Tổng thống Donald Trump nói chuyện trong hội nghị Doanh nhân APEC ở Đà Nẵng chiều 10-11 - Ảnh: THUẬN THẮNG
Về ý nghĩa, cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" đại diện cho một khu vực rộng lớn gồm những quốc gia có nền dân chủ ở châu Á. Cụm từ được dùng ngày càng nhiều trong giới an ninh và ngoại giao Úc, Ấn Độ và Nhật Bản những năm gần đây thay cho "châu Á - Thái Bình Dương".
Do cách hiểu trên, "Ấn Độ - Thái Bình Dương" trở thành một vòng tròn vây quanh siêu cường châu Á là Trung Quốc. Hiển nhiên Bắc Kinh không hài lòng với cách diễn đạt này.
Ngày 13-11, một ngày trước khi ông Trump kết thúc chuyến công du, Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách gửi cảnh báo đến Mỹ.
"Các bên có thể vạch ra kế hoạch của riêng mình để thúc đẩy hợp tác khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi hi vọng những kế hoạch và quan điểm đó phù hợp với xu hướng hợp tác cùng có lợi... tránh bị chính trị hóa hoặc mang tính loại trừ" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nhấn mạnh trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Ông Trump muốn Ấn Độ
Giới quan sát nhận ra ngay sự khác thường khi trong hành trình đi qua 5 nước châu Á, Tổng thống Trump cứ nhắc đến "Ấn Độ - Thái Bình Dương", thậm chí khi ông xuất hiện trong các hoạt động tại Hội nghị cấp cao APEC - một diễn đàn "châu Á - Thái Bình Dương".
Cụm từ "châu Á - Thái Bình Dương" trong khi đó lại được cựu tổng thống Barack Obama dùng nhiều nhất.
Trong bài diễn văn ở Hội nghị doanh nhân APEC tại Đà Nẵng chiều 10-11, Tổng thống Mỹ liên tục kêu gọi "một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", mô tả khu vực là nơi các quốc gia độc lập có thể "vươn lên trong tự do và hòa bình", và là nơi các quốc gia hành xử "tuân theo luật lệ".
Sau Việt Nam, "Ấn Độ - Thái Bình Dương" tiếp tục xuất hiện trong cuộc hội đàm giữa ông Trump và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila ngày 13-11.
Không cần phải diễn dịch nhiều để thấy cách dùng từ của ông Trump thể hiện mong muốn rằng Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 3 ở khu vực, giữ một vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh.
Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng kinh tế - quân sự, Ấn Độ có thể trở thành lá chắn cho các nước nhỏ hơn, đặc biệt là Đông Nam Á.
Hãng tin Bloomberg của Mỹ dẫn lời một quan chức Nhà Trắng giải thích rằng cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" giúp củng cố thông điệp "tự do hàng hải là trụ cột cho an ninh khu vực". Nó cho phép ông Trump xâu chuỗi những quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc trên hai tuyến hàng hải quan trọng kết nối châu Á, Trung Đông và châu Âu.
Còn theo một quan chức cao cấp khác, "Ấn Độ - Thái Bình Dương" được dùng để nhấn mạnh vai trò của Mỹ và Ấn Độ như hai trụ cột đỡ hai đầu châu Á.
Sau 12 ngày liên tục nghe ông Trump tán dương, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi đáp nhà lãnh đạo Mỹ trong cuộc hội đàm tại Manila ngày 13-11 trong một thông điệp không thể rõ hơn: "Dù đó là những kỳ vọng của thế giới hay của nước Mỹ, về phần mình, Ấn Độ luôn nỗ lực làm tròn bổn phận và đáp lại những kỳ vọng đó".
Đây là điều tốt vì nó cho thấy viễn cảnh Ấn Độ giữ một vai trò trong hệ thống cân bằng quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương... Mỹ đang nói họ muốn một vai trò lớn hơn của Ấn Độ.
Ông C. Raja Mohan, giám đốc Trung tâm Carnegie Ấn Độ
Chiến hạm Mỹ và Nhật đậu ở cảng Chennai (Ấn Độ) để tập trận chung với Ấn Độ hồi tháng 7-2017 - Ảnh: AFP
Liên minh dân chủ
Một ngày trước cuộc hội đàm Trump - Modi, Bộ Ngoại giao Nhật thông báo rằng các quan chức ngoại giao cấp cao của nước này đã nhóm họp với các đồng nghiệp Úc, Ấn Độ và Mỹ ở Manila "để thảo luận các biện pháp đảm bảo một trật tự quốc tế tự do, cởi mở dựa trên luật pháp ở Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Chi tiết các cuộc thảo luận không được nói rõ, nhưng có thể hiểu là nhằm đối trọng với sự trỗi dậy và sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Thật ra, cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" đã được các nhà ngoại giao Úc sử dụng từ cách đây khá lâu, từ tận những năm 1960. "Điều quan trọng là bây giờ nó được sử dụng bởi các cấp cao nhất của chính quyền Mỹ" - ông Rory Med Calf, giám đốc Trường An ninh quốc gia thuộc Đại học quốc gia Úc, bình luận.
Nhiều nhà lãnh đạo trước ông Trump đã đề cập đến "Ấn Độ - Thái Bình Dương", trong đó có Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris, Ngoại trưởng Rex Tillerson...
Điều thú vị là trước chuyến công du châu Á của ông Trump, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster thống kê được là Tổng thống Mỹ đã thực hiện 43 cuộc gọi cho "các nhà lãnh đạo Ấn Độ - Thái Bình Dương".
"McMaster là người nói nhiều nhất về cụm từ trên. Ông ấy xuất thân từ cộng đồng nghiên cứu chiến lược. Ông ấy là một học giả, vừa là một người lính" - ông Aaron Connelly, nhà nghiên cứu thuộc Viện Lowy (Úc), nhận xét.
Ông Trump hội đàm cùng Thủ tướng Ấn Độ Modi ở Manila ngày 13-11 - Ảnh: AFP
Ấn Độ thực sự hành động hướng về phương Đông
May mắn là "Ấn Độ - Thái Bình Dương" đến nay đã có một số hoạt động thực chất, không chỉ là lý thuyết suông. New Delhi đã có những bước đi tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ và Nhật Bản, tiêu biểu là cuộc tập trận hàng không mẫu hạm và tàu ngầm hồi tháng 7 vừa qua trên Ấn Độ Dương.
Ấn Độ còn cung cấp gói tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam để mua sắm trang thiết bị quốc phòng, huấn luyện sĩ quan hải quân cho các nước Đông Nam Á... Ấn Độ có nhiều loại vũ khí được nhiều nước quan tâm như tàu hộ vệ tên lửa Talwar, tên lửa chống hạm BrahMos, tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung MR-SAM...
Sau ngày nhậm chức, Thủ tướng Modi đã nâng cấp chính sách "Nhìn về phương Đông" lên "Hành động phương Đông", không chỉ tăng cường hợp tác với Đông Nam Á, mà còn thiết lập liên hệ kinh tế và chiến lược với Nhật, Hàn Quốc, Úc...
Theo ông C. Raja Mohan - giám đốc Trung tâm Carnegie Ấn Độ, cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" mô tả sự trở lại của phương thức hợp tác khu vực đã từng chứng kiến trước đây.
"Hồi thập niên 1940, cả khu vực được xem là một nhất thể. Bởi vì sau đó Ấn Độ và Trung Quốc thu mình lại, cả hai nước bị xem là tách khỏi Đông Nam Á. Bây giờ chúng ta đang chứng kiến khu vực trở nên liên kết hơn trước" - ông Mohan giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận