12/03/2012 02:31 GMT+7

Ẩn dụ và thơ con cóc

TruongUy
TruongUy

TT - Những phim sống được lâu trong lòng khán giả, dù thuộc thể loại nào, đều có những tư tưởng ẩn trong những chi tiết điện ảnh. Nói đến chi tiết ẩn dụ, còn nhớ phim Ðừng đốt về nữ bác sĩ Ðặng Thùy Trâm. Xen tiếng bom cắt ngang tiếng hát của chị Trâm và anh lính da đen là một ẩn dụ ngưng đọng về chiến tranh và hòa bình. Khát khao cuộc sống thanh bình, ngưng tiếng súng được cất lên cả từ hai phía của cuộc chiến.

Khi kể một câu chuyện bằng phim, người làm phim đã có một "âm mưu". Ðó là chuyển tải những triết lý, quan điểm cá nhân về xã hội, thời đại, thế giới... Và để ẩn dụ "sống" được trong câu chuyện phim, kịch bản phải được xử lý một cách chăm chút, kỹ lưỡng. Một thông điệp tử tế, sâu sắc không thể được chuyển tải bằng cách làm qua quýt. Lối làm phim cẩu thả sẽ tạo nên những bộ phim vừa giả lại vừa nông cạn.

So sánh giữa phim Việt Nam với phim các xứ khác đều có ít nhiều khiên cưỡng. Nhưng ở góc độ khán giả, so sánh là đương nhiên, khi khả năng thụ hưởng chủ động của họ hiện đã có độ mở lớn. Hô hào "ta về ta tắm ao ta" trong khi hàng hóa điện ảnh kém sẽ là một khẩu hiệu ngây thơ.

Ẩn dụ tạo ra nhiều tầng nghĩa, để người xem cảm nhận phim do chính họ. Sự đồng cảm giữa người làm phim và khán giả phụ thuộc rất nhiều vào mối sẻ chia này. Ðấy cũng là lời lý giải tại sao hầu hết phim Việt thời gian qua có khi chưa trình chiếu xong đã... "chết"! Bởi trong đó có nhiều tình tiết chắp vá, cắt dán khiên cưỡng. Chẳng phải quá lời nếu khán giả bình luận rằng đạo diễn đã cóp nhặt những mẩu đời vào phim một cách cẩu thả.

Không cần dẫn lại cụ thể những phim đầy lời thoại kiểu "cán bộ" khi hai nhân vật tỏ tình. Hoặc để đau thương thì nhân vật buộc phải khóc gào, lăn lộn. Ðể gợi cảm thì nhân vật nữ cần phải tắm. Ðể vào vai giám đốc, đại gia thì phải vừa ngố vừa dê. Những công thức làm phim thô vụng như vậy khiến khán giả ngán ngẩm. Họ mất tiền hoặc thời gian, hoặc mất cả hai, chỉ để xem những "xen" phim nhạt nhẽo, giả tạo. Ngay cả đẹp như những nụ hôn, trong phim Việt Nam hiện thời cũng dễ cảm thấy gượng gạo.

Thế nên mới có chuyện khi xem phim, đến tình tiết bi khán giả lại cười ồ. Thấy diễn viên chính vừa ló mặt nói hai câu, khán giả chép miệng: "Sao giống y phim trước". Những tắm táp, xìcăngđan ầm ĩ để lôi khán giả vào xem phim thật gượng ép.

Trong một bộ phim truyền hình mới đây, người xem phản ứng mạnh vì một cảnh phản cảm. Khán giả có thể cảm tính, nhưng họ cũng không được thuyết phục khi đạo diễn giải thích đó là chi tiết "mở" cho những tình tiết có cơ sở ở các tập sau. Chi tiết điện ảnh mà phải giải thích bằng cách lên báo, đó phải chăng là "ẩn dụ" kiểu làm thơ con cóc?

VŨ THƯỢNG

TruongUy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp