Phóng to |
Trụ sở Công ty Novartis ở Thụy Sĩ - Ảnh: Reuters |
AFP cho biết Tòa án tối cao ngày 1-4 phán quyết Glivec “không đáp ứng các cuộc thử nghiệm về tính mới hoặc tính sáng tạo” theo yêu cầu của Ấn Độ. Không chỉ bị xử thua, Novartis còn phải trả một khoản chi phí kiện tụng.
Novartis phản đối phán quyết của tòa án với lý do “làm chùn bước những nỗ lực khám phá y học để thúc đẩy khoa học dược phẩm vì người bệnh”.
Công ty Novartis đã đấu tranh bảo vệ bản quyền sáng chế thuốc Glivec tại Ấn Độ từ năm 2006 với lập luận Glivec đã được cải thiện đáng kể do khả năng được hấp thụ cao. Trong khi Glivec được gần 40 quốc gia cấp bằng sáng chế như Mỹ, Nga và Trung Quốc thì Ấn Độ kiên quyết nói không vì cho rằng Glivec không phải là loại thuốc mới mà chỉ là phiên bản cải tiến chút ít của một loại thuốc phổ biến cũ.
Năm 2009, hãng này đệ đơn kiện lên Tòa án tối cao chống một đạo luật quy định không cấp bằng sáng chế đối với một nhãn hiệu thuốc mới nhưng không khác hoàn toàn loại thuốc trước đó.
Phán quyết của tòa án Ấn Độ ngày 1-4 đối với Novartis có ảnh hưởng lớn với những công ty dược nước ngoài hoạt động tại Ấn Độ và các công ty sản xuất thuốc nội địa.
Nhiều loại thuốc do các công ty dược phẩm phương Tây đem vào thị trường Ấn Độ bán với giá rất cao nên người dân không đủ tiền mua (40% dân chúng Ấn Độ thu nhập chưa tới 1,25 USD/ngày). Trong khi đó, các công ty dược Ấn Độ sao chép công thức của những loại thuốc này và bào chế sản phẩm có tính năng tương tự nhưng giá rẻ hơn nhiều.
Theo Reuters, chi phí điều trị bằng Glivec tốn đến 2.600 USD/tháng, trong khi nếu sử dụng loại thuốc mà các công ty dược Ấn Độ sao chép chỉ có 175 USD/tháng.
Reuters cho biết giá cổ phiếu của Công ty Novartis Ấn Độ đã giảm 5% sau phán quyết của tòa án. Trong năm 2012, lợi nhuận ròng của Novartis đạt 9,6 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận