Ngày 16-3, theo Văn phòng UBND tỉnh An Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Minh Thúy vừa ký tờ trình gửi Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát sông đối với 8 khu mỏ, dự án nạo vét đang bị tạm dừng trước đó.
Hiện nay, tổ liên ngành tỉnh An Giang đã làm việc với các doanh nghiệp, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan để xem xét xử lý. Qua rà soát, hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm quy định về vượt mức sâu khai thác, nạo vét cho phép.
Để xử lý được hành vi này cần phải có bản đồ đo đạc hiện trạng địa hình đáy sông tại các khu mỏ, nạo vét, phải tính toán được số liệu về khối lượng đã khai thác vượt độ sâu cho phép, phải đảm bảo được tính pháp lý trong xử lý.
Do đó, tổ liên ngành đã gặp một số khó khăn trong xử lý vi phạm. Các thành viên tổ xử lý vi phạm nhận thấy nếu chọn đơn vị tư vấn độc lập do Sở Tài nguyên và Môi trường giới thiệu thì phải tuân thủ quy định Luật Đấu thầu, khiến thời gian kéo dài vì thủ tục hơn 90 ngày, chưa kể thời gian đo đạc và có kết quả.
Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật tài nguyên môi trường cũng đã có văn bản báo cáo, số liệu tính toán trữ lượng cát tại 8 khu mỏ, dự án nạo vét vi phạm. Nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định các văn bản trên chỉ mang tính chất tham khảo, do đơn vị này chưa đủ điều kiện thăm dò khoáng sản, nên chưa đủ cơ sở pháp lý để căn cứ xử lý vi phạm.
Mặt khác, nếu dựa vào kết quả đo đạc bản đồ và số liệu do doanh nghiệp cung cấp thì có một số chênh lệch về số liệu đo đạc mức sâu, gây ảnh hưởng đến việc tính toán khối lượng khai thác, nạo vét vi phạm để xem xét xử lý...
Theo UBND tỉnh An Giang, trong hai phương án lấy kết quả đo đạc làm căn cứ xử lý vi phạm nói trên đều có ưu điểm và khuyết điểm, nên tổ xử lý vi phạm chưa thể thực hiện được.
Kiến nghị đưa cát biển vào san lấp
Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng vừa ký báo cáo tình hình quản lý khoáng sản trên địa bàn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện tại, An Giang có 10 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.
Trong đó có 4 khu mỏ cát sông với tổng diện tích 155,98ha, công suất khai thác 2,37 triệu m3/năm, nhưng đã tạm dừng hoạt động từ tháng 12-2023. 6 khu mỏ đá xây dựng với tổng diện tích 178,5ha, công suất khai thác 3,7 triệu m3/năm. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã thực hiện nghĩa vụ tài chính 248,92 tỉ đồng.
An Giang đã phân bổ, cấp đăng ký khai thác mỏ cát theo cơ chế đặc thù cho các nhà thầu dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng hiện vẫn còn tồn tại những khó khăn trong công tác quản lý khai thác khoáng sản tại An Giang, gây khó khăn trong thống kê trữ lượng và thất thoát tài nguyên.
Tình hình sạt lở đang có dấu hiệu gia tăng, mở rộng vào các kênh rạch, cát sông ngày càng cạn kiệt.
Tỉnh đề xuất trung ương sớm xem xét nguồn vật liệu san lấp thay thế, sớm đưa cát biển vào phục vụ công trình. Đặc biệt là các công trình đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Đề xuất bổ sung quy định kết nối tín hiệu thiết bị giám sát hành trình xáng cạp, sà lan vận chuyển cát đến cơ quan quản lý nhà nước để giám sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận