Chiều 17-10, ông Trần Thanh Hiệp - chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang - khẳng định sau khi kiểm tra trên địa bàn tỉnh, không có nông dân nào dùng xi măng bón lúa, rửa phèn như clip lan truyền trên mạng xã hội.
An Giang nói về clip 'nông dân dùng xi măng bón lúa'
Theo ông Hiệp, An Giang chỉ có vùng đất có phèn là huyện Tri Tôn. Nhưng việc nông dân sử dụng xi măng bón cho ruộng lúa là không có thật. Đây là clip cũ, được đăng tải lại vào ngày 3-10 bởi một trang mạng xã hội và gây phản ứng từ dư luận.
Ông Nguyễn Văn Văn - trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn - cũng cho biết clip nông dân dùng xi măng bón cho ruộng lúa là không có thật, thông tin giả.
"Tôi đã xem qua đoạn clip trên mạng xã hội, việc này diễn ra từ năm 2020 và mới được đăng tải lại. Vụ này diễn ra trên địa bàn Kiên Giang, chứ không phải ở An Giang. Nhưng theo góc độ chuyên môn và tìm hiểu, nông dân chỉ dùng đá vôi tán nhuyễn kết hợp với phân lân để phun hạ phèn vì vùng đất Kiên Giang nhiều đá vôi", ông Văn nói.
Ngày 3-10, trên trang mạng xã hội Facebook đăng tải đoạn clip dài hơn 8 phút với tiêu đề "Nông dân dùng xi măng xây nhà làm phân bón bụi mịt mù". Đoạn clip ghi lại cảnh nhóm người dùng nông cụ cơ giới phun một loại bột màu trắng trên đồng ruộng đang trồng lúa.
Người trong clip nói chất bột màu trắng là xi măng trộn với phân lân phun xuống ruộng để giảm phèn. Đoạn clip đã thu hút 1,9 triệu lượt xem, với gần 400.000 lượt bình luận và gây xôn xao dư luận.
Một chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp sinh học cho biết đây là lần đầu tiên ông nghe chuyện nông dân miền Tây dùng xi măng bón cho ruộng lúa. Ông nhận định về cơ bản, trong xi măng có thành phần của vôi và có thể giúp đất được rửa phèn, lúa lên xanh tốt trong giai đoạn đầu, nhưng về lâu dài nguy cơ làm đất bị chai cứng rất cao.
Còn bản chất của vôi rất tốt cho cây, cho đất. Vì ngoài rửa phèn tốt, vôi còn hạn chế sự phát triển của mầm bệnh, cỏ trong đất.
"Nông dân không nên dùng xi măng bón cho đất lúa. Việc dùng xi măng trộn với phân lân phun lên ruộng lúa rửa phèn có hại nhiều hơn có lợi. Bởi lâu ngày sẽ làm đất bị chai cứng, phá vỡ cấu trúc đất.
Trong canh tác, nếu thấy đất nhiễm phèn nặng hoặc canh tác lâu ngày thì nên rải vôi. Bón vôi với liều lượng hợp lý và chỉ bón trong thời gian nhất định", vị này khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận