31/10/2021 11:39 GMT+7

Ăn hỏi hậu giãn cách, hành trình vất vả mà ngọt ngào

TRỊNH KỲ AN
TRỊNH KỲ AN

TTO - Chuỗi ngày bình thường mới tại TP.HCM của tôi bắt đầu bằng việc làm 'cô dâu'. Nghe có vẻ rất buồn cười nhưng kỳ thực lễ đính hôn được chúng tôi và hai bên gia đình lên kế hoạch từ rất lâu.

Ăn hỏi hậu giãn cách, hành trình vất vả mà ngọt ngào - Ảnh 1.

Cô dâu trong ngày lễ ăn hỏi - Ảnh: T.K.A.

Sau bốn tháng dịch bệnh, lễ đính hôn của chúng tôi cuối cùng cũng được tổ chức dù chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, với khách mời chủ yếu là người thân trong gia đình.

"Anh xã" tương lai ngập ngừng hỏi tôi có cảm thấy buồn không, khi lễ đính hôn của chúng tôi diễn ra không được tưng bừng. Là con gái, tôi nghĩ ai cũng mong muốn có một lễ đính hôn và xa hơn là đám cưới thật đẹp và hoành tráng, nhưng trong thời điểm hiện tại, tôi chỉ mong muốn được nhận lời chúc phúc từ người thân, bạn bè, vậy là quá đủ đầy.

Lễ hỏi diễn ra vào một buổi sáng đầu tháng 10. Ba mẹ tôi mời thêm ông bà và hai người cậu ruột. Bên gia đình anh cũng chỉ gồm ba mẹ, anh chị và hai cháu nhỏ. Hôm trước diễn ra lễ hỏi, chú rể mang sang nhà tôi hai bó hoa huệ đỏ nhờ mẹ cắm giúp và đặt lên bàn thờ tổ tiên. 

Anh bảo: "Thời điểm dịch bệnh, con không tìm được gói dịch vụ trang trí để trang hoàng cho gia đình mình. Mong bố mẹ thứ lỗi cho con".

Mẹ tôi cười xòa bảo: "Không sao đâu con. Lễ hỏi chỉ một ngày, sau này là cả đời hai đứa cùng chung sống với nhau. Mẹ mong dù bất cứ thời điểm nào, con vẫn sẽ thương yêu con gái của mẹ như ngày hôm nay". 

Khi nghe những lời mẹ nói, chúng tôi đều xúc động. Hơn bất kỳ ai, tôi tin dù hoàn cảnh sống có nhiều gian nan đến đâu, chúng tôi vẫn sẽ luôn ở bên nhau.

Ngày trọng đại, tôi mặc chiếc áo dài truyền thống, tay cầm bó hoa được gói đơn sơ, cùng chú rể thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên và ra mắt gia đình hai bên. Ngoài những lễ vật quen thuộc trong mọi lễ đính hôn, gia đình anh còn đặc biệt chuẩn bị thêm nhiều chai xịt khuẩn và khẩu trang. 

Để tuân thủ nguyên tắc 5K, chúng tôi cố gắng tổ chức đơn giản, nhanh gọn nhưng thân mật và ấm áp.

Và cũng trong buổi lễ hôm ấy, tôi và anh xã tương lai xin phép hai gia đình được tổ chức đám cưới theo cách riêng. Thay cho bữa tiệc tại nhà hàng, chúng tôi sẽ tổ chức bữa tiệc ngọt đơn giản nhưng ấm cúng dành cho gia đình và bạn bè đôi bên.

Được gia đình ủng hộ, chúng tôi cũng quyết định dành trọn tiền tổ chức đám cưới cho tổ chức thiện nguyện của thành phố, giúp đỡ các em mồ côi trong đại dịch COVID-19 vừa rồi. Cơn đại dịch đã cướp đi những người thân yêu của các em, đẩy các em vào hoàn cảnh bơ vơ không nơi nương tựa. 

Nhìn những hoàn cảnh đáng thương ấy, chúng tôi thật sự không kìm được nước mắt. Dù biết phần tiền san sẻ của bản thân không là bao, nhưng tôi vẫn mong muốn mang đến phần nào đó sự san sẻ và hơi ấm tình người đến với các em.

Đại dịch cũng khiến bao dự định của mỗi người phải đình trệ, nhưng chính khoảng thời gian gian khó ấy làm chúng ta thấu hiểu và học cách trân quý những điều quý giá trong cuộc đời. Tôi nhận ra điều mình mong chờ không phải là một lễ hỏi hay lễ cưới xa hoa, náo nhiệt. 

Hạnh phúc tôi nhận ra sau khi đi qua những ngày tháng nặng nề của đại dịch chính là nhìn thấy người thân bình an, hạnh phúc và được sống tử tế nhất có thể với cuộc đời.

Làm cô dâu hậu giãn cách thật vui biết bao...

Cô dâu chống dịch ở Sài Gòn, chú rể ở Hà Nội và đám cưới online tại bệnh viện dã chiến Cô dâu chống dịch ở Sài Gòn, chú rể ở Hà Nội và đám cưới online tại bệnh viện dã chiến

TTO - Vô tình chứng kiến nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7) một mình tham dự lễ cưới online trong giờ nghỉ, các y bác sĩ của bệnh viện đã phối hợp với tình nguyện viên tổ chức "lễ cưới đặc biệt" cho cô dâu này.

TRỊNH KỲ AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp