Phóng to |
Ở nhiều địa phương của Ấn Độ, người nghèo lâu nay được phát sổ mua thực phẩm. Vấn đề là ai cũng có thể mượn sổ của người khác và dễ dàng trục lợi. Thậm chí có một số đầu nậu thu gom sổ thực phẩm của người khác mà không ai làm gì được. Do vậy, thực phẩm trợ giá cho người nghèo lại không đến tay người nghèo.
Để khắc phục tình trạng này, chính quyền Chandigarh có cách làm khác. Để được vào bên trong cửa hàng, tại quầy phục vụ, ngoài việc phải đút chiếc thẻ điện tử có ảnh của chính mình vào máy, người mua còn phải qua bước kiểm tra vân tay. Chính quyền hi vọng công nghệ hiện đại sẽ giúp loại bỏ tình trạng gian lận để thực phẩm giá rẻ của nhà nước đến được với người nghèo thật sự.
“Chỉ khi vân tay người mua khớp với hệ thống, họ mới có thể vào trong mua hàng. Do đó, người nghèo sẽ được mua thực phẩm thiết yếu đúng số lượng với giá cả phải chăng” - Bachan Singh, nhân viên quản lý hệ thống, khẳng định.
Theo chính sách hiện hành, người dân có thu nhập dưới ngưỡng nghèo được phép mua các loại thực phẩm thiết yếu bao gồm gạo, bột mì và đường với giá ưu đãi tại các cửa hàng bình ổn giá của nhà nước.
Thẻ mua thực phẩm có kích thước như thẻ thanh toán ngân hàng, chứa các thông tin của chủ thẻ như vân tay, ảnh chân dung, số khẩu trong gia đình, chủ hộ... Nó cũng lưu lại thông tin các loại thực phẩm được mua, giá cả, số lượng và ngày tháng.
“Tôi rất thích chiếc thẻ thông minh này - Usha, bà mẹ của ba đứa con, cho biết trong lúc đang chờ đến lượt vào cửa hàng - Mới đây, tôi làm mất thẻ và thủ tục nhận thẻ mới rất dễ dàng”.
Usha kiếm được khoảng 33 USD/tháng với công việc giúp việc nhà và thuộc diện hộ nghèo. Bà được mua 35kg ngũ cốc giá ưu đãi mỗi tháng.
Tuy nhiên, nhiều người dân nghèo sống trong các khu ổ chuột ở Chandigarh, những người không hề có tivi hay điện thoại, lại rất dè dặt với công nghệ quá mới này. Họ vẫn thích cuốn sổ mà xưa nay quen dùng. Bà Kunti Devi - góa phụ, nhân viên tạp vụ với thu nhập 44 USD/tháng - kể: “Có lần chiếc máy không đọc được dấu vân tay của tôi. Do đó họ nói tôi hãy đi về và quay lại sau”. Bà cũng than phiền xếp hàng lâu mới đến lượt so với trước và thật không dễ chịu khi xếp hàng chờ đợi với cái bụng rỗng dưới nắng nóng.
Thách thức lớn nhất đối với nhà chức trách là làm cho dân chúng chấp nhận dùng thẻ và đảm bảo hệ thống không bị trục trặc khi vận hành.
Chính quyền Chandigarh hi vọng đến tháng 9-2011, 200.000 hộ gia đình sẽ đăng ký sử dụng thẻ mua thực phẩm. Hiện mới chỉ có 5.000 người nghèo của thành phố chịu làm quen với thiết bị hiện đại này. Chính quyền Chandigarh chi khoảng 10 triệu USD để đầu tư các thiết bị và không thu đồng nào từ người sử dụng. Dự thảo luật về an ninh lương thực quy định Ấn Độ đảm bảo trợ giá ngũ cốc tối thiểu 90% đối với các hộ gia đình nghèo ở nông thôn và 50% các hộ nghèo ở thành thị.
Nếu mô hình ở Chandigarh thành công, nó sẽ được nhân rộng toàn Ấn Độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận