Xem ra cái sự thi cử nó đã phức tạp từ thuở nào, có lẽ từ khi người ta bắt đầu đặt ra nó.
Phóng to |
Tượng cụ Đặng Huy Trứ đặt trước từ đường ở làng Thanh Lương (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: THÁI LỘC |
Xem trong các sách sử của triều Nguyễn mới thấy hầu như kỳ thi nào cũng có thí sinh bị đánh trượt vì phạm trường quy. Trong những vụ án trường thi đó nổi lên hai vụ điển hình, một vụ tai nạn của thí sinh (Đặng Huy Trứ), một vụ vi phạm của giám khảo (Cao Bá Quát). Và cả hai người này sau đó đều là danh sĩ tiếng tăm.
Phạm hai chữ húy, mất cả tiến sĩ lẫn cử nhân
Đó là “vụ án trường quy” xảy ra vào kỳ thi đình năm Đinh Mùi 1847 dưới thời vua Thiệu Trị, liên quan đến cử nhân Đặng Huy Trứ, sinh năm 1825, người làng Thanh Lương (xã Hương Xuân, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế). Chúng tôi tìm lên làng Xuân Hòa, ngoại ô TP Huế để gặp ông Đặng Hưng Thước, hậu duệ của cụ Đặng, tìm hiểu về “vụ án trường quy” mà sách sử đều cho rằng rất điển hình cho chuyện thi cử ngày xưa.
Ông Thước kể sau khi đỗ cử nhân (1843), cụ Đặng đã vào Huế để dự tiếp kỳ thi hội được tổ chức vào mùa xuân Đinh Mùi 1847. Đề thi kinh nghĩa (vòng một) do chính vua Thiệu Trị ra, nhiều thí sinh làm không hết đề, riêng thí sinh Đặng Huy Trứ làm đủ và được giám khảo đánh giá cao. Vào vòng bốn thi văn sách thì giám khảo phê dùng từ khiếm nhã nên đánh hỏng. Vua Thiệu Trị sai dâng quyển lên, xem xong liền phán: “Không nỡ vì một tì vết mà bỏ”, cho Đặng Huy Trứ đỗ hạng trúng cách được vào tiếp thi đình.
Trong sách Đặng Dịch Trai ngôn hành lục, Đặng Huy Trứ đã thuật lại rằng nghe ông đỗ kỳ thi hội, cha ông ở quê nhà rớt nước mắt nói: “Con tôi đức độ ra sao mà được như vậy, chỉ làm cho tôi thêm lo lắng”.
Và nỗi lo của người cha vẫn không giúp tránh được tai họa. Vào thi đình, bài thi kinh nghĩa ca ngợi công đức nhà vua, thí sinh Đặng Huy Trứ dùng hai chữ “phong đô” nhưng quên rằng nó còn xuất hiện trong cụm từ “phong đô địa ngục”. Một vị giám khảo hoài nghi thí sinh có dụng ý xấu, nhưng một giám khảo khác rộng lượng hơn đã châm chước.
Tưởng rằng tai nạn đã qua, nào ngờ đến bài thi văn sách (vòng bốn) thì nạn còn nặng hơn. Trong bài văn của mình, Đặng Huy Trứ đã dùng cụm từ “gia miêu chi hại”, có nghĩa là cỏ năn làm hại lúa tốt, mà không chú ý rằng “gia miêu” đồng âm với “gia miêu ngoại trang” là quê quán của nhà vua (nơi phát tích của nhà Nguyễn ở Thanh Hóa).
Quan giám khảo Hà Duy Phiên cho rằng Đặng Huy Trứ dùng chữ ngông cuồng nên xin vua cho phạt 100 trượng (roi), bắt đi đày ba năm và cấm thi suốt đời. Vua xem xét lại, sau cùng quyết định đánh hỏng và cách tuột cả học vị cử nhân, nhưng cho phép được thi lại. Riêng án phạt đánh 100 roi thì vẫn thi hành.
Điều lạ là cha ông nghe tin như sét đánh ngang tai nhưng lại mừng vì cho rằng đó cũng là bài học để sửa mình. Ông về quê dùi mài kinh sử rồi ngay cuối năm đó (1847), ông trở lại dự thi hương và đỗ giải nguyên (thủ khoa). Sách Đại Nam thực lục cho hay: “Thi đình bị đánh hỏng là bắt đầu từ Trứ”.
Một thời gian sau, ông trở thành một vị quan uy tín của triều Nguyễn, kinh qua rất nhiều chức vụ quan trọng. Ông là người khai sáng nghề nhiếp ảnh Việt Nam và là người đầu tiên đưa kỹ nghệ đóng tàu thủy của phương Tây vào nước ta.
Đặc biệt, ông là tác giả cuốn sách chống hối lộ có một không hai Từ thụ yếu quy, trong đó ông đưa ra 104 kiểu hối lộ không được nhận, và kiểu hối lộ đầu tiên mà ông chỉ mặt là “sĩ tử đi thi hối lộ để cầu được đỗ”.
Phóng to |
Một bài làm của thí sinh tại kỳ thi hội khoa 1913 - Ảnh tư liệu |
Sửa bài cứu thí sinh, Cao Bá Quát suýt mất mạng
Năm Tân Sửu 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi liền cho mở khoa thi để ghi dấu ấn đăng quang. Cao Bá Quát lúc đó đang làm công việc hành tẩu ở Bộ Lễ được triệu tập làm quan sơ khảo ở trường thi Thừa Thiên (thi hương) cùng với Phan Nhạ. Khi chấm quyển thi (bài thi) của thí sinh, ông thấy nhiều bài văn hay chữ tốt nhưng lại có mấy chữ phạm húy tên vua.
Chiếu theo trường quy thì phải bỏ đi, nhưng nghĩ thương cho sĩ tử bèn bàn với ông Phan Nhạ dùng muội đèn sửa những chữ phạm húy trong 24 bài thi, nhờ thế mà cứu đỗ thí sinh. Sự việc bại lộ, ông Quát và ông Nhạ thú nhận: “Sính bút làm càn chứ không phải do ai dặn dò, gửi gắm gì cả”. Án xử khép hai ông vào tội “trảm quyết” (chém đầu).
Sách Đại Nam thực lục (đệ tam kỷ, quyển thứ 11, là sách sử của triều Nguyễn) chép lại diễn biến vụ án này khá chi tiết. Sau khi Bộ Lễ và Viện Đô sát tuyên án xử tử, vua Thiệu Trị liền “phúc thẩm”, xét thấy “bọn Quát” làm việc này là để cứu thí sinh nên tha cho tội xử tử mà giảm xuống án “giảo giam hậu” (giam vào ngục để chờ xử sau).
Quan chủ khảo Bùi Quỹ và phó chủ khảo Trương Tiến Sĩ (Trương Tấn Nhậm) bị xử cách chức, hai giám khảo Phan Văn Nhã và Trương Hảo Hợp bị giáng chức. Nguyễn Văn Siêu cùng tham gia làm khảo quan chỉ vì cho Bá Quát ngủ lại qua đêm ở phòng mình thôi mà cũng bị xử cách chức. Riêng năm thí sinh nhờ Cao Bá Quát sửa bài, vua cho thi lại và thấy văn đều khá nên cho lấy đỗ cử nhân.
Thanh tra bỏ qua lỗi thiên vị con quan: cách chức
Trước đó, vào khoa thi hương năm Ất Dậu (1825), triều đình của vua Minh Mạng cử quan tham tri Bộ Hình Nguyễn Hựu Nghi và quan thông chính sứ hiệp lý Bộ Lại Hoàng Quýnh đến kiểm tra (giám thí) trường thi Nghệ An. Tại đây, quan đốc học (tương tự giám đốc sở GD-ĐT) và một số quan lại địa phương đã cho những thí sinh là người thân quen bị hỏng thành đậu. Hai ông biết chuyện đó nhưng không báo lên quan trên.
Vài tháng sau sự việc bại lộ, Nguyễn Hựu Nghi bị giáng chức, Hoàng Quýnh bị cách chức đày đi Quảng Bình. Các quan coi thi, chấm thi và quan phủ huyện ở Nghệ An đều bị giáng chức hoặc chịu phạt. Mười thí sinh con quan hỏng thi mà được đỗ đã bị đánh trượt hết.
Quay cóp nhau: đánh trượt cả hai
Tại khoa thi hội năm Bính Thìn 1856, quan chủ khảo Phan Thanh Giản phát hiện hai quyển thi có lời lẽ, ý tứ hơi giống nhau liền niêm phong trình lên vua.
Vua Tự Đức xem xong phê rằng hai bài “giống nhau như một tay làm”, bèn lệnh cho Bộ Lễ xét kỹ thì thấy quyển của thí sinh Phan Khắc Kiệm thơ không thành luật, phú không nói ra ý đầu bài chứng tỏ không phải thực học. Quyển kia là của thí sinh Trần Gia Huệ, bạn thân với Kiệm, ngồi thi cùng một “vi” (khu vực thi) nên có thể Huệ đã cho Kiệm xem bài.
Vua phán: “Lấy học trò đỗ là cốt lấy ở hạnh, không cốt lấy ở văn” nên đánh trượt cả hai, phạt 50 roi và đình lương một năm (do cả hai là cử nhân học ở Quốc Tử Giám), nhưng cho thi lại kỳ sau. Tất cả lính gác trường thi đều bị phạt 40 roi.
Vụ này được chép đầy đủ trong sách Đại Nam thực lục đệ tứ kỷ, quyển 14.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:
------------------------------------------
Việc công bố kết quả thi cử như thế nào? Những người đỗ đạt được nhận ân sủng gì của triều đình? Tân tiến sĩ vinh quy bái tổ và đám rước “võng anh đi trước võng nàng theo sau” là sao? Sau thi cử là việc bổ dụng người tài ra lo việc nước như thế nào?...
Kỳ tới:Vinh quy bái tổ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận