Ấn Độ ngập trong rác thải điện tử
TT - Tốc độ phát triển nhanh công nghệ kỹ thuật đang khiến Ấn Độ phải đối mặt với lượng rác thải điện tử khổng lồ từ trong nước hoặc từ nước ngoài. Núi rác này dày thêm trung bình 420.000 tấn mỗi năm và năm sau cao hơn năm trước.
Cư dân các khu ổ chuột của Ấn Độ sống nhờ vào rác thải điện tử - Ảnh: ewasteguide.info |
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà sản xuất công nghệ thông tin (MAIT) Ấn Độ, phần lớn phế phẩm điện tử đến từ các hoạt động trong nước, năm 2007 là 380.000 tấn và có tốc độ tăng mạnh nhất trong các loại rác thải. Nguyên nhân chính là do trào lưu nâng cấp và đào thải các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính, tivi diễn ra quá nhanh tại đây.
Nguyên nhân khác: nhiều nước trên thế giới đang sử dụng Ấn Độ như một thùng rác lý tưởng. Ước tính 50.000 tấn rác điện tử được nhập khẩu mỗi năm vào Ấn Độ, đôi lúc mang danh nghĩa những món hàng từ thiện.
Tổ chức Toxics Link tại Delhi, cho biết lượng rác điện tử trung bình hằng năm của Ấn Độ có thể đến 800.000 tấn vào năm 2010 và “phát triển thành mối bận tâm lớn về môi trường” như giám đốc điều hành MAIT Vinnie Mehta cảnh báo.
Đáng ngại là hiện nay 95% hoạt động tái chế phế phẩm điện tử là thủ công tại các khu ổ chuột với khoảng 30.000 người tham gia. Các biện pháp như đốt, ngâm axit hoặc sử dụng các hóa chất có thể gây ra những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe do các hóa chất ngấm vào đất. Trong khi đó sáu nhà máy tái chế của Ấn Độ chỉ có công suất vỏn vẹn 27.000 tấn rác/năm.
TRẦN PHƯƠNG (Theo Times of India, Straitstimes)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận