10/09/2018 15:32 GMT+7

Ăn hải sản sống coi chừng khuẩn 'ăn thịt người'

D.KIM THOA - HOÀNG LỘC
D.KIM THOA - HOÀNG LỘC

TTO - Một số nạn nhân tử vong hoặc cắt bỏ những bộ phận cơ thể bị hoại tử bởi ăn phải một số loại hải sản tươi sống bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" - Vibrio vulnificus.

Ăn hải sản sống coi chừng khuẩn ăn thịt người - Ảnh 1.

Bàn tay của người đàn ông 71 tuổi ở Hàn Quốc phồng rộp đau đớn sau 12 giờ ăn phải hải sản sống bị nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” Vibrio vulnificus - Ảnh: NEW ENGLAND JOURNAL OF MEDICINE

Người bệnh khi nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus, các bác sĩ sẽ xét nghiệm xác định có nhiễm trùng huyết hay không. Trường hợp vi khuẩn lan vào máu thì buộc phải tiêm kháng sinh bằng đường tiêm tĩnh mạch để theo dõi can thiệp kịp thời

PGS.TS TRẦN PHỦ MẠNH SIÊU


Mới đây, một người đàn ông Hàn Quốc 71 tuổi đã phải cắt bỏ bàn tay trái vì bị phồng rộp, lên cơn sốt và đau đớn dữ dội ở tay sau khi ăn món sushi hải sản sống được khoảng 12 giờ.

Người miễn dịch suy giảm dễ mắc

Theo tạp chí y khoa New England Journal of Medicine, người bệnh này có tiền sử đái tháo đường type 2, cao huyết áp và cũng đang bị suy thận. Sau khi ăn hải sản sống, bàn tay trái của ông bị phồng rộp đau đớn, tình trạng này tiếp tục lan ra phần còn lại của bàn tay.

Người bệnh bị nhiễm một loại vi khuẩn "ăn thịt người" có tên Vibrio vulnificus từ hải sản sống. Đây là loại vi khuẩn có trong nước biển và cũng tương tự loại vi khuẩn gây bệnh tả. 

Các bác sĩ phẫu thuật đã cố loại bỏ vi khuẩn, dùng nhiều loại kháng sinh điều trị cho ông. 

Mặc dù loại vi khuẩn này thường gây đau bụng hoặc tiêu chảy ở người khỏe mạnh, song nó cũng có thể gây tử vong ở những người có hệ miễn dịch bị suy giảm, nhất là những người bị bệnh gan mãn tính. 

Sau 25 ngày nhập viện điều trị các biến chứng từ việc nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người", các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Chonbuk tại Jeonju (Hàn Quốc) phải cắt bỏ bàn tay trái của ông vì trình trạng hoại tử không thể cứu vãn.

Tử vong sau một tuần

Sau hai năm, chị T.M.L. (42 tuổi, ngụ TP.HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của một người bạn. Bạn chị L. mất bởi nguyên nhân ăn hải sản sống.

Theo chị L., sau khi cùng gia đình đi ăn hải sản tươi sống, trong đó có hàu sống, về nhà người bạn có triệu chứng như cảm, sốt. Gia đình đưa vào bệnh viện, các bác sĩ xét nghiệm xác định bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người". 

Thời điểm này (sau gần một tuần nhập viện), các bác sĩ cho biết vi khuẩn này tấn công các bộ phận nội tạng, buộc phải phẫu thuật để ngăn vi khuẩn.

Chị L. cho biết các bác sĩ lý giải không phải ai cũng bị nhiễm loại vi khuẩn này mà tùy vào cơ địa, độ miễn dịch của mỗi người. 

"Chỉ với các triệu chứng hết sức bình thường, trong vòng một tuần gia đình người bạn đã làm đủ mọi thứ có thể nhưng cô ấy vẫn ra đi trong sự hoảng hốt" - chị L. chia sẻ.

Không chỉ ở Việt Nam có các ca nhiễm bị tử vong hoặc bị để lại di chứng, mà ở nhiều nước trên thế giới, số ca mắc bệnh này cũng rất đáng báo động.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), ước tính mỗi năm vi khuẩn Vibrio vulnificus gây ra khoảng 80.000 trường hợp nhiễm bệnh và 100 ca tử vong tại Mỹ. 

Ngoài nguy cơ nhiễm vi khuẩn này từ ăn hải sản sống hoặc chưa nấu chín, con người có thể nhiễm nó khi để vết thương hở tiếp xúc với nước biển.

Rất phổ biến

PGS.TS Trần Phủ Mạnh Siêu - phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM - cho biết vi khuẩn Vibrio vulnificus thích nghi ở điều kiện nước biển. Bệnh do vi khuẩn này gây ra rất phổ biến ở nước ta và nhiều nước vùng Đông Nam Á. 

Đặc biệt, phổ biến thường trú ở những nơi nuôi tôm, hàu tập trung như bè, lồng gần bờ biển bởi có nhiều chất hữu cơ, điều kiện để vi khuẩn phát triển mạnh. Còn đối với hải sản đánh bắt ngoài biển ít khi bị nhiễm vi khuẩn trên.

Triệu chứng của người nhiễm vi khuẩn này là rối loạn tiêu hóa, tiêu lỏng, sốt, còn biểu hiện nặng hơn chỉ xuất hiện khi nhiễm vi khuẩn số lượng lớn. Việc nhiễm vi khuẩn này cũng tùy cơ địa. 

Thông thường với những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, già yếu, lớn tuổi... dễ bị vi khuẩn tấn công. Còn đối với người khỏe mạnh bình thường ít khi nhiễm.

"Người bị nhiễm vi khuẩn này có thể do khi ăn hàu sống chấm mù tạt (gốc vi khuẩn gây bệnh thương hàn) hoặc người bị vết thương ở da do đuôi, vây của tôm, cá biển cào xước. Vi khuẩn sẽ lan theo vết thương vào máu gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng..." - BS Siêu phân tích.

Theo BS Siêu, khi có biểu hiện nêu trên người bệnh cần nhanh chóng nhập viện để khám tiêu hóa, từ đó cho kháng sinh cần thiết, tuyệt đối không chủ quan tự mua thuốc uống.

Ăn hàu sống, sưng chân

TT - Bệnh nhân nam, 52 tuổi, có tiền sử bị viêm gan thoái hóa mỡ không do rượu, nhập viện cấp cứu vì đau nhức và sưng phù hai cẳng chân. Trước đó ba ngày, ông ta ăn hàu sống.

D.KIM THOA - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp