Phóng to |
Việc in kinh Koran đã trở thành cơ hội để trục lợi - Ảnh: Reuters |
Báo Le Tempo, trong một bài viết ngày 9-7, đã chán ngán khi viết: “Còn vụ tham nhũng nào khác khiến chúng ta sững sờ hơn vụ “ăn” kinh Koran ở Bộ Các tôn giáo vừa được Ủy ban bài trừ tham nhũng (KPK) loan báo không? Hàng tỉ rupiah đã bị bỏ vào túi riêng qua việc in ấn sách này. Trong mắt những kẻ tham nhũng, kinh Koran chẳng còn gì là linh thiêng nữa rồi. Nó đã bị làm biến dạng thành một thứ hàng hóa bởi chính các quan chức Bộ Các tôn giáo!”.
Đối với một đất nước mà đa số dân theo đạo Hồi như Indonesia, kinh Koran đóng một vai trò quan trọng trong đời sống và giáo dục. Mỗi năm, nước này cần đến 2 triệu bản kinh Koran để phát không cho những người dân nghèo khắp cả nước và các trường Hồi giáo. Thế nhưng, nhà máy in của Bộ Các tôn giáo ở vùng Cisarua, Tây Java, chỉ có khả năng in ấn 60.000 bản. Để đáp ứng kịp nhu cầu này, Bộ Các tôn giáo Indonesia phải thuê các công ty bên ngoài in ấn. Trục lợi bắt đầu từ đây.
Hàng tỉ rupiah “bôi trơn”
Kể từ giữa tháng 6 vừa qua, KPK đã tiến hành điều tra các vụ tham nhũng trong dự án in kinh Koran năm 2011 với hai nghi can là nghị sĩ đảng Golkar, ông Zulkarnaen, và con trai ông ta. Một cựu thành viên Quốc hội Indonesia cho biết kể từ năm 2009, việc thầu in ấn kinh Koran luôn lọt vào tay nhà in do ông Zulkarnaen làm đại diện. Ông Zulkarnaen lại là thành viên hội đồng ngân sách thuộc ủy ban tôn giáo của quốc hội, một vị trí chiến lược để quyết định các hợp đồng in ấn.
“Các hợp đồng nhanh chóng được thông qua bởi vì tất cả thành viên của ủy ban này đều được chia chác”- cựu thành viên quốc hội này cho biết.
KPK đã nêu đích danh hai vụ. Trong vụ thứ nhất, KPK cáo buộc ông Zulkarnaen nhận hối lộ để tác động đến việc thông qua dự án in kinh sách trị giá 55 tỉ rupiah (5,8 triệu USD). Số tiền “bôi trơn” nghe đâu lên tới 4 tỉ rupiah (khoảng 428.000 USD). Vụ thứ hai liên quan đến quá trình cung ứng sách. Chủ tịch KPK Abraham Samad nói ông Zulkarnaen đã tác động đến Bộ Các tôn giáo Indonesia và yêu cầu chỉ định một số công ty thắng thầu hợp đồng in sách.
K.M.S Romi, một quan chức cấp cao của KPK, thốt lên: “Đến ngay tiền in thánh kinh còn bị tham ô. Buồn làm sao!”.
Cũng theo thống kê của KPK, Bộ Các tôn giáo là cơ quan chính phủ tham nhũng nhiều nhất trong năm 2011. Vụ bê bối trong dự án in kinh Koran càng làm xấu đi hình ảnh của cơ quan chăm lo đời sống tín ngưỡng cho người dân.
Tín ngưỡng bị lợi dụng
Chưa hết, truyền thông Indonesia cho biết vụ tham nhũng kinh Koran chỉ là cánh cửa làm mở tung các vụ tham nhũng lớn khác tại Bộ Các tôn giáo. Đã có nhiều điều khuất tất xung quanh việc quản lý quỹ hành hương đến thánh địa Mecca hằng năm.
Mỗi năm, Saudi Arabia cấp cho Indonesia chỉ tiêu 211.000 người được hành hương đến Mecca. Tuy nhiên, có tới 1,4 triệu người đăng ký để được đi. Điều này đồng nghĩa với việc phải đến hơn sáu năm mới giải quyết hết cho số người hành hương đã đăng ký. Tổng số tiền đặt cọc của những người này lên tới 38.000 tỉ rupiah (4 tỉ USD) và được giữ trong các tài khoản của bộ này.
Một chuyên gia của Tổ chức theo dõi tham nhũng Indonesia (ICW) là Ade Irawan cho biết từ năm 2009, ICW đã thúc giục KPK điều tra sai phạm tại quỹ hành hương này. “Tham nhũng xung quanh quỹ này có nhiều hình thức và liên quan đến các quan chức cấp cao tại Bộ Các tôn giáo và Hạ viện” - ông Ade cho biết.
Hồi tháng 2, KPK đã cảnh báo số tiền quá lớn trong các tài khoản của bộ này đang làm tăng khả năng tham ô tiền lãi ngân hàng. Số tiền lãi có thể lên đến 180 triệu USD. Trước đó, chính phủ đã thông báo kế hoạch tăng giá hành hương cho mỗi người từ 3.537 USD lên 3.715 USD. Ngoài ra, Bộ Các tôn giáo Indonesia còn bị nghi ngờ sử dụng sai mục đích 18 tỉ rupiah (1,9 triệu USD) trên tổng số 30 tỉ rupiah (3,1 tỉ USD) cấp cho dự án mua máy tính tại một trường Hồi giáo.
ICW còn kêu gọi KPK mở rộng danh sách điều tra vụ tham nhũng kinh Koran vì cho rằng số tiền tham nhũng có thể còn được dùng vào mục đích riêng của các đảng chính trị như vận động tranh cử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận