08/03/2013 07:42 GMT+7

Ăn cắp bản quyền báo chí: Không thể nộp đơn kiện mỗi ngày

CHI MAI - MINH QUANG thực hiện
CHI MAI - MINH QUANG thực hiện

TT - Tình trạng “ăn cắp” bản quyền báo chí thời gian qua đã rõ, vấn đề nhiều tờ báo đặt ra đầy bức xúc là làm sao xử lý tận gốc tình trạng dai dẳng này.

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của tổng biên tập báo Thanh Niên và báo điện tử Dân Trí về các vụ “ăn cắp” bản quyền.

crnOkzmq.jpgPhóng to
Sáng 7-3, khi Tuổi Trẻ vừa đưa tin “Không được dừng xe để xử phạt xe không chính chủ” lên mạng tuoitre.vn, trang CafeF ngay lập tức đã “cọp” bản tin này - Ảnh: T.T.D.
JDN0RorQ.jpgPhóng to
Bài báo “Không được dừng xe để xử phạt xe không chính chủ” của Tuổi Trẻ bị trang CafeF “đánh cắp” sáng 7-3. Mỗi ngày, tin bài của Tuổi Trẻ bị hàng loạt trang web, báo điện tử “chôm chỉa” bất hợp pháp - Ảnh: T.T.D.

Ông Nguyễn Quang Thông (tổng biên tập báo Thanh Niên):

Các báo cùng ngồi lại với nhau

Thiệt hại có thể kể ở hai góc độ quan trọng nhất. Thứ nhất, đó là về giá trị thương hiệu của tờ báo. Đây là thiệt hại vô hình, không thể cân đo đong đếm được. Thiệt hại thứ hai có thể tính toán được tương đối là về kinh tế báo chí. Công ty chuyên về làm quảng cáo có công nghệ, công cụ có thể đếm được khá chính xác lượng truy cập của website. Số lượng truy cập đó là cơ sở để đăng quảng cáo.

Mỗi ngày chúng tôi tải lên báo mạng hàng trăm thông tin, không thể phân công người ngồi theo dõi cái nào bị lấy lại, “ăn cắp” kiểu gì. Theo tôi, trước tiên các báo cũng phải tự cứu mình. Đối với những loại tin tức thời sự không có gì đặc biệt, sự kiện diễn ra trước hàng ngàn người, hàng trăm phóng viên tham dự thì thông tin bị lấy lại chúng tôi không quan tâm lắm.

Nhưng với những thông tin độc quyền, Thanh Niên đã áp dụng công nghệ không cho sao chép, nhưng việc này mới chỉ áp dụng được cho các sản phẩm ảnh, video clip, clip âm thanh. Thế nên, nếu có báo nào “cóp” lại thì cùng lắm cũng chỉ lấy lại được phần bài viết nhưng không thể có hình ảnh, phim. Các báo cũng có thể áp dụng cách thức thu tiền của người đọc đối với những thông tin độc quyền mà phóng viên đã phải cực nhọc, bỏ nhiều công sức mới có được.

Giải pháp chống vi phạm bản quyền không đơn giản là câu chuyện pháp luật, kiện cáo ra tòa. Về pháp luật, hiện cũng có Luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí nhưng vẫn còn thiếu những hướng dẫn cụ thể, cần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn rõ ràng hơn. Về quy trình để khởi kiện ra tòa hiện tốn rất nhiều thời gian, trong khi thông tin báo chí đăng tải liên tục, bị xâm phạm liên tục, nếu cứ mỗi khi phát hiện vi phạm phải gửi đơn đến tòa thì mỗi ngày chúng tôi phải gửi tới vài chục đơn kiện.

Ông Nguyễn Quang Thông cho biết baomoi.com chỉ là một trong hàng chục trang điện tử, website thường xuyên lấy thông tin từ báo điện tử của Thanh Niên mà không được phép của báo. Ông Thông cho biết ban biên tập đang chuẩn bị công văn đề nghị baomoi.com chấm dứt sử dụng thông tin trên báo Thanh Niên.

Vấn đề hết sức quan trọng là phải có sự tương tác của hội nghề nghiệp đối với tình trạng này. Hội Nhà báo cần đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo, mời các chuyên gia về báo chí trong nước, ngoài nước, chuyên gia về thông tin mạng, luật gia... để cùng bàn về giải pháp cho việc này. Các báo có thể cùng bàn thảo, chia sẻ và từ đó có thể đặt ra thành hệ thống, thống nhất được quy định về hoạt động nghề nghiệp, tiến tới hình thành những quy ước chung cho vấn đề sử dụng thông tin mạng.

Năm 2007, khi việc vi phạm bản quyền mới bắt đầu xảy ra, báo Thanh Niên và bốn tờ báo khác (Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động và Tiền Phong) cũng đã ngồi lại và ký kết một thỏa thuận chung về trao đổi và bảo vệ bản quyền. Trong đó, các báo ký cam kết được sử dụng thông tin của nhau và cùng hợp tác trong việc bảo vệ bản quyền của các báo. Các báo cũng đã cùng hợp đồng với văn phòng luật sư để phối hợp theo dõi thông tin bị vi phạm.

Theo tôi, đây là việc làm rất tốt, có hiệu quả. Chỉ tiếc rằng sau khi hết thời hạn thỏa thuận (hai năm) thì vì nhiều lý do mà các báo không tiếp tục ký thỏa thuận nữa. Tôi nghĩ rằng trong điều kiện hiện nay, việc các báo cùng ngồi lại để thỏa thuận bảo vệ bản quyền như một số báo từng làm cũng là một giải pháp hữu hiệu.

Ông Phạm Huy Hoàn (tổng biên tập báo điện tử Dân Trí):

Phải thực hiện đúng quy định về bản quyền

Báo Dân Trí đã đề nghị luật sư vào cuộc và qua rà soát của luật sư cho thấy có rất nhiều trang thông tin điện tử sử dụng thông tin của báo chí nói chung và báo Dân Trí mà không xin phép. Luật sư của Dân Trí đã thống kê được khoảng chục trang tin như baomoi.com, tin247.com, soha.vn... và sẽ chính thức làm việc với các đơn vị đó cũng như thanh tra Bộ Thông tin - truyền thông về vấn đề này. Quan điểm của Dân Trí là các cơ quan đó phải thực hiện đúng Luật báo chí.

Thiệt hại thì chúng ta nhìn thấy cái thứ nhất là vi phạm về bản quyền, đây là điều rõ ràng không phải tranh cãi. Thứ hai, nó nguy hại ở chỗ những sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí đó do cơ quan xuất bản phải chịu trách nhiệm. Việt Nam không có quy định cho tư nhân làm báo nhưng những trang thông tin này họ cứ lấy tin của các báo, sử dụng trên trang thông tin của mình như một tờ báo của mình làm ra. Ai cho phép họ làm việc đó, luật nào cho phép họ làm việc đó? Điều này Bộ Thông tin - truyền thông sẽ trả lời, thanh tra bộ sẽ phải vào cuộc để xử lý vì lâu nay không ai xử lý cả, vẫn cứ để như vậy.

Kỳ này một số báo đã lên tiếng, luật sư của Dân Trí sẽ có văn bản gửi đến thanh tra bộ, Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, đến các cơ quan cấp phép cho trang đó để kiến nghị về các vấn đề này. Tôi tin Bộ Thông tin - truyền thông và các cơ quan cấp phép sẽ phải xem xét nghiêm túc lại sau đợt này.

CHI MAI - MINH QUANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp