26/07/2013 07:54 GMT+7

Ăn gì để sống?

NGUYỄN MINH NHỊ
NGUYỄN MINH NHỊ

TT - Mấy ngày nay, liên tục các báo, nhất là Tuổi Trẻ, đã thông tin về các kết quả kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các kết quả làm choáng váng người đọc và cũng là người tiêu dùng: các sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn, thuốc bảo quản thực phẩm, thuốc làm dai, làm giòn, làm màu... trên các sản phẩm làm từ gạo đến cá, tôm, thịt, rau dưa, hành, tỏi, khoai tây, đến cả rau muống là loại dễ trồng nhất mà cũng không chừa... Vậy biết ăn gì để sống?

Từ lâu các thông tin trên ai cũng biết lai rai, và ai cũng nghĩ rằng “lâu lâu ăn một tô phở có chất bảo quản hoặc chất làm dai như hàn the, formol... chắc không sao, cơ thể sẽ bài tiết hết”. Hay lời nói đùa của một bạn đọc Tuổi Trẻ rằng “ăn cũng chết, không ăn cũng chết, thôi thà chết độc còn hơn chết đói” nghe sao mà chua chát. Tôi nghĩ mấy ông có trách nhiệm “chăn dân” nếu có tấm lòng ắt phải quặn đau khi nghe lời nói đùa này.

Nhìn ra các nước quanh ta, cũng qua truyền thông biết được thì họ cũng có vấn đề như ta. Nghĩa là những nước nghèo thường bị nhóm lợi ích chi phối, bưng bít thông tin thì xảy ra thường xuyên hơn các nước khác.

Ngay như ở Mỹ, châu Âu mà còn thỉnh thoảng bị lọt lưới, vì các nước xuất nông - thủy sản vào các thị trường đó, trong đó có Việt Nam và nhất là Trung Quốc, còn có thêm hàng công nghiệp nhẹ và đồ chơi trẻ em “không sạch” mà họ nhập.

Vậy thì vấn đề từ rất nhỏ như ăn, mặc, đồ dùng hằng ngày, kể cả đồ chơi của trẻ em, đã trở thành vấn đề toàn cầu, nói theo thời thượng thì đó là “mặt trái của toàn cầu hóa”.

Nói toàn cầu hóa có nghĩa là các nước có thâm niên kinh tế thị trường như Âu - Mỹ đã có nề nếp bảo vệ sức khỏe nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng lâu rồi nên họ xử lý vấn đề rất nhạy, rất nhanh, tạo được khả năng “tự động hóa” cho hệ thống quản trị quốc gia.

Còn ta, từ hiểu biết đến cập nhật nhận thức, nhất là tổ chức, bộ máy, luật pháp và chế tài... đều còn quá mới mẻ, còn rất thủ công, đó là chưa nói đến “nhóm lợi ích” còn đang chi phối mạnh thì hệ quả sẽ khôn lường.

Có những công ty chế biến bánh tráng, bún, phở, bánh hỏi khô... bảo đảm với tôi rằng không có các chất cấm trong đó, kể cả các nhà nông trồng rau sạch cũng vậy. Nhưng muốn tạo được lòng tin với người dân thì các sản phẩm cần được kiểm định và công bố rộng rãi, thường xuyên, thậm chí các sản phẩm buộc phải dùng chất bảo quản thì là chất gì, nồng độ bao nhiêu thì an toàn...

Tất tần tật phải minh bạch với người tiêu dùng, với đồng bào của mình. Chính quyền nên cấp tiền cho các nhà sản xuất sản phẩm sạch quảng cáo trên báo, đài... liên tục để dân biết mà mua, hoặc biết để kiểm tra có thật vậy không. Rồi báo chí và các cơ quan truyền thông nói chung có vai trò xung kích, kiên cường, tự nguyện làm “vệ sĩ” cho nhân dân trên mặt trận phức tạp và ác liệt này.

Cái ăn đứng đầu “tứ khoái” và có nhiệm vụ để duy trì nòi giống. Nay cái ăn đang đe dọa tính lành mạnh của nòi giống, thiết nghĩ vấn đề trọng đại thuộc tầm cỡ quốc gia và là trách nhiệm quản trị đất nước của Đảng và Chính phủ.

Và như vậy, cái ăn đã không còn bó hẹp trong nghĩa để sống!

(Long Xuyên, ngày 24-7-2013)

NGUYỄN MINH NHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp