12/12/2007 12:18 GMT+7

An Giang: Dân hốt hoảng vì bệnh "méo miệng, trợn mắt"

Theo VĨNH SƠN - TỐ NHƯPháp luật TP.HCM
Theo VĨNH SƠN - TỐ NHƯPháp luật TP.HCM

Một căn bệnh lạ đi kèm nhiều triệu chứng bất thường: co giật, quẹo cổ, méo miệng, thè lưỡi, trợn mắt... đang xuất hiện tập trung tại xã Phước Hưng, huyện An Phú (An Giang) làm người dân ở đây những ngày qua rất hoang mang.

DT2qwrWF.jpgPhóng to
Bé Duy Tường đang được bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa huyện An Phú theo dõi bệnh. Ảnh: V.SƠN
Một căn bệnh lạ đi kèm nhiều triệu chứng bất thường: co giật, quẹo cổ, méo miệng, thè lưỡi, trợn mắt... đang xuất hiện tập trung tại xã Phước Hưng, huyện An Phú (An Giang) làm người dân ở đây những ngày qua rất hoang mang.

Tính từ lúc xảy ra bệnh lạ (5-12) đến chiều ngày 11-12 đã có 38 trường hợp phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện An Phú, trong đó 11 trường hợp đã xuất viện.

Sáu bệnh bị nghi thủ phạm: viêm não Nhật Bản, ngộ độc Primperam, hội chứng ngoại tháp, nhiễm siêu vi, liệt dây thần kinh ngoại biên và viêm màng não.

Có sáu loại bệnh bị nghi thủ phạm

Bác sĩ Trần Văn Sang, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện An Phú, cho biết căn bệnh lạ này chưa từng xuất hiện ở đây mấy niên kỷ qua. Do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên chưa thể gọi đây là bệnh gì và có công bố dịch hay không. “Chỉ biết trên một phạm vi nhỏ mà có hơn 30 trường hợp mắc bệnh là có yếu tố dịch tễ...”, bác sĩ Sang nói.

Hiện các mẫu huyết thanh, máu... của người bệnh đã được đưa về Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh để chuyển lên viện Pasteur (TP.HCM) xét nghiệm. Phần lấy mẫu dịch não tủy để kiểm tra có phải bệnh viêm não Nhật Bản chưa thể thực hiện được do người nhà bệnh nhân không hợp tác. Tất cả các mẫu chuyển đi đều chưa có kết quả phản hồi.

Cũng theo bác sĩ Sang, 38 trường hợp nhập viện được chẩn đoán và phân thành sáu loại bệnh: viêm não Nhật Bản, ngộ độc Primperam, hội chứng ngoại tháp, nhiễm siêu vi, liệt dây thần kinh ngoại biên và viêm màng não. Bệnh không giới hạn độ tuổi người mắc. Từ một em bé sáu tháng tuổi cho đến người đã 47 tuổi đều bị với các triệu chứng tương tự nhau.

Tại khoa cấp cứu bệnh viện này đến chiều qua vẫn còn ba ca. Bà Nguyễn Thị Sương (ngoại em Lê Văn Cảm (7 tuổi, ở ấp 3, xã Phước Hưng) cho biết chiều ngày 10-12, khi đang chơi gần nhà thì Cảm chạy vào kêu to: “Ngoại ơi, sao cổ con bẻ hoài không xuống...”. Vào nhà thì Cảm bất ngờ té xuống, cổ vẹo qua một bên, hai mắt trợn ngược. “Từ sáng tới giờ nó đã trợn mắt tới hai lần, tôi sợ nó nặng thêm quá. Nhà nghèo, lấy tiền đâu đóng viện phí!”, bà Sương lo lắng.

Theo bác sĩ Phan Văn Điền Phương, phó giám đốc bệnh viện, tình trạng sức khỏe của các bé đang điều trị ở đây vẫn là những triệu chứng cũ và kiểm soát được nên chưa thể gọi là nặng hơn như gia đình cảm nhận. “Tri giác của các bệnh nhân này còn tốt, chúng tôi hỏi gì, các em tự trả lời được hết...”, bác sĩ Phương nói.

Hàng trăm học sinh tạm nghỉ học

IOfpS7Ll.jpgPhóng to
Nhiều phụ huynh cho con nghỉ học vì lo sợ căn bệnh lạ
Trước căn bệnh lạ, nhiều học sinh ở Trường tiểu học B Phước Hưng và Trường THCS Phước Hưng đã phải tạm nghỉ học. Thầy Võ Thành Te, Tổng phụ trách đội Trường tiểu học B Phước Hưng, cho biết những ngày gần đây, phụ huynh dồn dập viết đơn xin cho con em mình được tạm nghỉ học một thời gian. Lý do để tránh luồng đi của dịch bệnh lạ đang hoành hành.

Tính từ ngày 5-12 (ngày xuất hiện bệnh lạ), số học sinh đến trường giảm hơn 50%, có lớp vắng hơn phân nửa. Tại Trường THCS Phước Hưng, thầy Lâm Văn Hoàng - hiệu trưởng trường cho biết ba ngày qua, ngày nào trường cũng vắng bình quân 50 học sinh/ngày. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức xuống từng nhà giải thích cho phụ huynh rõ để các em tiếp tục đến trường, tránh tình trạng hoang mang gây mê tín làm ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập.

Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân bệnh lạ nhưng Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức công tác dập dịch. Trước mắt, ngành y tế tiến hành vệ sinh môi trường trên địa bàn xã Phước Hưng; phun hóa chất diệt muỗi và lấy mẫu nước tại tâm điểm dịch đưa đi TP.HCM xét nghiệm. Theo ghi nhận ban đầu, số người mắc bệnh tập trung tại ba ấp 1, 2 và 3 của xã Phước Hưng nhưng đông nhất là ở ấp 2. Môi trường ấp 2 khá thông thoáng, nằm trên phần đất không sầm uất và ít ô nhiễm. Do đó, nhiều khả năng bệnh lạ này không liên quan đến tác động của ngoại cảnh.

Ông Từ Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết căn cứ vào các biểu hiện của bệnh nhân và nhiều xét nghiệm lâm sàng thì đây không phải bệnh viêm não Nhật Bản như có báo đưa tin và cũng không phải ngộ độc hay bệnh liên quan đến thần kinh mà là một bệnh mới xuất hiện tại An Giang. Để biết được chính xác phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Viện Pasteur TP.HCM.

Được biết hôm nay (12-12), Bộ Y tế sẽ cử đoàn kiểm tra đến An Giang để kết hợp với cơ quan chức năng của tỉnh khảo sát dịch tễ bệnh lạ ở huyện An Phú. Sau khi có kết quả chính thức mới quyết định có công bố dịch bệnh này hay không.

Có thể do mắc bệnh “ngất tập thể”

Trao đổi chiều qua (11-12), ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Bộ vừa nhận được báo cáo của Bệnh viện đa khoa huyện An Phú cho hay hiện có nhiều bệnh nhân cùng mắc căn bệnh lạ với các triệu chứng trợn mắt, méo miệng, người đờ đẫn..., hơn 100 học sinh đã nghỉ học vì sợ bị bệnh lạ này. “Hiện Bộ Y tế đã vào cuộc và chỉ đạo Viện Pasteur nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân để có hướng điều trị nhanh nhất cho người dân vùng này...”, ông Nga nói.

Theo ông Nga, có thể dân vùng này đang mắc bệnh “ngất tập thể” hay còn gọi bệnh Hysteria. Hysteria là một bệnh thần kinh chức năng với biểu hiện hết sức đa dạng (khó thở, buồn nôn, có những cơn co giật, giãy giụa, la hét, kêu khóc, đôi khi có ảo giác, ám thị, đột nhiên ngất lịm, mù, điếc, câm, lên cơn co giật nhẹ rồi đi vào giấc ngủ...), thường phát sinh sau một sang chấn, có thể tạo phản ứng dây chuyền, gây bệnh tập thể, một lúc có thể lên đến cả trăm người.

Bệnh Hysteria là phản ứng tích cực, là cơ chế bảo vệ của mỗi người bình thường, hay gặp ở phụ nữ (cao gấp 10 lần nam giới). Bệnh phát sinh do tăng cảm xúc, ám thị, thần kinh yếu không thể kiềm chế được. Cơ chế sinh bệnh là để bảo vệ thần kinh khỏi những căng thẳng, cú sốc hay những sang chấn tâm lý. Ví dụ: Học căng thẳng, lo lắng vì chuyện thi cử...

Cũng theo ông Nga, tuổi nào cũng có thể bị chứng Hysteria, tuy nhiên lứa tuổi bị nhiều nhất là thanh thiếu niên bởi do tâm sinh lý chưa hoàn chỉnh. Để phòng bệnh, các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh không nên gây căng thẳng, sức ép quá tải đối với các em. Nếu có người phát bệnh cần tránh tập trung đông đúc. Chăm sóc quá chu đáo hay lo lắng cũng sẽ làm người bệnh nặng thêm. Cần nhẹ nhàng, tôn trọng bệnh nhân và giúp họ ổn định lại tinh thần.

Theo VĨNH SƠN - TỐ NHƯPháp luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp