Tên lửa PSLV C37 rời bệ phóng sáng 15-2, mang theo 104 vệ tinh vào quỹ đạo - Ảnh The Indian Express |
Trước đó, lúc 9g28, tên lửa đẩy Polar Satellite Launch Vehicle (PSLV) C37 rời bệ phóng từ trung tâm không gian Satish Dhawan, đảo Sriharikota, và 2 phút sau hoàn tất thành công giai đoạn đầu tiên.
Đến 10g, toàn bộ 104 vệ tinh được phóng thành công, nhật báo Hindustan Times của Ấn Độ đưa tin. Theo kế hoạch, ba vệ tinh nặng nhất được đẩy riêng biệt dọc trục phóng, các vệ tinh còn lại được phóng theo hình thức tỏa tròn ở các góc độ khác nhau.
Với lần phóng này, Ấn Độ đã làm nên lịch sử ngành hàng không vũ trụ khi phá kỷ lục phóng 37 vệ tinh vào năm 2014 do Nga nắm giữ.
ISRO tuyên bố đây là lần phóng có thời gian đếm ngược ngắn nhất và cũng phức tạp nhất trong lịch sử tên lửa PSLV.
Năm 2016, Ấn Độ từng phóng 20 vệ tinh một lần, nhưng vẫn không là gì so với 104 vệ tinh lần này.
Trong lần phóng mới nhất này, tên lửa PSLV C37 mang theo 3 vệ tinh của Ấn cùng 101 vệ tinh nano, mỗi cái nặng chưa đến 10kg, từ 6 quốc gia là Mỹ, Kazakhstan, Israel, Hà Lan, Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Trong số đó, công ty Planet Labs Inc. có trụ sở tại San Francisco sở hữu số lượng vệ tinh nhiều nhất với 88 cái.
Theo Hindustan Times, tên lửa PSLV có tải trọng 1.500kg, và lần phóng này mang theo tổng khối lượng vệ tinh là 1.378kg. Vệ tinh nặng nhất là CartoSat của Ấn Độ có khối lượng 714kg và nhẹ nhất là Nayif của UAE chỉ 1,1 kg.
"Các vệ tinh thứ cấp thường không lớn lắm, vì vậy có thể mang được số lượng nhiều”, ông Ramabhadran Aravamudan, cựu giám đốc Trung tâm vệ tinh của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), giải thích.
"Công nghệ chính là làm sao phóng theo một trình tự để các vệ tinh này không vướng vào nhau và đi vào quỹ đạo riêng biệt”.
Báo Bloomberg cho hay 104 vệ tinh này sẽ được dùng cho việc thiếp lập bản đồ trái đất, theo dõi tàu thuyền để giám sát đánh bắt trái phép và cướp biển, cũng như tiến hành các thử nghiệm không trọng lực.
Toàn cảnh tên lửa PSLV-C37 tại trung tâm không gian Satish Dhawan, đảo Sriharikota sáng 15-2 -Ảnh: Hindustan Times |
Theo phân tích của Hindustan Times, ý nghĩa thực sự của vụ phóng lần này là cho phép ISRO kiểm tra khả năng phóng nhiều vệ tinh nhỏ.
Điều này là rất quan trọng nếu Ấn Độ muốn xâm nhập vào thị trường vệ tinh nano và vi vệ tinh toàn cầu, dự kiến sẽ đạt đến 3 tỉ USD trong ba năm tới.
Khảo sát của ISRO cũng chỉ ra rằng khoảng 3.000 vệ tinh sẽ được sẵn sàng được phóng vào quỹ đạo trong 10 năm tới để phục vụ công tác điều hướng, hàng hải, giám sát và các ứng dụng vũ trụ khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận