Nhân viên y tế Ấn Độ rút một liều vắc xin COVID-19 từ lọ chứa - Ảnh: UNICEF
Lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ sẽ kéo dài đến hết năm nay, theo báo New York Times. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại thế giới có thể bị thiếu hụt từ 2-4 tỉ bơm kim tiêm trong năm 2022. Tình trạng thiếu hụt dự kiến sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nước châu Phi.
"Điều này thực sự đáng thất vọng. Sau khi đợi cả năm trời để nhận vắc xin, đến khi có được vắc xin các nước lại nhận ra không có bơm kim tiêm để dùng số vắc xin đó", ông Prashant Yadav - một chuyên gia về chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe - nói với New York Times.
COVAX, sáng kiến phân phối công bằng vắc xin COVID-19, đang tìm kiếm các nguồn thay thế khác ngoài Ấn Độ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF cảnh báo tình trạng thiếu bơm kim tiêm có thể gây ra "hậu quả nghiêm trọng" cho nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.
Theo UNICEF, để bảo đảm an toàn nhất, bơm kim tiêm dùng tiêm vắc xin COVID-19 là loại tự động khóa và chỉ có thể dùng một lần. Tuy nhiên việc thiếu hụt bơm kim tiêm có thể đẩy các nước nghèo đi đến quyết định tái sử dụng bơm kim tiêm, làm gia tăng rủi ro cho người dân.
UNICEF hỗ trợ Việt Nam 500.000 bơm tiêm tự khóa - Nguồn: UNICEF
WHO đặt tham vọng tiêm chủng 70% dân số toàn cầu trước tháng 6-2022. Lo lắng mục tiêu này bị ảnh hưởng, tổ chức này đã thúc giục Chính phủ Ấn Độ miễn trừ lệnh hạn chế xuất khẩu cho một số nhà cung cấp bơm kim tiêm.
Tuy nhiên New Delhi chỉ tăng hạn ngạch xuất khẩu để bảo đảm có đủ ống tiêm cho chiến dịch tiêm chủng trong nước, điều mà UNICEF mô tả là "chủ nghĩa dân tộc ống tiêm" (tương tự "chủ nghĩa dân tộc vắc xin" khi các nước hạn chế xuất khẩu hoặc tích trữ vắc xin cho dân mình trước).
Tranh thủ lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tăng tốc sản xuất bơm kim tiêm tự khóa để tăng thị phần toàn cầu.
ProcureNet, một nhà cung cấp dược phẩm có trụ sở tại Hong Kong, thông báo sẽ chi 20 triệu USD cho một nhà máy ở Trung Quốc đại lục, để sản xuất 750 triệu bơm kim tiêm cho Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ (PAHO) và các tổ chức y tế khác.
"Các nước vẫn đang chi hàng tỉ USD cho vắc xin COVID-19, nhưng vắc xin sẽ phát huy tác dụng thế nào nếu không có bơm kim tiêm để sử dụng?", ông Gurbaksh Chahal - giám đốc ProcureNet - nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận