Đường phố ở New Delhi mịt mù khói xe. Đây là thành phố ô nhiễm nhất Ấn Độ - Ảnh: Reuters |
“Chúng ta sẽ tung ra xe điện theo một cách vô cùng hoành tráng. Chúng ta sẽ tự cung tự cấp xe điện giống như UJALA (một chương trình của chính phủ bán bóng đèn LED giá rẻ cho người dân nhằm tiết kiệm điện) - Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Pitysh Goyal tuyên bố cuối tuần trước tại thủ đô New Delhi - Ý tưởng sẽ là không còn một chiếc xe chạy xăng hay dầu diesel nào được bán ra trên khắp cả nước vào năm 2030”.
Không phải tuyên bố chỉ để gây ấn tượng, ông Goyal còn đi sâu vào chi tiết các giải pháp của chính phủ nhằm tạo thị trường cho dòng xe thế hệ mới, đối mặt với thách thức về hạ tầng, công nghệ.
Tạo thị trường
Kế hoạch này thoạt đầu được đánh giá là quá tham vọng, khi số lượng xe điện trên đường phố Ấn Độ vẫn còn ít và chi phí sở hữu xe điện rất đắt. Nhưng Ấn Độ thể hiện quyết tâm hiện thực hóa bằng việc đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn để khuyến khích các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Bộ trưởng năng lượng Ấn Độ khẳng định nước này muốn tạo ra một thị trường xe điện hoạt động dựa trên nhu cầu của người dùng, chứ không phải nhờ sự trợ giá của chính phủ. Tuy nhiên để tạo ra nhu cầu, ngành công nghiệp này sẽ cần sự hỗ trợ của chính phủ trong khoảng ba năm trước khi có thể tự chống chọi trên thị trường.
Ông Goyal lấy ví dụ Công ty sản xuất xe hơi Maruti ban đầu cũng được chính phủ nâng đỡ và nay trở thành một trong những nhà sản xuất hàng đầu ở Ấn Độ.
Bộ Các ngành công nghiệp nặng và Viện Chuyển đổi quốc gia Ấn Độ đang phối hợp nhằm đưa ra chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe điện. Theo ông Goyal, yếu tố quan trọng nhất là giá bởi người dân sẽ thích mua xe điện nếu giá hợp lý.
Ngoài ra, chính phủ còn đầu tư vào các lĩnh vực liên quan như dự án năng lượng gió. Ấn Độ hiện có 28,6 triệu chiếc xe hơi và việc chuyển đổi toàn bộ sang xe điện cũng sẽ tạo ra thách thức về việc mở rộng hạ tầng.
Bộ trưởng năng lượng Ấn Độ khẳng định nước này đã bắt tay vào đầu tư. Mục tiêu đầu tiên của chương trình là những vùng trung tâm thương mại có lượng xe hơi lớn và mức ô nhiễm cao.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đối với xe điện liên quan đến công nghệ pin, với thời gian nạp năng lượng vẫn còn mất quá nhiều so với các loại xe chạy xăng hay diesel.
Giải pháp của Ấn Độ là thay pin cho xe ngay tại các trạm năng lượng. “Vì vậy xe hơi sẽ không còn phải đợi sạc, chỉ cần vào trạm đổi pin và đi ra. Nó sẽ tốn ít thời gian hơn đổ xăng, giống như trên đường đua Công thức một vậy!” - ông Goyal hào hứng nói.
Ô nhiễm chết người
Chính sách chuyển đổi sang xe điện được đưa ra trong bối cảnh ô nhiễm trở thành vấn nạn hàng đầu của Ấn Độ, đưa nước này vượt Trung Quốc trở thành quốc gia ô nhiễm hàng đầu thế giới. New Delhi, thành phố ô nhiễm “có hạng” trong nước và thế giới, mới đây đã tung ra kế hoạch cấm hoàn toàn xe chạy diesel vào năm 2025.
Điều tra của Tổ chức Hòa bình xanh năm 2017 xác định ô nhiễm không khí đã biến thành “cơn khủng hoảng kinh tế và y tế” và là thủ phạm giết 2,3 triệu người mỗi năm ở Ấn Độ, gây thiệt hại 3% GDP.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Goyal, lượng tiêu thụ năng lượng ở Ấn Độ trong ba năm qua tăng trưởng với tốc độ 6,5%, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.
“Công việc của tôi là cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm thiểu tiêu thụ để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu” - ông Goyal nói. Chương trình xe điện sẽ giúp xoa dịu nhu cầu nhập khẩu năng lượng của Ấn Độ.
Năng lượng cho xe điện chủ yếu tạo ra từ các nhà máy điện chạy than, nhưng các nghiên cứu cho thấy xe điện vẫn an toàn cho môi trường hơn xe hơi. Theo đó, việc sử dụng xe điện sẽ giảm lượng khí thải nitrogen oxide 32-99% và việc chuyển sang các phương tiện ít thải khí cũng giảm lượng carbon dioxide 17-71% tùy khu vực.
Vẫn có một số ý kiến lo ngại việc chuyển đổi sẽ tạo ra những thiệt hại về các khoản đầu tư vào hệ thống hạ tầng cũ, chi phí bỏ các xe hơi chạy nhiên liệu còn hoạt động tốt... “Dù chúng ta có muốn chấm dứt khí thải thì nó cũng chỉ xảy ra vào thế hệ kế tiếp” - chuyên gia Tom Worstall thuộc Viện Adam Smith của London nhận định. Tuy nhiên, hành động vẫn còn hơn không và đó là lý do không chỉ Ấn Độ, nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Na Uy, Mỹ đã tập trung thúc đẩy thị trường xe điện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận