Sau hơn một thập kỷ khảo sát hơn 120.000 đàn ông và phụ nữ, các nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Y tế và Y học Pháp, chỉ ra rằng những người có chế độ ăn uống lành mạnh với khẩu phần ngũ cốc, rau, các loại hạt nhiều nhất và khẩu phần các loại thịt đỏ, các loại đường ít nhất sẽ thuộc 1/3 số người ít có khả năng mắc bệnh COPD, ngay cả khi họ có thói quen hút thuốc so với những người có chế độ ăn uống không lành mạnh.
Tiến sĩ Raphaëlle Varraso của Viện Nghiên cứu Y tế và Y học Pháp tại Villejuif cho biết: “Tôi cho rằng chúng ta cần nhận thức rõ được tầm quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh với những chứng bệnh về đường hô hấp. Các vấn đề đường hô hấp và chức năng của phổi thể hiện rõ tình trạng sức khỏe của cơ thể mỗi người”.
COPD là thuật ngữ chung chỉ một nhóm người mắc bệnh phổi mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm từ từ, không hồi phục các giá trị chức năng thông khí phổi. Chứng bệnh này bao gồm khí phế thũng, viêm phế quản mãn tính và một số loại bệnh hen suyễn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), khoảng 15 triệu người Mỹ đã được chẩn đoán bị mắc bệnh COPD và đây là một trong ba nguyên nhân chính gây tử vong ở đất nước này.
Bà Varraso cho biết: “Ở các nước phát triển, hút thuốc lá là nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh COPD. Tuy nhiên, có đến 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh COPD không bao giờ hút thuốc".
Như vậy, bệnh COPD có thể còn do một số nguyên nhân khác gây ra. Vì thế, ngoài việc bỏ hút thuốc lá, rất ít người quan tâm đến việc thay đổi các thói quen hàng ngày, bao gồm cả chế độ ăn uống để giảm nguy cơ mắc bệnh COPD.
Varraso cùng nhóm nghiên cứu của bà đã dựa trên dữ liệu khảo sát về lối sống và quá trình chăm sóc sức khỏe của hơn 73.000 phụ nữ và 43.000 nam giới tại Mỹ từ năm 1984 đến năm 2000.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đánh giá thói quen ăn uống của người tham gia khảo sát dựa trên Chỉ số Ăn uống lành mạnh luân phiên năm 2010 (AHEI-2010) – thước đo của chất lượng bữa ăn.
Chỉ số này được phát triển tại Trường Y tế công cộng Harvard, thay thế cho “kim tự tháp thực phẩm” của Bộ Nông nghiệp Mỹ trước đó và được chứng minh có liên quan tới khả năng giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính lớn.
Vì thế, chế độ ăn uống lành mạnh là chế độ ăn với khẩu phần rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các chất béo không bão hòa, các loại hạt và các axit béo omega-3 nhiều hơn, khẩu phần thịt đỏ và được chế biến, các loại ngũ cốc tinh chế và thức uống có đường ít hơn cùng lượng rượu tiêu thụ vừa phải.
Bà Varraso cho rằng, nếu bạn muốn giảm nguy cơ mắc các căn bệnh mãn tính lớn, bao gồm cả bệnh COPD thì nên tạo thói quen ăn uống lành mạnh theo chỉ số AHEI.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trên tạp chí BMJ, 33% những người tham gia khảo sát có chỉ số AHEI-2010 cao nhất ít có khả năng mắc bệnh COPD hơn những người còn lại với chỉ số chế độ ăn uống lành mạnh thấp nhất.
Tiến sĩ Norman Edelman H, chuyên gia tư vấn cấp cao về các vấn đề khoa học tại Hiệp hội ung thư Mỹ cho biết: "Đã có bằng chứng trước đó về việc chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa có thể giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân mắc bệnh phổi.
Nghiên cứu này đã sử dụng một cơ sở dữ liệu lớn và cho thấy rằng chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh COPD”.
Tuy nhiên, để phòng ngừa mắc bệnh COPD, điều quan trọng nhất là bạn phải từ bỏ việc hút thuốc lá và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận