Shefali Hajong, một công nhân tham gia xây dựng trại tập trung tại Assam. Bản thân người công nhân này cũng chưa có tên trong danh sách công dân tại đây - Ảnh: REUTERS
Khu trại này nằm tại bang Assam, nơi trồng trà nổi tiếng của Ấn Độ và dự tính có sức chứa ít nhất 3.000 người.
Các công nhân và nhà thầu được hãng tin Reuters phỏng vấn tại khu trại cho biết nơi đây sẽ có trường học, bệnh viện, khu vui chơi và khu vực kiểm soát an ninh.
Chính phủ Ấn Độ trước đó thông tin rằng có hàng trăm ngàn người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh cư ngụ tại Assam. Tuy nhiên, Bangladesh đã từ chối nhận lại bất cứ trường hợp nào Ấn Độ đưa ra.
Khu trại đầu tiên tại Assam được xây dựng gần thị trấn Goalpara. Truyền thông địa phương cho biết nó là một trong 10 trại tập trung rải rác khắp Assam.
Tóa án Tối cao Ấn Độ đã yêu cầu thống kê lại các công dân của Assam và quyết định này nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Narendra Modi.
Những người phản đối kế hoạch trên cho rằng việc xây dựng trại tập trung chỉ nhắm vào người Hồi giáo, kể cả những người đã sinh sống hợp pháp tại Ấn Độ hàng thập kỷ qua.
Theo Reuters, nhiều người Hindu, đa số là dân nghèo và không có học thức, cũng không có tên trong danh sách công dân công bố hồi tuần trước.
Một góc khu trại tập trung đang được xây dựng tại Assam - Ảnh: REUTERS
Bờ vực khủng hoảng
"Assam đang nằm trên bờ vực của vụ khủng hoảng có thể khiến nhiều người không chỉ mất đi quyền công dân và quyền tự do, mà còn mất cả các quyền cơ bản. Đây là điều sẽ ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của các thế hệ tiếp theo". Tổ chức nhân quyền Amnesty nêu trong một tuyên bố mới nhất về vấn đề quyền công dân tại Assam.
Đáp lại, Ngoại trưởng Ấn Độ đã khẳng định việc xét quyền công dân là "chuyện riêng" của nước này. Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng cho biết những người không phải công dân của bang Assam "sẽ không bị trục xuất và vẫn tiếp tục được hưởng quyền như trước đây, cho đến khi họ đã tận dụng hết các biện pháp hỗ trợ được quy định trong luật".
Theo báo chí tại Ấn, các bản kế hoạch do chính quyền New Delhi công bố đầu năm 2019 cho thấy các khu trại tập trung sẽ được bao bọc bởi tường rào kẽm gai, cao ít nhất 3 m.
Các nhà thầu và công nhân xây dựng cho biết khu trại sẽ chia khu nam và nữ riêng biệt.
Hồi tháng 7 vừa qua, ông G. Kishan Reddy - một quan chức chính phủ, nói với quốc hội Ấn Độ rằng các khu tập trung sẽ được trang bị điện, nước uống, được vệ sinh sạch sẽ, có giường nằm, nhà vệ sinh được trang bị hệ thống nước, phương tiện liên lạc và cả nhà bếp.
Tuy nhiên, sau khi đến thăm 2 trong số các cơ sở này hồi năm ngoái, một nhóm thuộc Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Ấn Độ cho biết cuộc sống tại đây không mấy giống như lời mô tả trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận