Lô hàng thuốc hydroxychloroquine chống sốt rét của Ấn Độ đã được chuyển đến sân bay Newark (Mỹ). Hình ảnh được đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Taranjit Sandhu công bố trên Twitter ngày 12-4 - Ảnh chụp màn hình
Ngày 12-4, truyền thông đưa thông tin về chuyến bay chở thuốc đến Mỹ. Thông tin này được nhiều "đối tác người Mỹ" nhanh chóng chia sẻ, bởi ở Mỹ cho đến giờ thuốc hydroxychloroquine được xem là một trong những phương án tiềm năng nhất để chữa cho người nhiễm COVID-19 bị chuyển biến nặng.
Đây là những lô hàng đầu tiên trong số 29 triệu liều mà ông Trump đã công bố là chuẩn bị cho dân Mỹ. Nhưng để có những kiện hàng thuốc này là cả một cuộc đấu trí.
Quyết định bất ngờ của Delhi
Ấn Độ được mệnh danh là "công xưởng dược của thế giới" bởi khả năng sản xuất được nhiều với giá cả phải chăng các loại thuốc thông dụng mà thế giới thường dùng. Thế rồi giữa đại dịch, khi thế giới xoay mòng chống dịch với đủ thứ thiếu thốn, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi tung ra quyết định "nghe như sét đánh ngang tai": ngưng xuất khẩu thuốc từ ngày 3-3.
Thoạt đầu là paracétamol hạ sốt cùng khoảng 20 loại khác, mà cũng toàn là các loại thế giới đang cần như vitamine B1, B6 và B12, thuốc kháng virus (aciclovir) và kháng sinh (tinidazole, metronidazole, ornidazole, chloramphénicol, néomycine, erythromycine et clindamycine). Đến ngày 25-3 thì thêm hydroxychloroquine (thuộc nhóm thuốc trị sốt rét). Đây lại là những loại thuốc đang "sốt" bởi khả năng giúp điều trị những người dương tính với virus corona.
Ấn Độ hiện là nhà sản xuất thuốc hydroxychloroquine lớn nhất thế giới, đáp ứng tới 70% nhu cầu với loại thuốc này. Theo Liên minh Dược phẩm Ấn Độ (IPA), mỗi tháng các công ty Ấn Độ sản xuất tới 40 tấn hydroxychloroquine để cung cấp ra thị trường.
Bởi thế, không ít người xem quyết định cấm xuất khẩu của Ấn Độ là cách của người chơi "nắm dao đằng chuôi", dù phần giải thích của nước này là chuẩn bị thuốc cho người dân của mình vốn cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch.
Theo báo Hindustan Times của Ấn Độ, quyết định của chính quyền Modi tuy vậy có kèm theo quy định chỉ xuất khẩu "với lượng phù hợp" cho những quốc gia láng giềng đang lệ thuộc vào nguồn thuốc của Ấn, cũng như với các quốc gia "bị ảnh hưởng dịch nặng nề".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng lên tiếng đe dọa "đối với mọi ý định mua để tích trữ thuốc (của Ấn) hay gây áp lực bằng chính trị".
Một người bệnh ở TP Seattle, bang Washington (Mỹ) trưng ra lọ thuốc hydroxychloroquine để chữa bệnh cho bà. Lúc này, bà phải đi ít nhất 5 tiệm thuốc mới tìm mua được liều đủ dùng theo toa bác sĩ - Ảnh: REUTERS
Mỹ chơi "rắn"
Quyết định đó khiến nhiều nước Âu, Mỹ chưng hửng. Ông Trump đặc biệt quyết định chơi "rắn". Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 6-4, khi được yêu cầu bình luận về thông tin Ấn Độ đình chỉ xuất khẩu thuốc hydroxychloroquine, trong đó có Mỹ, ông Trump đáp ngay, không quên nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng trả đũa: "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ông ấy quyết định ngừng bán thuốc cho Mỹ vì Ấn Độ có quan hệ rất tốt với Mỹ. Ông ấy sẽ phải nói với tôi về điều đó.
Tôi đã gọi điện và nói chuyện với ông ấy vào sáng chủ nhật (5-4). Và tôi nói rằng Washington sẽ đánh giá rất cao nếu họ loại Mỹ ra khỏi danh sách cấm bán dược phẩm. Nếu không thì cũng sẽ là điều bình thường, nhưng, tất nhiên, có thể có các biện pháp trả đũa. Tại sao không?".
Dường như tất cả đã có sự dàn xếp. Sang hôm sau xuất hiện thông tin Ấn Độ "mở hé cửa" với một số thuốc cần thiết mà thế giới đang thiếu trong đại dịch.
Thế là trong một dòng trạng thái đăng trên Twitter ngày 8-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: "Những biến cố khác thường cần tới sự hợp tác chặt chẽ giữa những người bạn. Cảm ơn Ấn Độ và nhân dân Ấn Độ vì quyết định liên quan tới hydroxychloroquine. Sẽ không bao giờ quên! Cảm ơn Thủ tướng Narendra Modi vì sự lãnh đạo của ngài đã giúp không chỉ cho Ấn Độ, mà cả nhân loại, trong cuộc chiến này!".
Ít giờ sau, Thủ tướng Modi cũng đáp lời trên Twitter. Ông nhấn mạnh đến mối quan hệ đối tác Ấn - Mỹ "đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Ông viết: "Ấn Độ sẽ làm mọi việc có thể để giúp nhân loại chiến đấu chống COVID-19. Chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng’’.
Do hụt nguyên liệu từ Trung Quốc
Ông Sudarshan Jain, tổng thư ký IPA, giải thích: "Khi đó các nhà sản xuất thuốc của Ấn có lo về chuyện nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc bị thiếu hụt".
Theo báo Le Monde của Pháp, 70% nguyên liệu ngành dược ở Ấn đến từ Trung Quốc, mà oái oăm thay chủ yếu từ Hồ Bắc - nơi đã bị phong tỏa toàn tỉnh hơn tháng liền.
Sau chuyện lùm xùm vừa rồi, chính quyền Thủ tướng Modi đã quyết định huy động quỹ 100 tỉ rupee (tương đương 1,3 tỉ USD) để tính chuyện khuyến khích các hãng dược của Ấn tự sản xuất nguồn nguyên liệu cho mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận