không lấy. Chị đã thu gom và tích lũy trong vòng sáu tháng mới gặp được nhóm Tagom đưa đi xử lý.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 17.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 18.

Hình ảnh những ông tây lượm rác ban đầu gây tò mò cho người dân Đà Nẵng nhưng đến nay đã trở thành quen thuộc.

Chiều thứ bảy, một nhóm vài chục người nước ngoài gặp nhau trên con đường gần bờ sông Hàn, trên tay mỗi người là bao tải, kẹp gắp rác, găng tay...

Sau vài phút chào hỏi nhau, họ tản ra các nẻo đường gần bờ sông, bắt đầu lượm rác.

Đông người nhưng không nói chuyện ồn ào, họ chú tâm nhặt từng món rác ở lề đường, bãi cỏ, gốc cây, tỉ mỉ gắp từng cái ly nhựa, bao ni lông, áo quần cũ đến cái ống hút, vỏ bánh kẹo, nắp chai, tàn thuốc lá…

Họ là các tình nguyện viên của Trash Hero Đà Nẵng.

Dalton (30 tuổi, quốc tịch Mỹ) đã làm việc hơn bốn năm ở Đà Nẵng và tham gia nhặt rác cùng Trash Hero Đà Nẵng hơn một năm.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 19.

Chị Mai Thị Kim Ánh, một tình nguyện viên của Trash Hero Đà Nẵng, nói sở dĩ họ chọn dọn rác ở khu vực gần sông Hàn vào cuối tháng 5 này vì nơi đây chuẩn bị diễn ra lễ hội pháo hoa quốc tế.

Những người đến bờ sông xem pháo hoa thấy khu vực xung quanh sạch sẽ, không có rác sẽ dễ chịu, vui vẻ hơn. Quan trọng là đi trên các con đường sạch sẽ, không có rác sẽ khiến người ta ngại xả rác. Như vậy, lễ hội pháo hoa sẽ trọn vẹn hơn với cả khách xem và chủ nhà.

Sau hơn một giờ, các tình nguyện viên trở về điểm tập kết với những bao đầy rác đủ loại, chị Ánh ước tính khoảng 30kg.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 20.

Mỗi ngày, ông đi làm qua những đường phố Đà Nẵng. Khi thấy còn nhiều rác dù các nhân viên môi trường vẫn quét dọn thường xuyên, Benjamin bàn với vợ cùng lập nên Trash Hero Đà Nẵng và kêu gọi các bạn mình tham gia nhặt rác mỗi cuối tuần.

Ông lập trang Facebook để kết nối những người yêu môi trường, thông tin về kế hoạch dọn rác và nhận tình nguyện viên cho mỗi đợt lượm rác.

Du khách nước ngoài đến Đà Nẵng cũng tham gia lượm rác nhờ theo dõi thông tin qua trang mạng xã hội này của Benjamin.

"Mỗi người có cách đóng góp khác nhau để môi trường ngày một đẹp hơn. Chúng tôi đi lượm rác, ngoài việc giữ cho các con đường sạch đẹp còn muốn nhắc nhở mọi người giữ gìn môi trường sống, chung tay giảm thiểu, hạn chế sử dụng đồ nhựa", ông Benjamin nói.

Lúc thành lập, Trash Hero Đà Nẵng chỉ có 10 tình nguyện viên, qua hai năm hoạt động, số tình nguyện viên đã tăng lên 4-5 lần. Họ, với đủ màu da, tuổi tác, quốc tịch... kết nối bằng tình yêu thiên nhiên và ý thức giữ gìn môi trường.

Đến nay, Trash Hero Đà Nẵng tổ chức hơn 70 buổi nhặt rác. Nhiều người Đà Nẵng, từ ngạc nhiên, người dân khen ngợi, động viên, mời nhóm uống nước, đã cùng tham gia lượm rác cuối tuần với Trash Hero Đà Nẵng.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 21.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 22.

"Sứ mệnh của chúng tôi là tạo ra một thế giới sạch, không có ô nhiễm nhựa, sử dụng những cách đơn giản nhưng hiệu quả để thu hút mọi người tham gia vào các nguyên tắc và thực hành không rác thải" - trang chủ Trash Hero World viết.

Năm nay là kỷ niệm 10 năm "từ hoạt động dọn rác hằng tuần đến phong trào toàn cầu" của Trash Hero World, theo tựa bài viết đánh dấu chặng đường này hôm 13-2.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 23.

Tính đến hết năm 2023, Trash Hero World có 100 nhóm thành viên tại 13 quốc gia, trải khắp các châu lục.

Trong một thập niên, hơn nửa triệu (515.643) "người hùng rác" đã tiến hành 20.838 chiến dịch tình nguyện, dọn sạch trên 2,4 triệu tấn rác.

Đặc biệt, Trash Hero chú trọng xây dựng thế hệ "người hùng rác" tiếp theo từ rất sớm, thu hút được hơn 137.882 tình nguyện viên nhí (26% tổng số).

Trash Hero Đà Nẵng thành lập năm 2022 nhưng Việt Nam, cùng với Kuwait và Nhật Bản, được ghi nhận gia nhập mạng lưới chính thức năm 2020.

Đó cũng là năm mạng lưới phân phối chai nước tái sử dụng của Trash Hero World vượt cột mốc 100.000 chai, giúp giảm sử dụng 36,9 triệu chai nhựa và cắt giảm 1.942 tấn phát thải CO2.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 24.

Khảo sát trên 177 tình nguyện viên Trash Hero trên toàn cầu cho thấy 53% là nam giới, và 25% "anh hùng rác" dưới 25 tuổi. Những "người hùng" này đang cùng góp phần thay đổi thế giới bằng cách thu nhặt từng mẩu rác một.

Tất cả hoàn toàn vô vụ lợi, và như mọi sáng kiến tình nguyện vì môi trường khác, các nhóm Trash Hero chỉ mong có thể truyền cảm hứng cho cộng đồng chứ không bắt ép ai phải hành động.

Tin vui là việc này thường hiệu quả, theo Wayan Aksara, chủ tịch Trash Hero Indonesia. "[Sẽ có người] thấy xấu hổ nếu chúng tôi, trong chiếc áo vàng đồng phục, là nhóm duy nhất hành động để làm sạch môi trường" - ông nói với trang Indonesia Expat.

Như đa phần những nhà sáng lập tổ chức Trash Hero thành viên khác, Aksara, một cựu môi giới và hướng dẫn viên du lịch, quyết định thành "anh hùng rác" vì những gì tận mắt thấy khi hoạt động trong ngành du lịch ở đảo Bali.

Aksara cứ nghe du khách than phiền mãi về việc các bãi biển đẹp của Bali đang bị rác thải bôi bẩn ra sao, và quyết định hành động.

Tương tự, Datin Norelan Ismail, nhà đồng sáng lập 67 tuổi của Trash Hero Putrajaya (Malaysia), tin rằng chuyện tình nguyện sẽ không vô nghĩa.

Ân nhân của những dòng kênh - Ảnh 25.

Theo một báo cáo công bố hồi tháng 3 của Tổ chức Tình nguyện viên LHQ, các tình nguyện viên trên toàn thế giới đã đóng góp lớn trong việc giúp các cộng đồng thích ứng cũng như xây dựng khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu.

Báo cáo chứng minh vai trò không thể thiếu của các tình nguyện viên cộng đồng trong việc thúc đẩy hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng phục hồi, thông qua nhiều hình thức khác nhau, từ các sáng kiến cộng đồng cơ sở đến hỗ trợ chuyên biệt trên quy mô toàn cầu.

Nhưng rõ ràng không thể để những anh hùng rác hay các tình nguyện viên vì môi trường miệt mài dọn dẹp hay tranh đấu.

Mọi hành động chống lại ô nhiễm rác nhựa đều có thể dẫn tới sự khác biệt. Nếu ai cũng góp phần - không cần gì to tát, chỉ là bỏ rác đúng nơi - thì cũng đã có thể xem là người hùng vậy.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

YẾN TRINH - TÂM LÊ - ĐOÀN NHẠN - TRÚC ANH
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp